Thứ Tư, 2/10/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 13/9/2008 17:45'(GMT+7)

Nguồn nhân lực ngành môi trường biển chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu


Việt Nam là một quốc gia nằm trên bờ Biển Đông, có đường bờ biển dài trên 3.260 km. Vùng biển Việt Nam có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú, mỗi dạng tài nguyên, hệ sinh thái của biển có tính đặc thù và giữ vai trò, vị trí nhất định trong phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Hiện tại, hàng năm, kinh tế biển Việt Nam đóng góp khoảng 12% GDP và 50% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Nhận thấy tầm quan trọng của vùng biển đối với việc bảo vệ môi trường sống và phát triển kinh tế xã hội, Hội nghị Trung ương 4 khoá X đã đề ra mục tiêu: Từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước”.

Để thực hiện được mục tiêu trên, nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề cao có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, nguồn nhân lực cho ngành Tài nguyên môi trường, khí tượng thuỷ văn biển ở nước ta còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Mỗi năm, nước ta chỉ có khoảng 300 sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này, nhưng chỉ khoảng 20-30% là làm việc đúng ngành nghề. Đặc biệt, Việt Nam đang thiếu cán bộ làm việc trong các lĩnh vực chuyên sâu như: Luật biển, quản lý biển, biển đảo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo: Thực trạng hiện nay là nhiều sinh viên học xong, ra trường hầu như chuyển sang làm ở lĩnh vực khác. Nguyên nhân chủ yếu do đây là ngành nghề khó khăn, vất vả nhưng chế độ đãi ngộ, lương bổng chỉ ngang bằng với những ngành nghề hành chính khác.

Ông Nguyễn Văn Cư cho rằng: Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực làm việc trong ngành môi trường và khí tượng thủy văn biển cần phải có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút sinh viên ra trường "trụ" và "sống" được với chính ngành nghề mình đã học.

Thượng tá Cồ Văn Ngãi (Quân chủng Hải quân Việt Nam) nêu ý kiến: Vấn đề nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang thiết bị ở trường đại học và các cơ quan khí tượng thủy văn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tìm tòi, khám phá và chấp nhận hiểm nguy của các cán bộ khi nghiên cứu về biển. Bởi nghiên cứu và khám phá về biển và đại dương là lĩnh vực rất mạo hiểm, đòi hỏi người cán bộ, nhân viên phải được bảo vệ an toàn.

Bên cạnh việc đổi mới, nâng cấp trang thiết bị, giáo viên ở các trường đại học cần tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, các trường đại học nên có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế để mở rộng các khóa huấn luyện cho giáo viên và sinh viên về kỹ năng khi xuống biển tìm tòi, khám phá động, thực vật của biển.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu còn đưa ra nhiều ý kiến như: Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Tài nguyên-Môi trường và các cơ quan khác cần có sự phối hợp trong việc đặt hàng với các trường đại học, cao đẳng khi đào tạo và tìm kiếm nguồn nhân lực; Các trường giảng dạy về môi trường và khí tượng thủy văn biển cần tăng cường thời gian thực hành cho sinh viên khi nghiên cứu về biển.../.

VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất