(TG)- Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (5/6/1889 - 5/6/2019), sáng 1/6, tại nhà Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”.
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, cụ Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5/6/1889 tại Hà Nội, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cụ Nguyễn Văn Tố là người vừa uyên thâm Hán học, vừa tinh thông Tây học, có nhiều đóng góp trong công tác biên khảo và nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc sâu sắc. Là người thông tỏ Tây học, nhưng cụ Nguyễn Văn Tố luôn giữ cốt cách dân tộc. Trong ký ức của nhiều người, cụ Nguyễn Văn Tố quanh năm khăn xếp, áo the, hết lòng chăm lo cho sự nghiệp xoá nạn mù chữ và nâng cao dân trí.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính Phủ lâm thời - cụ Nguyễn Văn Tố đã nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy cách mạng, dồn tâm lực cùng Chính phủ diệt “giặc đói”, “giặc dốt”...
Trúng cử và trở thành đại biểu Quốc hội tại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6/1/1946), cụ Nguyễn Văn Tố được Quốc hội bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội, chức vụ tương đương với Chủ tịch Quốc hội ngày nay. Chỉ giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội trong 8 tháng, nhưng cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng tập thể Ban Thường trực Quốc hội có nhiều đóng góp với cách mạng Việt Nam nói chung và với Quốc hội Việt Nam nói riêng, đặt nền móng cho tổ chức và hoạt động của mô hình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau này...
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Nguyễn Văn Tố cùng các thành viên của Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 10/1947, thực dân Pháp tập kích Bắc Cạn, cụ Nguyễn Văn Tố không may sa vào tay giặc, bị chúng tra tấn dã man và sát hại khi sự nghiệp cách mạng của cụ còn đang dang dở. Cụ Nguyễn Văn Tố đã ngã xuống vì cách mạng, vì nước cộng hoà non trẻ, nhưng những cống hiến của cụ mãi là niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ, tri ân những cống hiến to lớn của nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa Nguyễn Văn Tố đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, bổ sung thêm tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Nguyễn Văn Tố.
Cụ Nguyễn Văn Tố là một học giả nổi tiếng về văn hóa Việt Nam, uyên thâm cả văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây; đã để lại nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học như lịch sử, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo, văn hóa dân gian... Cuộc đời của cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương cao đẹp của một nhà trí thức yêu nước nồng nàn, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự phát triển của đất nước. Trên cương vị là nhà lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ, cụ luôn nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, dồn tâm sức và trí tuệ để phục vụ đồng bào, góp phần xây dựng nền dân chủ mới, xã hội mới. Tận tụy với công việc, tận tâm với nhân dân, lấy lợi ích tối cao của dân tộc làm lẽ sống, cụ đã cùng Quốc hội và Chính phủ đoàn kết toàn dân, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế hiểm nghèo, chuẩn bị lực lượng cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công.
Với những cống hiến to lớn và nỗ lực không ngừng nghỉ cho đến lúc anh dũng hy sinh, cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực của một người trí thức tài năng tiêu biểu, với lòng yêu nước nhiệt thành, không hám hư danh, không màng danh lợi. Tấm gương và những cống hiến của cụ vẫn vẹn nguyên giá trị.
41 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ bốn vấn đề chủ yếu: 1) Phân tích, luận giải những nhân tố ảnh hưởng của quê hương Hà Nội - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, một vùng đất nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ khí thiêng sông núi đối với sự hình thành nhân cách của nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa Nguyễn Văn Tố. 2) Phân tích, luận giải về những mốc son trong cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố (sự nghiệp văn hóa nhân văn, cao đẹp; những cống hiến góp phần khơi dậy, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp mở mang dân trí, xóa nạn mù chữ). 3) Phân tích và làm sáng tỏ những đóng góp của cụ Nguyễn Văn Tố trên cương vị một chính khách, một nhà lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; trở thành một người bạn, người cộng sự thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 4) Cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương đạo đức trong sáng, cao đẹp, góp phần to lớn trong sự nghiệp mở mang văn hóa và kiến thiết nước nhà.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định Hội thảo khoa học cấp quốc gia là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của thế hệ cha anh cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư, lần thứ bảy, lần thứ tám (khóa XII) và Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị, sau hội thảo này, Ban tổ chức sưu tập thêm những bài viết, những ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội thảo để bổ sung, làm phong phú và sâu sắc hơn giá trị của cuốn kỷ yếu Hội thảo, bảo đảm chất lượng để giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.
Là Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên Ban Thường trực Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, dành nhiều thời gian chỉ đạo các tiểu ban của Quốc hội cho ý kiến về các dự án sắc lệnh của Chính phủ; xét 98 dự án Sắc lệnh, những Sắc lệnh đó đều có tính cách các đạo luật; thông qua nhiều nghị quyết về nội trị, ngoại giao; đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thành các nhiệm vụ cứu đói, bình dân học vụ, phòng chống thiên tai...
|
TM