Số liệu thống kê ban đầu của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn) cho thấy, diện tích nuôi thủy sản thiệt hại là 3.771ha,
chưa kể diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại. Đặc biệt, Cà Mau có trên
70% diện tích nuôi thuỷ sản bị thiệt hại (2.700 ha), kế đến là Trà Vinh,
Bến Tre có diện tích bị thiệt hại từ 30-70%.
Tính đến thời điểm này đã có 8/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
công bố tình trạng thiên tai do ảnh hưởng hạn hán và nhập nhập mặn, gồm
Kiên Giang, Long An, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng
và Trà Vinh.
Do tác động của xâm nhập mặn khiến diện tích vùng nuôi thủy sản bị thu
hẹp đáng kể. Hầu như toàn bộ vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ đều bị tác
động bởi xâm nhập mặn, riêng những vùng nuôi thủy sản ở hạ lưu sông Hậu
thuộc tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang chịu ảnh hưởng
nhiều nhất, nguy cơ phá vỡ các quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản
là điều khó có thể tránh khỏi.
Dự báo diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng
trong thời gian tới do tình hình xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp.
Có những vùng nước ngọt bị xâm mặn lên đến 5-8 phần nghìn. Hiện một số
tỉnh như Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu do nắng nóng,
mực nước đầm nuôi thấp, môi trường không ổn định, kết hợp với độ mặn
tăng cao làm cho tôm bị sốc và chết.
Do vậy, người dân nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn dè chừng, chưa
dám thả tôm giống theo lịch thời vụ, dẫn đến diện tích nuôi giảm mạnh,
chỉ đạt 50% so kế hoạch.
Theo Tổng cục Thủy Sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trước
tình hình xâm mặn diễn biến bất ngờ, nằm ngoài dự báo, việc đảm bảo sản
xuất ổn định, duy trì sản lượng và kim ngạch xuất khẩu theo mục tiêu
phát triển đề ra là vấn đề bức thiết.
Để phát triển nuôi trồng thủy sản thích ứng với xâm nhập mặn ở Đồng bằng
sông Cửu Long, bên cạnh các giải pháp ứng phó ngắn hạn cũng cần xem
xét, đánh giá lại quy hoạch nuôi tôm nước lợ và cá tra để có những bước
điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả quy hoạch đối với
các đối tượng nuôi này.
Theo ông Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam,
hệ thống thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ
thuật về cấp, thoát nước riêng biệt, đảm bảo phục vụ nuôi trồng thủy
sản. Phần lớn các hệ thống kênh đảm nhận chức năng cấp, thoát nước kết
hợp nên chất lượng nước nhiều nơi bị ô nhiễm. Một số khu vực hệ thống
công trình chưa đồng bộ, khép kín nên phát huy hiệu quả không cao.
Ông Thắng cho rằng, cần nghiên cứu ảnh hưởng biến đổi khí hậu một cách
bài bản, căn cơ cũng như nghiên cứu về giống thủy sản phù hợp thích ứng
với tình hình hạn, xâm mặn đang diễn ra hiện nay và trong tương lai. Các
địa phương cần chủ động triển khai đắp đập, nạo vét kênh mương, vận
hành hệ thống cống thủy lợi, chủ động điều tiết nước phục vụ nuôi trồng
thủy sản.
Giải pháp lâu dài cần rà soát quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi
trồng thủy sản, lâm nghiệp cấp nước sinh hoạt… thích ứng với biến đổi
khí hậu; nâng cao năng lực dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn đảm
bảo chủ động ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan; đẩy nhanh tiến
độ thực hiện các dự án phòng chống hạn, xâm nhập mặn, công trình thủy
lợi, hạ tầng cho phát triển nuôi trồng thủy sản của toàn vùng.
Ông Trần Minh Thống, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đề nghị các tỉnh
Đồng bằng sông Cửu Long mạnh dạn đề xuất với Chính phủ và Bộ, Ngành
Trung ương tranh thủ các nguồn vốn để ưu tiên đầu tư xây dựng các công
trình thủy lợi theo lộ trình. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động
triển khai nạo, vét các cửa sông, đắp đập, nâng cấp tuyến đê nhằm hạn
chế tình trạng xâm nhập mặn sâu vào những vùng chuyên canh lúa.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho rằng, để
bổ sung nước ngọt làm giảm độ mặn và hạn chế xâm nhập mặn ở Đồng bằng
sông Cửu Long phải tính đến việc điều tiết đưa nước từ sông Hậu về vùng
ngọt hóa. Muốn làm được điều này nhất thiết phải đầu tư xây dựng các
cống lớn như Cái Lớn, Cái Bé và kết hợp hệ thống cống trên tuyến đê biền
Tây và đê biển Đông.
Trong tính toán đầu tư cho thủy lợi, Trung ương cần đầu tư cho tỉnh dự
án, công trình quy mô cấp tiểu vùng, chú trọng đến việc xử lý vấn đề
nước thải, môi trường trong nuôi tôm công nghiệp.
Trước khó khăn, bất cập về công tác quan trắc, cảnh báo về môi trường,
ông Vũ Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
tỉnh Kiên Giang cho rằng, do chưa có quy chuẩn thống nhất trong cả nước
về quan trắc, cảnh báo môi trường, dẫn đến thông tin không kịp thời,
nguồn lực bị hạn chế, người dân chưa được khai thác kết quả thông tin
quan trắc, cảnh báo về môi trường.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đề xuất các Bộ, Ngành Trung ương sớm
ban hành cơ chế phù hợp, phân cấp rõ trách nhiệm đối với địa phương để
nâng cao hơn hiệu quả quan trắc, cảnh báo môi trường phục vụ nuôi thủy
sản trong toàn vùng.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho
rằng, giải pháp cấp bách trước mắt đó là thường xuyên quan trắc về xâm
nhập mặn, cũng như quan trắc các yếu tố có liên quan đến môi trường,
nuôi trồng thủy sản và cung cấp thông tin đến tận người dân; đồng thời
đề xuất với Bộ bổ sung vốn năm 2016 tạo điều kiện hỗ trợ các địa phương
bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn.
Theo các chuyên gia, để nuôi trồng thủy sản hiệu quả, các tỉnh Đồng bằng
sông Cửu Long cần tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, liên kết
kiểm tra việc vận chuyển nhập giống thủy sản, chế phẩm sinh học, thức ăn
nuôi tôm tràn làn trên thị trường; phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư
nghiên cứu phát triển nguồn tôm giống đảm bảo yêu cầu về chất lượng.
Các địa phương cũng cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đa dạng mô
hình nuôi tôm sinh thái theo hình thức tôm-rừng, tôm- lúa, nuôi quảng
canh cải tiến nâng suất cao… để giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị
con tôm, tăng thu nhập cho người dân./.
TTX