Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 12/11/2008 22:30'(GMT+7)

Nguy cơ bùng phát dịch sau ngập lụt?

Thu gom rác sau khi nước rút

Thu gom rác sau khi nước rút

Mầm mống dịch bệnh rình rập…

Chương Mỹ là một trong 5 huyện của Hà Nội bị ngập lụt nặng nhất. Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Chương Mỹ, thiệt hại về người và của do trận mưa gây ra là rất lớn, tổng thiệt hại ban đầu ước tính gần 200 tỷ đồng và đã có 7 người dân bị chết. Có tới hơn 8.000/22.000 hộ bị ngập chìm trong biển nước; 35.800 khẩu bị ảnh hưởng do lũ lụt gây ra.

Tổng diện tích vụ đông đã bị ngập mất trắng gần 98%, khoảng 85.000 con gà chết, bò chết 3 con, lợn chết gần 700 con… Ông Đinh Mạnh Tuân, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, hiện toàn bộ vùng Hữu Bùi (110km2) bị ngập sâu trong nước, trong đó nặng nhất là 5 xã: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Hữu Vân. Nhiều thôn bị ngập từ 0,70 - 2,5m, nhiều làng mạc bị chìm trong nước lũ. Một số tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã bị ngập nghiêm trọng, không đi được, khiến người dân bị cô lập.

Lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Huyện đang tổ chức cứu trợ cho người dân vùng ngập lũ, tuy nhiên, môi trường ở những nơi bị ngập lụt và những nơi nước đã rút hiện đang rất ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều mầm dịch. Trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã phát hiện 20 trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ…

Theo chân các y bác sĩ quân y, chúng tôi đến xã Hữu Văn. Mặc dù trời đã hết mưa và nắng gắt đã vài ngày, nhưng khi chúng tôi đến, nhiều làng mạc vẫn chìm trong nước; phương tiện đi lại chủ yếu vẫn bằng đò. Hiện vẫn còn tới gần 1.000 hộ dân bị ngập trong nước, chiếm 50% tổng số hộ của xã. Hầu hết phụ nữ, trẻ em và người già đã được sơ tán lên vùng đồi.

Ô nhiễm môi trường đang diễn ra nghiêm trọng, mấy ngày gần đây người dân tiếp tục vớt hàng chục con lợn, hàng nghìn con gia cầm như gà, vịt... chết nổi đầy đồng. UBND xã đã phải vận chuyển số gia súc, gia cầm này lên trên đồi cao, đào hố chôn và cho rắc vôi sống hoặc xử lý hóa chất. Hiện trong thôn, một số người đã bị mắc bệnh ngoài da, đau mắt đỏ…

Tăng cường khám chữa bệnh cho dân và phát hiện sớm dịch…

Từ ngày 9 đến 18/11, Sở Y tế Hà Nội mở đợt ra quân tăng cường lực lượng quân dân y trong khám chữa bệnh và vệ sinh môi trường phòng chống dịch tại vùng ngập lụt. Tại một số huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất như: Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất, Thường Tín, Hà Đông, người dân được tổ chức khám chữa bệnh, hướng dẫn xử lý nguồn nước, môi trường, tổ chức phun hoá chất phòng chống dịch bệnh, tăng cường giám sát phát hiện dịch bệnh, đặc biệt là những nơi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch đầu tiên.

Ngành Y tế đã chuẩn bị hơn 1 vạn cơ số thuốc chữa các bệnh: ngoài da, tiêu hoá, đau mắt đỏ, sốt dịch...; hơn 30 tấn Cloramin B và 100.000 liều vaccine tả cho công tác phòng dịch trên toàn thành phố, không để tình trạng Hà Nội thiếu thuốc. Trong đó, ưu tiên những vùng trọng điểm cần tăng cường hỗ trợ ngay, đặc biệt lưu ý những điểm “nóng” về dịch trước đây, giám sát chặt và bao vây ngay vùng xuất hiện dịch bệnh… (Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc sở Y tế)

Ông Đào Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo: Với sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là y tế, khẩn trương thu gom rác thải, thau rửa ngõ phố, sông ngòi, phun thuốc diệt khuẩn để phòng trừ, khống chế không để bùng phát thành dịch. Tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc cho nhân dân và tăng cường công tác kiểm tra VSATTP, hướng dẫn từng người dân ăn sạch, uống sạch và xử lý nước.

Khi biết thông tin sẽ có bác sỹ quân y tới khám chữa bệnh miễn phí cho dân, hàng chục người dân đã đến xếp hàng ở trạm Y tế xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ. Bà Nguyễn Thị Lự, thôn Quyết Tiến cho biết: “Hiện nay mắt bà bị đau, rát, rất khó chịu. Trận mưa vừa qua nhà bà bị ngập sâu hơn 1m, nên phải chuyển bò, lợn vào sống chung với người. Ngoài ra, nhiều gia súc chết còn trôi nổi quanh khu vực nhà bà. Hiện môi trường xung quanh thôn rất bẩn, mùi rác hôi thối bốc lên”.

Trung uý bác sĩ Phạm Đức Thiện, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện 105 cho biết: Trong buổi khám đầu tiên có một số người bị bệnh đau mắt đỏ, bệnh đường tiêu hoá. Nguyên nhân do nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường không đảm bảo.

Ngày 8/11, toàn thành phố Hà Nội đã đồng loạt ra quân triển khai thực hiện đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đợt ra quân đã huy động khoảng 1.000 sinh viên hai trường Cao đẳng Y tế, 100% cán bộ y tế xã, phường và hầu hết cán bộ TTYT dự phòng tới tận nhà người dân để phát thuốc, hướng dẫn sử dụng Cloramin B để khử khuẩn  nguồn nước./.

Thu Hằng (VOVNews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất