Ngày 13/2/2022, một nam sinh viên 19 tuổi chọn chấm dứt
cuộc sống của mình bằng cách gieo mình xuống sông; ngày 21/2/2022, một
học sinh THPT nhảy lầu vì muốn chấm dứt cuộc sống... Những câu chuyện
thương tâm như vậy đã và vẫn đang diễn ra. Hiện tượng người trẻ lựa chọn
tự tử thay vì tìm cách giải quyết các vấn đề mình mắc phải đã không còn
là hiện tượng hiếm, và thật sự trở thành mối lo ngại của toàn xã hội.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống khủng khoảng tâm lý (PCP)
năm 2010, ở Việt Nam thanh thiếu niên thuộc độ tuổi từ 15 - 24 là nhóm
lứa tuổi có ý định tự sát cao nhất. Tỷ lệ nữ giới có ý định tự sát
cao gấp hai lần so với nam. Điều tra quốc gia năm 2010 về trẻ vị thành
niên và thanh niên Việt Nam thực hiện trên 10.000 người trong nhóm tuổi
này cho thấy: 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử, 25% trong số đó đã
tìm cách kết thúc cuộc sống.
Một nghiên cứu năm 2016 tiến hành trên học sinh trung học phổ thông
cho kết quả: tỷ lệ trẻ vị thành niên đã từng nghĩ đến tự tử là 14,1%; tỷ
lệ đã từng lên kế hoạch tự tử là 5,7% trong vòng 1 năm (Lê Thị Hồng
Minh và cộng sự, 2016). Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO),
trong năm 2016, Việt Nam là một trong 13 quốc gia có tỷ lệ thanh
thiếu niên tự tử cao nhất (1,8/100000). Theo báo cáo thường niên tình
hình trẻ em thế giới 2021 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trên
toàn cầu, cứ 7 em từ 10 đến 19 tuổi thì có nhiều hơn một em bị chẩn
đoán mắc rối loạn tâm thần.
Mỗi năm có gần 45.800 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, khiến đây
trở thành một trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này.
Các số liệu trên đã gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ tự tử ở
trẻ vị thành niên hiện nay.
Nguyên nhân của vấn đề đang được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau.
Khi xem xét hiện tượng tự tử, các nhà tâm lý học thường nhấn mạnh đến
yếu tố nhân cách của cá nhân. Họ cho rằng người tự sát thường có quan
điểm cho rằng niềm tin, suy nghĩ lệch lạc về thế giới chính là điều đã
tạo nên những xúc cảm tiêu cực dẫn đến hành vi tiêu cực. Một số bạn trẻ
lại có xu hướng trầm trọng hóa vấn đề hoặc luôn tự ám thị mình sẽ không
có khả năng chịu đựng được thất bại.
Thời điểm cảm xúc tiêu cực quá trầm trọng hoặc bị đẩy đến cao trào sẽ
dễ nảy sinh những hành vi dại dột ở một số người. Nguy cơ tự sát cũng
có thể xảy ra khi các em không tìm được ý nghĩa của cuộc sống, cảm thấy
bản thân vô giá trị. Rồi từ đó, khi đối mặt với các khó khăn mà bản thân
không thể giải quyết được nên đã dùng cái chết để chạy trốn hoặc để
trừng phạt mình.
Các chuyên gia y tế phân tích dưới góc độ bệnh lý học thì cho rằng
nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tự tử là do bệnh trầm cảm. Những trẻ
trầm cảm thường có khí chất khó khăn, khó thích nghi, trầm buồn, có tính
lệ thuộc cao và có khuynh hướng dễ bị suy sụp sau một sự kiện bất lợi
như bị từ chối, hắt hủi, hay thất bại… Trong khi đó, các nhà giáo dục
cho rằng nguyên nhân gây ra tự tử của những người trẻ tuổi chính là do
sự thiếu hụt các kỹ năng xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề. Sự bế tắc
và cô đơn cùng cực trong giai đoạn khủng hoảng của lứa tuổi này cũng là
một nguyên nhân khiến nạn tự tử tăng cao.
Để có thể đưa ra giải pháp hiệu quả cho vấn đề này, rất cần hiểu rõ
về sự hình thành nhân cách và phát triển của trẻ vị thành niên, cũng như
tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đó. Khoa học đã chứng minh,
cơ chế phát triển về nhận thức, tâm lý và tính cách của trẻ hình thành
theo cơ chế tập nhiễm, bắt chước, học tập.
Sau khi sinh ra, đứa trẻ bị ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường chung
quanh, tự hấp thụ những thói quen tốt và xấu trong môi trường mà không
cần ai dạy. Vì vậy, tạo môi trường lành mạnh để con phát triển chính là
bước đầu tiên để trẻ học tập và trưởng thành.
Khi trẻ đến trường, chúng bắt đầu tham gia vào quá trình học tập để
hình thành tri thức, thái độ, kỹ năng mới. Trong quá trình phát triển,
trẻ tham gia vào quá trình hoạt động và trải nghiệm cuộc sống. Lúc này,
yếu tố cá nhân tác động lớn đến quá trình trải nghiệm của đứa trẻ và ảnh
hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm lý và nhân cách, cũng như những khả
năng của trẻ.
Giai đoạn từ 1 đến 6 tuổi, trẻ hình thành những kỹ năng để phát triển
nhân cách, phát triển tính độc lập, tự chủ, lòng tự trọng và thái độ tự
tin trước cuộc sống. Trẻ thường ưa khám phá chung quanh, ưa tìm hiểu và
bắt chước.
Erik Ericikson, nhà tâm lý học người Đức cho rằng, tuổi từ 3 đến 6 là
tuổi chủ động đối lập với cảm giác tội lỗi. Nếu được chăm sóc, giáo dục
đúng cách thì khi lớn lên trẻ sẽ là con người tích cực chủ động kiên
trì và nỗ lực trong mọi hoàn cảnh. Những trẻ bị thiếu sức đề kháng với
nghịch cảnh và sẵn sàng từ bỏ cuộc sống của mình thường là vì gặp vấn đề
trong giai đoạn từ 1 đến 6 tuổi.
Trong giai đoạn này, nếu cha mẹ cấm đoán, ngăn cản, trừng phạt sẽ
khiến trẻ bị mất lòng tin vào bản thân, sợ sệt, nhút nhát, chấp nhận
thất bại. Và cảm giác thất bại sẽ theo trẻ suốt cuộc đời còn lại. Nhưng
nếu cha mẹ chiều chuộng o bế, trẻ sẽ mất khả năng tự lập hoặc tự tin
thái quá, cho mình là trung tâm của vũ trụ, trở nên ích kỷ. Giai đoạn
này có sự tương quan chặt chẽ giữa cảm xúc của cha mẹ và biểu hiện cảm
xúc của con.
Nếu cha mẹ là người vui vẻ ứng xử cảm xúc hợp lý, thì con thường tự
tin, vui vẻ. Nếu cha mẹ là người dễ bị kích động, căng thẳng, hay dọa
dẫm đánh mắng con thì cũng sẽ khiến trẻ hay rơi vào trạng thái căng
thẳng, sợ hãi hơn. Như vậy có thể khẳng định, sự gắn bó với cha mẹ có
vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ trong các
năm đầu đời.
Đến tuổi thiếu niên, trẻ đối mặt với hàng loạt khó khăn như: cảm xúc
thất thường, chưa ổn định về nhận thức và các chuẩn mực đạo đức, chưa ổn
định về tự đánh giá, mâu thuẫn trong tính cách và xu hướng... tính
cách của trẻ thể hiện không nhất quán, lúc tự tin, lúc rụt rè nhút nhát,
lúc vô tình, lúc đa sầu đa cảm... một số cá nhân chống đối lại chuẩn
mực xã hội, một số lại tôn thờ thần tượng một cách mù quáng. Giai đoạn
này trẻ rất dễ tổn thương và bị lạm dụng.
Trong một số trường hợp trẻ có hành vi tự tử. Theo một nghiên cứu của
A.E.Lichko, nhà tâm thần học ở Liên Xô (cũ), thì hành vi tự tử ít khi
là một lựa chọn có ý thức, thường thì đó là bước tuyệt vọng của một
người không còn khả năng nào để giải quyết những vấn đề của mình và chỉ
khoảng 10% trường hợp tự tử của thiếu niên là thật sự không muốn sống,
90% còn lại là những lời kêu cứu.
Từ các nghiên cứu trên đây thấy nổi lên vai trò của gia đình, cha mẹ
với sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Cha mẹ hoàn toàn có
thể phòng ngừa nguy cơ tự tử cho con mình bằng cách xây dựng bầu không
khí gia đình vui vẻ, hòa thuận, chia sẻ lẫn nhau, lựa chọn phương pháp
giáo dục phù hợp, tôn trọng con cái, phát triển tính tự trọng am hiểu
của con. Ở lứa tuổi thiếu niên, trẻ rất cần sự chỉ bảo, hỗ trợ động
viên, tình yêu thương của cha mẹ. Chính vì vậy, người lớn cần có sự quan
tâm, ứng xử phù hợp với các em. Trong mỗi gia đình, cha mẹ chính là tấm
gương gần gũi nhất, đẹp nhất để con cái soi vào học tập. Cha mẹ yêu
thương bao dung, con cái sẽ bao dung nhân ái, cha mẹ nỗ lực cố gắng, con
cái sẽ chăm chỉ học tập. Gia đình chính là môi trường để con cái thấm
những điều cha mẹ dạy bảo.
Khi con lớn lên, đến giai đoạn trưởng thành, cha mẹ chính là người
thầy dạy cho con hiểu về lẽ sống. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu
về vật chất và hưởng thụ ngày càng cao, nhiều người dường như bị cuốn
vào vòng xoáy: làm sao để có tiền, có nhà, có xe, có cuộc sống xa hoa?
Nhưng khi cuộc sống chỉ là ăn, là mặc, là xe, là nhà cao cửa rộng... thì
nếu không đạt được điều đó nhiều người cảm thấy thua thiệt bất lực và
chán nản; kể cả khi đạt được rồi, thì nhu cầu mới lại xuất hiện, mãi mãi
vẫn là không đủ. Lòng tham càng lớn, bất lực càng nhiều, bi kịch cũng
vì thế nhân lên. Chỉ khi ý thức được rằng mình không đến cuộc sống này
để hưởng thụ mà còn để học tập, khám phá, thể hiện năng lực của bản
thân... thì mỗi cá nhân sẽ tự tìm ra động lực lành mạnh, tích cực để
phấn đấu.
Xã hội càng phát triển, nhu cầu về đời sống, văn hóa, giáo dục ngày
càng tăng, thời gian vật lý hằng ngày của mỗi cá nhân cũng bị thu hẹp.
Trong khi đó, vì yêu cầu của đời sống, nhiều cha mẹ ngày càng bận rộn
với các công việc và nhu cầu cá nhân nên gần như phó mặc con cho nhà
trường cũng như các dịch vụ giáo dục đang rất phát triển hiện nay.
Có thể dễ dàng nhận thấy sự thoái lui của nhiều gia đình, nhiều bậc
cha mẹ trong vai trò giáo dục con cái trên cả phương diện tư duy và hành
động cụ thể. Tuy nhiên sự thiếu vắng vai trò của cha mẹ đối với sự
trưởng thành của con cái là một vấn đề lớn của giáo dục trong thời đại
hiện nay. Bởi, dù xã hội và thầy cô có làm tốt vai trò của mình đến bao
nhiêu cũng không thể thay thế vai trò của những người thầy trực tiếp,
đầu tiên, đó là những người cha, người mẹ, là gia đình trong việc lắng
nghe, thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành, giúp trẻ tự tin, vững bước vào
đời. Vì vậy, ngay khi trẻ còn trong vòng tay cha mẹ, các phụ huynh hãy
xây dựng và dành cho con một thế giới của yêu thương đồng thời luôn là
những tấm gương để con học tập, noi theo./.