Chiều 31/5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng Năm trong bối cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành phải quyết tâm, không lùi bước trước khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2019, trong đó có nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế đạt 6,8%, lạm phát dưới 4%.
Tại phiên họp này, ngoài việc thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2019, Chính phủ cũng đã đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết các luật; dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; thí điểm mở rộng quyền tự chủ của một số trường đại học; công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn, trả lời chất vấn của lãnh đạo và thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và một số vấn đề quan trọng khác.
KINH TẾ XÃ HỘI CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Theo báo cáo tại phiên họp, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục có chuyển biến tích cực (trừ ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn). Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp với chỉ số sản xuất tháng 5 tăng cao nhất 5 năm qua. Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng 4; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ và đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người (cùng kỳ năm trước là 6,7 triệu lượt), tăng 8,8%.
Đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục khởi sắc, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư đáng tin cậy. Vốn FDI thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng hơn 27%.
Xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7%; trong đó điểm đáng mừng là khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực FDI. Gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về vốn đăng ký; có gần 20.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng trên 48%.
CHÍNH PHỦ NGHIÊM TÚC LẮNG NGHE
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội trên nhiều khía cạnh về tình hình kinh tế-xã hội đất nước.
Thủ tướng cho rằng hầu hết các ý kiến đều đánh giá tốt kết quả quản lý, điều hành của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2018 và nửa đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến góp ý, đánh giá thẳng thắn về những vấn đề tồn tại. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nêu ra các mặt tồn tại, bất cập, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ “nghiêm túc lắng nghe, nghiêm túc sửa chữa, nghiêm túc làm việc để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân."
Về tình hình trong tháng qua, Thủ tướng đánh giá cao thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019 với sự tham gia của trên 3.000 đại biểu đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, thể hiện một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển. Cùng với đó là việc Chính phủ chuẩn bị tốt các nội dung cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề cần khắc phục như: Việc triển khai thủ tục, ban hành chậm một số văn bản. Bên cạnh đó, một số vấn đề chưa rõ trách nhiệm, đòi hỏi phải quán xuyến từ đầu đến cuối công việc có liên quan.
Đối với tình hình kinh tế-xã hội thời gian tới, Thủ tướng nhắc cần chú ý vấn đề bên ngoài khi nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng. Theo một số dự báo, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm. Trong quý 1/2019, thương mại toàn cầu chỉ tăng 0,75%. Chỉ số thương mại hàng hóa thế giới ở mức 96,3, thấp nhất kể từ năm 2010.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung diễn biến khó lường và OECD nhận định, nếu tiếp tục kéo dài, Mỹ áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì GDP của Mỹ có thể giảm 0,6%, của Trung Quốc giảm 0,8%, thương mại toàn cầu giảm 1% và GDP toàn cầu giảm 0,4%.
Vấn đề nữa là rủi ro tỷ giá, lãi suất, bất ổn thị trường tài chính, tiền tệ, trong đó nhiều đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh. Giá dầu thô và một số hàng hóa tiếp tục xu hướng biến động mạnh, lúc lên lúc xuống thất thường.
Thủ tướng cũng nêu rõ qua thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đặt vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Đề cập đến mô hình tam giác phát triển kinh tế-xã hội-môi trường, Thủ tướng yêu cầu chú trọng hơn nữa vấn đề văn hóa, nhất là đạo đức lối sống.
Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, Thủ tướng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế nhìn nhận Việt Nam là nước “sáng nhất” trong nhóm các nước đang phát triển, như Standard Chartered dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 7 nền kinh tế có tăng trưởng 7% tới năm 2030. Tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch nâng triển vọng kinh tế Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực"...
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh cần thảo luận về một số tồn tại, thách thức như phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, một vấn đề khá trầm trọng hiện nay, không thể chủ quan. Nếu dịch tả châu Phi ảnh hưởng đến 30% đàn lợn thì tăng trưởng trong nông nghiệp là bằng 0; nếu ảnh hưởng đến 50% thì nông nghiệp sẽ bị âm. Xuất khẩu một số lĩnh vực tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện.
Trước diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại, trong bối cảnh nước ta đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, Thủ tướng cho rằng Bộ Công Thương phải “nhạy cảm” hơn trước các vấn đề này.
Theo đó, Bộ cần bám sát, cập nhật tình hình và đánh giá tác động của chiến tranh thương mại, đưa ra các kịch bản và giải pháp hiệu quả cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Về những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, nêu ra tại Kỳ họp Quốc hội, nhất là tác động đa cấp của việc tăng giá điện, xăng dầu, Thủ tướng nhấn mạnh, cần đánh giá biểu giá, phương thức tính giá để đề xuất giải pháp phù hợp hơn, nhất là với người dân. Bộ Công Thương cần phân tích biểu giá phù hợp nhất là bậc 1 vẫn giữ ở mức 50 với quan điểm hỗ trợ người nghèo như trước đây, nay được cho là không còn phù hợp. Đặc biệt, trong bối cảnh tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm mạnh, cùng với đó là tiếp thu kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ để sau đó cùng các ngành đánh giá lại.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng sẵn sàng giải trình trước Quốc hội và nhân dân những vấn đề đại biểu nêu ra trong phần chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
Nhấn mạnh nhiệm vụ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan phải tìm động lực tăng trưởng mới. Theo đó, cần tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ và chất lượng đề ra. Công tác này phải tránh bệnh hình thức, không để lợi ích nhóm chi phối, tránh tiêu cực tham nhũng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tránh sự chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Yêu cầu khắc phục và phòng tránh hành vi gian lận thi cử, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xử lý nghiêm những sai phạm. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có kế hoạch, phương án đảm bảo để các kỳ thi sắp tới diễn ra thành công trên cả nước. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân về chất lượng của kỳ thi.
Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU và yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương cùng các Đại sứ Việt Nam tại các nước EU cụ thể hóa các kết quả chuyến thăm các nước EU vừa qua của Thủ tướng và lãnh đạo các nước; phối hợp với cơ quan chức năng các nước và EU để xử lý nhanh các vấn đề cần thiết, thúc đẩy ký kết, phê chuẩn hiệp định này sớm nhất./.
Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)