Thứ Sáu, 11/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 13/7/2010 23:5'(GMT+7)

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ: Thực trạng 2009 và triển vọng 2010

1 - Thực trạng năm 2009

1.1. Bối cảnh: Năm 2009 là một năm khá đặc biệt trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Quan hệ hai nước đã có bước chuyển biến sâu sắc và có chất lượng. Hai bên đều muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hữu nghị và gắn kết với nhau trên nhiều lĩnh vực, nhất là quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế.

Quan hệ ngoại giao được tăng cường thông qua các cuộc gặp gỡ lãnh đạo cấp cao giữa 2 nước. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những cuộc gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ B. Ô-ba-ma cũng như các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị cấp cao ASEAN, gần đây nhất là Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Cô-pen-ha-gen (Đan Mạch). ảnh hưởng tích cực của các quan hệ ngoại giao đã tác động mạnh đối với quan hệ kinh tế. Bên cạnh đó, các quan chức cấp cao hai bên cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi và đối thoại trên nhiều lĩnh vực. Trong năm 2009, nhiều quan chức cấp cao Việt Nam đã thăm Hoa Kỳ để trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt là các bước nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ như Ngoại trưởng H. Clin-tơn, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, các nghị sĩ đã có nhiều cuộc trao đổi rất hiệu quả, thẳng thắn trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Xét về mặt khu vực và quốc tế, Việt Nam đã hợp tác rất bình đẳng và hiệu quả với Hoa Kỳ trong các hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội nghị cấp cao APEC, cấp cao ASEAN và các hội nghị khác. ảnh hưởng tích cực của các mối quan hệ ngoại giao đó đã có tác động tích cực đối với sự phát triển các quan hệ khác giữa 2 nước như kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ...

Song, về quan hệ kinh tế giữa 2 nước, nhất là phía Hoa Kỳ năm 2009 lại chịu tác động rất lớn của suy thoái kinh tế, tài chính toàn cầu. Kể từ giữa năm 2008, khi bong bóng thị trường nhà đất ở Hoa Kỳ bị vỡ kéo theo sự sụp đổ kiểu hiệu ứng "đô-mi-nô" của hàng loạt ngân hàng, chính quyền Oa-sinh-tơn đã phải đổ hàng trăm tỉ USD để cứu các đơn vị này. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra gay gắt, kéo dài từ quý III năm 2008 và cả năm 2009 bắt đầu từ Hoa Kỳ làm cho nền kinh tế số 1 thế giới gặp rất nhiều khó khăn. Đầu năm 2009, Tổng thống Hoa Kỳ B. Ô-ba-ma đã có quyết định áp dụng mức phí mới đối với các công ty tài chính lớn nhất Hoa Kỳ để thu hồi khoảng 120 tỉ USD tiền cứu trợ. Vào ngày 22-1, ủy ban Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ đã có cuộc điều trần để thảo luận vấn đề bồi thường cho các công ty tài chính và phi tài chính...

Đối với Việt Nam, tuy mức độ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế - tài chính toàn cầu đối với nền kinh tế không gay gắt như Hoa Kỳ nhưng sự giảm sút về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, du lịch và đầu tư cũng diễn ra trên phạm vi rộng. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thâm hụt ngân sách lớn hơn các năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 5,32%, thấp nhất trong 10 năm qua, thâm hụt ngân sách 7% GDP là mức cao, tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP còn lớn, nguồn vốn FDI giảm 70% so với năm 2008, số lượt khách du lịch quốc tế giảm 30% so với năm 2008.

Về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, các trung tâm nghiên cứu, các học giả và một số quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đều cho rằng chính sách của chính quyền B. Ô-ba-ma đối với Đông - Nam Á và đối với Việt Nam là sự tiếp tục chính sách của Tổng thống G. Bu-sơ, nhưng với tốc độ mạnh hơn, nhanh hơn, linh hoạt hơn và trong các điều kiện thuận lợi hơn.

Bối cảnh trên đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô và tốc độ phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2009.

2.2. Quan hệ kinh tế năm 2009: Trong bối cảnh ảm đạm đó, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn duy trì và mở rộng quan hệ kinh tế với Việt Nam trên các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, du lịch, hợp tác phát triển.

Về hợp tác thương mại. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2009 đạt 14 tỉ USD, bằng 94,6% năm 2008, giảm 0,5 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 11,2 tỉ USD, giảm 3,4% (0,4 tỉ USD) so với 2008. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm của kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2009 vẫn thấp hơn tỷ lệ giảm của các thị trường khác: Thị trường EU đạt 9,3 tỉ USD, giảm 14,4%; ASEAN: 8,5 tỉ USD, giảm 16,4%; Nhật Bản: 6,2 tỉ USD, giảm 27,7%; Trung Quốc: 4,8 tỉ USD, tăng 4,9%; Hàn Quốc: 2,5 tỉ USD, tăng 15%; Ô-xtrây-li-a: 2,2 tỉ USD, giảm 48% (chủ yếu do giá dầu thô giảm). Đáng chú ý là thị trường châu Phi tuy kim ngạch đạt 1,1 tỉ USD nhưng đã phát triển nhanh, gấp 8 lần năm 2008. Trong năm 2009, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, giày dép, may mặc, đồ gỗ, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, chè, cà-phê, hạt tiêu...

Kim ngạch xuất khẩu hầu hết mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2009 đều giảm: Hàng dệt may chỉ đạt 4,9 tỉ USD, giảm 3% so với năm 2008. Tốc độ giảm của Hoa Kỳ vẫn thấp hơn tốc độ giảm mặt hàng này của khu vực: EU đạt 1,7 tỉ USD, giảm 3,1% nhưng cao hơn Nhật Bản 930 triệu USD, tăng 12%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ 710 triệu USD, giảm 3,9%; sang EU đạt 1,1 tỉ USD, giảm 5,7 % so với năm 2008; Nhật Bản 760 triệu USD, giảm 8,4%. Sản phẩm giày, dép xuất khẩu sang Hoa Kỳ 1 tỉ USD, giảm 2%; sang EU đạt 1,9 tỉ USD, giảm 23,2%; Nhật Bản 120 triệu USD, giảm 10,5%.

Trái ngược xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm 2009 từ Hoa Kỳ đạt 2,8 tỉ USD, tăng 7,6%; từ EU đạt 5,5 tỉ USD, tăng 2,2% so 2008; từ Trung Quốc đạt 16,1 tỉ USD, tăng 2,7%; từ ASEAN 13,4 tỉ USD, giảm 31,3%; Nhật Bản 7,3 tỉ USD, giảm 11,3%; Hàn Quốc 6,7 tỉ USD, giảm 5,3%; Đài Loan 6,2 tỉ USD, giảm 25,9%; Ô-xtrây-li-a 1 tỉ USD, giảm 24%.

Hầu hết kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong năm 2009 chủ yếu là trang thiết bị, máy móc, vật tư chất lượng cao, chất dẻo, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép... phục vụ sản xuất; hàng tiêu dùng, bột mỳ, sữa bột... Dù kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ năm 2009 tăng 9,1%, nhưng năm 2009 Việt Nam vẫn xuất siêu sang EU là 8,4 tỉ USD.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu rất gay gắt nhưng quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn duy trì được mức hộ hợp lý là kết quả đáng ghi nhận. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những kết quả đạt được của năm 2009 về thương mại là mức cao thứ nhì trong 15 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao và sau 5 năm ký hiệp định thương mại song phương.

Năm 2009, Hoa Kỳ đã vươn lên thành thị trường lớn nhất của ngành xuất khẩu Việt Nam và chiếm hơn 20,8% tổng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam, so với 18,9% (11,86 tỉ USD) của năm 2008. Ông Đ. Ma-ran-tít, Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ về quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam, từng là cố vấn trưởng về Luật pháp cho Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, đánh giá thị trường Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và là cơ hội lớn cho Hoa Kỳ vì đây là một thị trường trẻ với hơn 85 triệu người. Kể từ khi ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Việt Nam, thương mại đã tăng từ 1 tỉ USD năm 2001 lên đến 14,5 tỉ USD vào năm 2008 và 14 tỉ USD năm 2009. Đây còn là một thị trường với tiềm năng còn có thể tiếp tục tăng trưởng nữa. Sau khi chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã cố gắng để thực hiện các cam kết quốc tế như hiệp định song phương với Hoa Kỳ và WTO. Ông Đ.Ma-ran-tít cho rằng, nhìn chung Việt Nam đã khá thành công trong việc thực hiện nhiều cam kết, đó là những biểu hiện rất quan trọng cho một số lĩnh vực còn cần phải tiếp tục thực hiện.

Về quan hệ đầu tư: Theo Cục Đầu tư ngước ngoài, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2009 Hoa kỳ có 43 dự án đầu tư đăng ký mới vào Việt Nam với 5.948,2 triệu USD, bằng 36,4% tổng số vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam năm 2009 và tăng 291% so năm 2008. Số vốn đăng ký mới của Hoa Kỳ trong năm 2009 nhiều hơn tổng số vốn đăng ký mới của Hoa Kỳ từ năm 1988 đến 2008 (trên 5 tỉ USD).

So với năm 2008, số vốn đầu tư đăng ký mới của Hoa Kỳ vào Việt Nam bằng 118% tổng số vốn FDI còn hiệu lực của Hoa Kỳ tại Việt Nam giai đoạn 1989 - 2008. Trong khi tổng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam giảm 70% so với năm 2008, hầu hết các đối tác khác như EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều giảm thì sự gia tăng đột biến của Hoa Kỳ là tín hiệu mới rất đáng ghi nhận. Các lĩnh vực đầu tư mới của Hoa Kỳ vào Việt Nam năm 2009 tập trung vào các ngành dịch vụ khách sạn nhà hàng, ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh các dự án đăng ký mới, năm 2009, Hoa Kỳ cũng là nước đứng đầu về số vốn đầu tư thêm với 3,4 tỉ USD, chiếm 75% tổng số vốn FDI tăng thêm của cả nước trong năm 2009.

Về hợp tác du lịch: Số lượt khách du lịch từ Hoa Kỳ đến Việt Nam năm 2009 đạt 404 nghìn lượt người, chiếm 10,7% tổng số khách nước ngoài đến Việt Nam cả năm 2009. So với năm 2008, số lượt khách đến từ Hoa Kỳ chỉ bằng 97% nhưng vẫn là nước có lượng khách đến Việt Nam nhiều thứ 2 sau Trung Quốc và đạt tỷ lệ cao nhất so với các nước và vùng lãnh thổ khác (chung các nước chỉ đạt 89,1%, Trung Quốc 82%, Hàn Quốc 80,6%, Nhật Bản 91,4%, Đài Loan 89,6%, Pháp 95,7%). Số lượng lượt khách du lịch Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng tăng so năm 2008. Đó là tín hiệu khởi sắc trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, số lượng khách đi du lịch giảm mạnh ở hầu hết các nước.

Những kết quả trên đây về hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch giữa Việt Nam với Hoa Kỳ năm 2009 đã được các quan chức chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận: Ngày 16-12, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Xcốt Ma-xi-ơ nói: "Trong những năm qua, quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam được mở rộng đáng kể. Hai nước đã làm việc cùng nhau trên nhiều lĩnh vực từ sức khỏe, môi trường, phát triển kinh tế, thương mại tới các vấn đề khu vực như an ninh" và "tổng thể, tôi có thể nói rằng mối quan hệ giữa hai nước rất tốt đẹp". Trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Hoa Kỳ, ông X.Ma-xi-ơ nói rằng mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam tương đối mới vì mới chỉ được bình thường hóa 15 năm trước, "nhưng mối quan hệ đó đã phát triển rất nhanh" và "đến nay đã trở thành mối quan hệ hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực".

Nguyên nhân của những kết quả trên có nhiều, song chủ yếu là:

Về phía Việt Nam, trong suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển khá toàn diện, tăng trưởng ổn định, nguồn lao động dồi dào, tài nguyên phong phú, chính trị, xã hội ổn định, đường lối đổi mới, hội nhập đúng đắn đã tạo sức hút đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, Hoa Kỳ nói riêng phù hợp với các lĩnh vực Hoa Kỳ có thế mạnh. Năm 2009, Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn đầu tư tại Hoa Kỳ. Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đã tham dự Diễn đàn Đầu tư Việt Nam trong khuôn khổ sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” tại thành phố Xan Phran-xít-cô (bang Ca-li-pho-ni-a), trong ngày 16-11 (giờ địa phương). Tại Diễn đàn, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp và một số địa phương của Việt Nam đã cung cấp thông tin cập nhật về sự phát triển của Việt Nam, đồng thời giới thiệu các cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ và cộng đồng Việt kiều mong muốn đầu tư tại Việt Nam. 20 Doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ tham dự cuộc gặp với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chiều 9-11 chủ yếu là các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, như: IBM, Microsoft, Intel, Apple, Dell, Oracle, Motorola và các tập đoàn Lockheed Martin, Harley Davidson, General Electric và Levi Strauss.

Nói đến hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam năm 2009, ông Đ.Ma-ran-tít nhận xét Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện tính minh bạch về thông tin, luật pháp và vấn đề khuyến khích đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện tính minh bạch bằng hệ thống luật pháp và chính sách bảo hộ đầu tư Hoa Kỳ chặt chẽ nhưng thông thoáng so với trước. Nhà ngoại giao của Mỹ cũng nhận định rằng những cải cách của Việt Nam trong thời gian qua "đã tạo một môi trường thuận lợi, thu hút nhiều công ty của chúng tôi" và theo ông, cần tiếp tục việc cải cách tại Việt Nam - trong cả những lĩnh vực quyền lực của luật pháp, năng lực nghiên cứu, chia sẻ thông tin, sử dụng In-tơ-nét, vì điều này rất quan trọng đối với các công ty.

Những hạn chế bất cập

Thứ nhất, tuy đạt được những kết quả khả quan nhưng quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2009 vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của cả 2 nước. Hoa Kỳ là nền kinh tế số 1 thế giới nhưng lại là nước chưa có quan hệ hợp tác phát triển thông qua viện trợ ODA cho Việt Nam trong năm 2009 cũng như các năm trước. Hoa Kỳ tài trợ chỉ có hơn 138 triệu USD trong 8,6 tỉ USD trong năm 2009. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ hơn 1,479 tỉ USD, Nhật Bản: 1,64 tỉ USD, Liên minh châu Âu (EU) hơn 1,082 tỉ USD, Pháp: 378,26 triệu USD và Hàn Quốc 270 triệu USD....

Thứ hai, rào cản về mặt kỹ thuật từ Hoa Kỳ đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều đã hạn chế quan hệ thương mại giữa hai nước. Trong những năm qua, nhất là sau khi gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam đã hết sức nỗ lực hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền và hai nước sẽ hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này. Gần đây, Hoa Kỳ đã tạo ra những rào cản về mặt kỹ thuật đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ, trong đó cá tra và cá basa của Việt Nam mới bị Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ xếp lại vào danh sách ca da trơn và phải chịu kiểm tra ngặt nghèo hơn. Liên quan đến Quy chế thuế quan phổ cập, phía Hoa Kỳ muốn có thể trao cho Việt Nam quy chế này, nhưng hiện tại thì chưa được. Lý do là vẫn còn những vấn đề mà phía Hoa Kỳ muốn Việt Nam có những cải thiện, nhất là về quyền của người lao động theo tiêu chuẩn quốc tế và bản quyền. Hàng rào kỹ thuật vẫn là một công cụ phòng vệ thương mại được Hoa Kỳ sử dụng khá phổ biến để hạn chế hàng nhập khẩu với mục đích tuyên bố là bảo vệ người tiêu dùng nhưng cũng nhằm bảo hộ các ngành sản xuất trong nước đang bị mất dần lợi thế so sánh so với hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, các hàng rào thương mại phi thuế quan khác vẫn còn được sử dụng. Ví dụ như trong năm 2009, hàng thực phẩm của Việt Nam đã nhiều lần bị đưa vào hệ thống cảnh báo nhanh đối với hàng thực phẩm và thức ăn gia súc của Hoa Kỳ... là phi lý, trái với các cam kết của các nước WTO.

Thứ ba, quan hệ du lịch còn rất hạn chế và thấp xa so với tiềm năng của hai nước. Hoa Kỳ có hàng triệu người Việt Nam định cư và quan hệ thương mại, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước trong những năm gần đây phát triển rất nhanh nhưng quan hệ du lịch lại tăng trưởng rất chậm. Nguyên nhân có nhiều trong đó có yếu tố chủ quan là thủ tục hành chính còn phiền hà nhưng chậm được khắc phục.

2 - Triển vọng năm 2010

Căn cứ vào thực trạng năm 2009 và xu hướng phục hồi kinh tế thế giới cũng như Hoa Kỳ năm 2010, dự báo triển vọng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có bước phát triển mới, toàn diện, cao hơn năm 2009 cả thương mại, đầu tư, du lịch, viện trợ phát triển. Năm 2010, hai bên sẽ kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như các cơ quan liên quan muốn hai nước tổ chức trọng thể sự kiện này.

Dự kiến, trong năm 2010 sẽ có các chuyến viếng thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước. Những cuộc viếng thăm đó sẽ là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên.

Ngoài ra, năm 2010, Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN. Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN và mong muốn Việt Nam giúp tăng cường mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với ASEAN, trên cơ sở đó cùng Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề tồn tại để thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước Đông - Nam Á.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ hy vọng hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam trong các vấn đề truyền thống và phi truyền thống, như chống khủng bố, giữ gìn an ninh khu vực, biến đổi khí hậu, đồng thời mong muốn Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các cơ chế của thế giới cũng như các cơ chế của khu vực, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngày 6-11-2009, tại Hà Nội, đại diện của 150 doanh nghiệp, cơ quan thuộc chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã tham dự Hội thảo "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Một giai đoạn phát triển năng động mới". Các báo cáo tham luận tại hội thảo đều đánh giá cao triển vọng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2010 với các điều kiện thuận lợi hơn 2009. Năm 2010 Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ kinh tế với các nước này sau khủng hoảng kinh tế. Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng nói ưu tiên hàng đầu của ông là thực hiện biện pháp từng bước một để xử lý tình hình kinh tế của Hoa Kỳ. Ông đang tập hợp đội ngũ cố vấn của mình để thảo luận các phương án, kế hoạch có thể được áp dụng, để tạo ra những thay đổi. Dự báo nhiều sự kiện sẽ xảy ra, tác động đến hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch giữa 2 nước trong năm 2010. Đánh giá về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có hai luồng ý kiến trái ngược. Một loại ý kiến cho rằng xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng và sụt giảm. Loại ý kiến khác thì cho rằng, giá cả hàng hóa Việt Nam thấp nên xuất khẩu sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng có những yếu tố có thể giúp giảm thiểu tác động đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ so với các nước khác. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu hàng thực phẩm nhiều và hàng hóa này không bị ảnh hưởng nhiều khi cầu giảm xuống như các hàng hóa khác. Việt Nam luôn tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới và gần đây đã xuất khẩu trái thanh long qua Hoa Kỳ. Nếu xuất khẩu các mặt hàng chất lượng cao và chọn đúng mặt hàng xuất khẩu sẽ giúp giảm bớt áp lực của khủng hoảng tài chính.

Dự báo năm 2010 quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có triển vọng tốt vì "hai nước có chung mối quan tâm, trước tiên là trong khu vực, xây dựng ASEAN thành công và hội nhập kinh tế, cùng nhau làm việc để phát triển thương mại và đầu tư, hợp tác trong các vấn đề an ninh, sức khỏe, giáo dục và môi trường". Hai nước có cơ hội lớn để tiếp tục cải thiện mối quan hệ song phương, để mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đó./.

Nguyễn Sinh Cúc

Theo TCCS điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất