Béo phì và các hậu quả là yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng
Bệnh béo phì là một vấn rất quan trọng không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo BS Trương Hồng Sơn, "hầu hết các nước trên thế giới đều tuyên bố thành công giảm suy dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau, nhưng hiện chưa có nước nào tuyên bố thành công trong việc giảm tình trạng thừa cân, béo phì. Tại Mỹ, cứ ba người thì có hai người béo phì. Đặc biệt trong 20-30 năm qua, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng nhanh nhất ở nước có thu nhập trung bình chứ không chỉ ở những nước phát triển như trước kia"
Trong 10- 20 năm trở lại đây, tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam tăng gấp ba lần. Bên cạnh đó, nếu như trước kia, chủ yếu béo phì hay gặp ở nữ giới thì giờ tỷ lệ này cũng đang tăng ở nam giới và đặc biệt tăng nhanh ở lứa tuổi trẻ em.
Một nghiên cứu mới nhất ở trường tư thục cho thấy, tỷ lệ học sinh béo phì lên tới 30%. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ béo phì ở trẻ 6 - 11 tuổi ở nội thành TPHCM hiện đã là 12%, Hà Nội là 8- 9%. Học sinh trung học phổ thông thì tỉ lệ thừa cân béo phì thấp hơn so với học sinh tiểu học và THCS, nhưng tỉ lệ này ở thành thị cũng cao hơn vùng nông thôn, lần lượt là 13,5% và 6,2%.
Béo phì và các hậu quả ngày càng là yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng. Đây là một trong nhiều nguyên nhân gây ra sự bùng nổ bệnh mãn tính không lây như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, phổi và hen tắc nghẽn mãn tính... trong 10-20 năm nữa, nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ ngay từ hôm nay.
Đặc biệt, theo một số chuyên gia tâm lý, ảnh hưởng tâm lý của trẻ thừa cân, béo phì cũng rất lớn, gây nhiều hệ lụy. Qua phản ánh của nhiều bậc phụ huynh có con mắc thừa cân, béo phì cho thấy, khi đến trường trẻ hay bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Điều này kéo dài sẽ khiến trẻ thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn, nặng hơn có thể là trầm cảm.
Ăn uốngcân bằng và hoạt động thể lực là giải pháp
Về nguyên nhân của tình trạng nêu trên theo Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nguyên nhân chính là do các bậc phụ huynh đang tạo thói quen xấu bằng cách cho trẻ sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn, lạm dụng đồ uống có ga, ăn nhiều đồ ngọt. Sự kết hợp chế độ ăn uống thiếu lành mạnh nhiều đạm động vật, chất béo, muối và lối sống ít vận động đã khiến tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam.
“Việc lạm dụng đồ ngọt sẽ gây ra cản trở hấp thụ canxi cho trẻ em. Bên cạnh đó, thói quen chỉ cho trẻ ăn một loại đồ ăn, lặp lại nhiều lần, nhiều bữa liên tiếp cũng khiến trẻ dễ béo phì do trẻ có mong muốn ăn loại thực phẩm đó với số lượng lớn”, chuyên gia này phân tích.
Việc ăn tập trung vào một số loại thức ăn chủ yếu mà không đa dạng thực phẩm cũng dễ dẫn đến tình trạng béo phì. TS.Trương Hồng Sơn lý giải: nếu chúng ta ăn đa dạng, mỗi loại thức ăn sẽ cung cấp các vi chất, dinh dưỡng riêng. Bên cạnh đó, nếu ăn đa dạng, con người sẽ ăn mỗi thức ăn một chút. Nhưng nếu chỉ ăn một loại thức ăn, sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn để cung cấp năng lượng". Trong một thực phẩm, thông thường có 20 loại vi chất. Có những loại vi chất có ở thực phẩm này nhưng lại thiếu ở thực phẩm khác. Khi sử dụng thực phẩm không đa dạng sẽ dẫn tới tình trạng thiếu một số vi chất mà những vi chất đó đôi khi lại có ích cho quá trình đốt cháy năng lượng, chuyển hóa. Thiếu vi chất làm chậm lại quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng, làm trẻ dễ béo phì.
Ngoài ra, nhiều trường hợp béo phì có tiền sử gia đình. Trẻ em có cha mẹ béo phì có thể mắc béo phì bất cứ tuổi nào: Tới 17 tuổi, tỉ lệ này gấp 3 lần trong gia đình cha mẹ không béo.Trong số trẻ béo phì có khoảng 80% trẻ có một cha hay mẹ béo phì, 30% có cả cha và mẹ béo phì.
Ít hoạt động thể lực là nguồn gốc gây béo phì chính do béo phì làm cho trẻ có lối sống tĩnh tại. Các nghiên cứu cũng chỉ ra trẻ ngủ ít dưới 8 giờ/ngày đêm sẽ có nguy cơ béo phì khi trên15 tuổi. Ngủ ít nhưng đi nằm sớm, xem Tivi nhiều giờ, giảm hoạt động thể lực... Giấc ngủ của trẻ béo phì có thể bị rối loạn do sự biến động của các yếu tố hormon như serotonine.
Tích mỡ sớm cũng là yếu tố nguy cơ của béo phì trẻ em. Chỉ số BMI tăng nhanh trong năm đầu, sau đó giảm dần đến mức thấp nhất từ 4 - 8 tuổi (trung bình 6 tuổi) và sau đó tăng dần cho đến tuổi trưởng thành. Sự tăng trở lại của BMI trong giai đoạn trẻ nhỏ được gọi là tích mỡ sớm.Tích mỡ sớm trước 5,5 tuổi là yếu tố nguy cơ của béo phì trẻ em. Do đó, các giá trị của BMI trước và trong giai đoạn tích mỡ phải được xác định để đánh giá chính xác tiến triển của nguy cơ.
Lời khuyên của TS. Hồng Sơn là các gia đình nên trẻ ăn phong phú các loại thức ăn để trẻ đủ dinh dưỡng và các vi chất cần thiết. Bởi nếu kéo dài việc ăn một, vài loại thức ăn cố định sẽ khiến trẻ thiếu vi chất. Cần khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, muối, hình thành các thói quen ăn uống tốt và tăng cường tập luyện thể dục thể thao ngay từ tiểu học.
V.Long