Thứ Năm, 5/12/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 25/10/2019 9:45'(GMT+7)

Sa sút trí tuệ - Bệnh điển hình mắc phải của người cao tuổi

Khám bệnh cho bệnh nhân tại Viện Lão khoa Trung ương.

Khám bệnh cho bệnh nhân tại Viện Lão khoa Trung ương.

Sa sút trí tuệ - căn bệnh cần đưa vào y tế dự phòng

Theo giáo sư Phạm Thắng, chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, 4,6% người cao tuổi tại cộng đồng bị sa sút trí tuệ. Tỷ lệ mắc bệnh nhanh theo độ tuổi, cứ sau mỗi năm tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này còn nhiều hạn chế, đa phần coi đây là biểu hiện không thể tránh khỏi của tuổi già. Người bệnh không được điều trị và theo dõi đúng đắn, thậm chí bị kỳ thị khiến tình trạng càng trầm trọng.

Sa sút trí tuệ ở người già là hội chứng suy giảm trí nhớ và các lĩnh vực nhận thức khác gây nhiều rối loạn về hành vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày và chất lượng sống của bệnh nhân. Biểu hiện sa sút trí tuệ thường xuất hiện ở người cao tuổi nhưng không phải quá trình lão hóa bình thường mà là một bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm. 

Hiện nay, trên thế giới hiện có khoảng 50 triệu người bị sa sút trí tuệ, trung bình sau 3 giây lại có một người mắc căn bệnh này. Mỗi năm thế giới thiệt hại về kinh tế do sa sút trí tuệ đến 1.000 tỷ USD. Dự báo đến năm 2050 trên thế giới có 152 triệu người bệnh.

Việt Nam gia nhập các quốc gia già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Hiện tại Việt Nam cứ 10 người thì có một người từ 60 tuổi trở lên. Dự đoán đến năm 2050 cứ 5 người  có một người từ 60 tuổi trở lên. Trong nhiều thế kỷ, sa sút trí tuệ là căn bệnh không được đề cập đến, song hiện nay, sa sút trí tuệ đã trở thành vấn đề cốt lõi về sức khỏe và chăm sóc người cao tuổi. “Căn bệnh này nên được đưa vào các chương trình y tế dự phòng, bên cạnh tim mạch, đái tháo đường và hút thuốc lá” – GS. Phạm Thắng nêu.

Biểu hiện

Theo các bác sĩ, biểu hiện đầu tiên của bệnh sa sút trí tuệ là suy giảm trí nhớ, mà giai đoạn đầu chủ yếu là giảm trí nhớ ngắn hạn; tiếp đến, người bệnh có biểu hiện khó khăn về lời nói (nói lặp từ, khó tìm từ khi nói, thêm từ lạ, không gọi được tên đồ vật, nói, viết sai); rối loạn nhận biết (không nhận ra người quen cũ, người thân, nhận nhầm, không nhận ra đồ vật quen thuộc); rối loạn hành vi (vụng về trong thao tác nghề nghiệp, khó khăn trong việc tự ăn uống, vệ sinh cá nhân, rối loạn trong trang phục, không sử dụng được công cụ, trang thiết bị trong gia đình); suy giảm khả năng điều hành (giảm khả năng tính toán, sáng tạo, lập kế hoạch, ra quyết định). Người bệnh còn có biểu hiện biến đổi nhân cách xuất hiện sớm: thụ động (thờ ơ, cách ly xã hội), mất kiềm chế (nói năng linh tinh, tự cho mình là trung tâm, kích động rất thường gặp và thường nặng lên khi bệnh tiến triển, kích động về lời nói, hành động, các hành vi không phù hợp như đi lang thang…).

Triệu chứng thay đổi tùy vào từng giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh có thể suy giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tính tình, dễ nóng giận và kích động. Giai đoạn trung bình, người bệnh khó khăn trong tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân; mất khả năng tiếp thu thông tin mới, rối loạn định hướng về không gian và thời gian. Bệnh nhân có thể gặp hoang tưởng bị ám hại, vô cớ tấn công người khác.

Ở giai đoạn nặng, người bệnh mất toàn bộ khả năng sinh hoạt, hoàn toàn lệ thuộc vào người chăm sóc. Người bệnh không nhận biết được người thân trong gia đình, mất khả năng đi lại. Các biến chứng của giai đoạn cuối là suy kiệt, thiếu dinh dưỡng, viêm phổi hít và loét do tỳ đè.

Sa sút trí tuệ có thể khởi phát khi còn trẻ, song chủ yếu là ở tuổi già. Nếu như ở lứa tuổi 60 chỉ có khoảng 5% số người bị sa sút trí tuệ, thì đến mức 80 tuổi có tới một phần ba số người già mắc hội chứng này.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây sa sút trí tuệ như bệnh Alzheimer, rối loạn thần kinh và chấn thương như chấn thương sọ não, đột quỵ não, viêm não, xuất huyết não, do bệnh nhồi máu cơ tim, rối loạn nội tiết như bị đái tháo đường, suy giáp, do bệnh Parkinson, lạm dụng nhóm thuốc an thần, bổ não, thuốc chống trầm cảm, chất kích thích... trong thời gian dài. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu của sa sút trí tuệ là do thoái hóa thần kinh (bệnh Alzheimer), chiếm 60-80% bệnh nhân bị sa sút trí tuệ.

Phòng và chữa bệnh sa sút trí tuệ

Tình trạng sa sút trí tuệ có thể được cải thiện nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách. 

Bên cạnh sử dụng thuốc để điều trị rối loạn hành vi tâm thần, người bệnh cần chăm sóc đúng cách, tập luyện chức năng nhận thức để khôi phục và nâng cao chất lượng sống. Ngoài ra, bệnh nhân cũng phải chú ý điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, Parkinson... để phòng ngừa và làm chậm quá trình sa sút trí tuệ.

Để phòng ngừa bệnh người cao tuổi cần: thường xuyên hoạt động trí não như đọc sách báo, tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng; thường xuyên luyện tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng; giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ; tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy; khi sử dụng các thuốc bổ não, dưỡng não cần có sự chỉ định và tư vấn của các chuyên gia y tế; thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và cần được thăm khám sớm khi có các triệu chứng

Hiện nay, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã thành lập Đơn vị nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, khoa bệnh Alzheimer, triển khai các chương trình quản lý, hỗ trợ bệnh nhân sa sút trí tuệ.

Phương Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất