Chủ Nhật, 8/12/2024
Y tế - Dân số
Thứ Ba, 29/10/2019 14:29'(GMT+7)

Gần 2.000 cán bộ y tế bị ung thư, mắc các bệnh hiểm nghèo

Môi trường bệnh viện với nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Môi trường bệnh viện với nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong môi trường làm việc của nhân viên y tế, đáng lo ngại là các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, chậm phân chia tế bào, nguyên nhân của các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp.

Đó cũng là lý do mà trong thời gian qua, Công đoàn Y tế Việt Nam thống kê sơ bộ ở một số tỉnh và đơn vị trực thuộc bộ đã có gần 2.000 cán bộ y tế bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo.

Phó giáo sư Phạm Thanh Bình-Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo Bảo vệ Blouse trắng năm 2019 với chủ đề an toàn vệ sinh lao động-phòng chống bạo hành nhân viên y tế tại cơ sở y tế diễn ra ngày 29/10 tại Hà Nội.

Phó giáo sư Bình nhấn mạnh môi trường làm việc của cán bộ y tế thuộc diện áp lực nhất vì quá tải, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị… Bên cạnh đó, họ còn đối mặt với nhiều rủi ro của những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm. Nguy hiểm hơn là những tác hại không lây nhiễm như hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý stress, nguy cơ bị bạo hành cao.

“Tình trạng bạo hành với cán bộ y tế trong khi làm nhiệm vụ đang có xu hướng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng về mức độ. Đó là chưa kể những vụ bạo hành về tinh thần mà hậu quả để lại tuy vô hình song lại có tác động không nhỏ, gây tâm lý bất an, thậm chí hoang mang, đối với cán bộ, nhân viên y tế,” Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phân tích.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2010 đến hết năm 2016, cả nước ghi nhận ít nhất 22 vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ, nhân viên y tế. Năm 2017, có tổng cộng 13 vụ.

Đã có hai trường hợp nhân viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân là bác sỹ Trần Văn Giàu-Bệnh viện đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) xảy ra vào năm 2012. Mới đây nhất, một nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn (Quảng Nam) cũng đã tử vong trong khi ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà.

Trong số các vụ bạo hành y tế, 70% nạn nhân là bác sỹ, 15% là điều dưỡng. 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sỹ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

Ông Ngọ Duy Hiểu-đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho hay bản thân nhân viên ngành y tế cũng đang làm việc trong môi trường nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro cao. Đó là môi trường lao động luôn chứa đựng những yếu tố liên quan đến bệnh tật, bất an, tâm lý… Ngành y tế hiện nay do thiếu nhân lực và đặc biệt là thiếu nhân lực cục bộ nên nhiều người phải làm việc với điều kiện yêu cầu hết sức căng thẳng, nhiều bác sĩ phải tiến hành mổ hàng chục giờ.

“Nếu có máy đo đếm về tâm lý môi trường của con người thì có lẽ môi trường tâm lý ở bệnh viện là đặc biệt nhất. Tâm trạng, nhịp tim đập mạnh nhất có lẽ ở bệnh viện. Đây là môi trường thách thức và nhiều rủi ro cho nhân viên y tế,” ông Hiểu nhấn mạnh.

Chính vì vậy, mục tiêu của Chương trình bảo vệ Blouse trắng đề xuất xây dựng chính sách nhằm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên công đoàn ngành y tế cả nước, đảm bảo có môi trường lao động an toàn cho cán bộ y tế.

Phó giáo sư Phạm Thanh Bình cho biết về chế độ đối với bệnh nghề nghiệp, hiện nay danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực y tế vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung sau 23 năm ban hành nên nhiều cán bộ y tế chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng từ các danh mục này.

Các báo cáo của hội thảo đều kiến nghị, đề xuất chính sách đảm bảo có môi trường lao động an toàn hơn cho cán bộ y tế./.

Theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất