Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 18/10/2012 20:18'(GMT+7)

Nguyễn Xuân Khánh và sức hấp dẫn của phản biện

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

 Tọa đàm khoa học về một “hiện tượng” của lão nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vừa diễn ra tại Viện Văn học Việt Nam có những nét mới khi tham luận của giới chuyên môn được tập hợp khá công phu, in sẵn trong một cuốn sách, phát hành trước khi trao đổi. BTC cũng cố gắng hướng các ý kiến đi vào chủ đề chính, với những phát biểu gọn, sắc, có tính phản biện hơn.

Qua sự "mổ xẻ" của các nhà khoa học, hiện tượng tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh nổi lên nhiều vấn đề thú vị. Ông viết tiểu thuyết từ năm 1958 với tác phẩm "Làng nghèo", chưa in; rồi vắng bóng liền 20 năm, rồi lại viết một cuốn tiểu thuyết khác, lại chưa được in. Cho đến năm 2000, và từ đó đến nay "Hồ Quý Ly" (năm 2000), "Mẫu Thượng Ngàn" (2005), "Đội gạo lên chùa" (2011) - ba cuốn tiểu thuyết lần lượt ra đời, đem về cho ông không chỉ nhiều giải thưởng uy tín của văn đàn, mà còn tạo nên một hiện tượng xuất bản đáng nể.

Nhà phê bình La Khắc Hòa cho rằng: đổi mới nguyên tắc truyện kể theo xu hướng tiểu thuyết hóa là nhân tố cách tân cơ bản trong sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh. Đó cũng là bước tiến bộ nghệ thuật quan trọng bậc nhất của văn xuôi Việt Nam sau năm 1975. Tức là phải kể một câu chuyện mới, một câu chuyện của mình mà không phải là thuật lại một câu chuyện cả người đọc và người nghe đều đã biết (dạng truyện kể sử thi dễ thấy ở đa số tác phẩm văn học của ta trước đó).

PGS.TS Nguyễn Thị Bình nhận thấy Nguyễn Xuân Khánh đã có một lối ứng xử đầy độc lập trên sân chơi tiểu thuyết: ông viết về đạo Mẫu, đạo Phật nhưng không nệ vào nó. Trên nền lịch sử và văn hóa, ông suy tư về các giá trị sống. GS Phong Lê nhấn mạnh: Ngòi bút tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh thể hiện cả một sức nghĩ của lịch sử và văn hóa. Còn theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì sự xuất hiện trở lại của tác giả Nguyễn Xuân Khánh cũng cho thấy một đời sống văn học đã đa dạng hơn rồi.

Tuy nhiên, không chỉ khám phá những điều thú vị, các ý kiến cũng bày tỏ những băn khoăn. Có sự trao đổi lại, sự phản biện giữa các đại biểu, giữa đại biểu với BTC… Nhà văn Hoàng Quốc Hải dự cảm: "Có lẽ đây là những cuốn tiểu thuyết văn hóa phong tục cuối cùng của Việt Nam". Trong khi đó, lạc quan hơn, nhà báo, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam lại nghĩ rằng: biết đâu đấy sẽ có những lớp nhà văn sau này viết về văn hóa phong tục của Việt Nam với những cách nghĩ khác, cách viết khác. Anh cũng cho rằng, đọc Nguyễn Xuân Khánh thấy thú vị vì sự đan bện giữa lịch sử và văn hóa (điều còn ít thấy ở tiểu thuyết lịch sử ở ta); nhưng vẫn còn tiếc nuối vì những trang viết phong tục, văn hóa vẫn chưa tới mức cụ thể, kỹ càng… Về điều này, thì TS Phạm Xuân Thạch và TS Nguyễn Thị Minh Thái lại có cách nghĩ khác. Đó là nên đọc Nguyễn Xuân Khánh theo cách mà ông chọn, ông viết. Nghĩa là như một tiểu thuyết tư tưởng hơn là tiểu thuyết phong tục. Cũng như vậy, trong khi đa số ý kiến đều "phê" Nguyễn Xuân Khánh viết dài quá, thì TS Phạm Xuân Thạch lại đánh giá cao năng lực viết dài của Nguyễn Xuân Khánh.

Bên cạnh nhiều ý kiến phong phú kể trên, phát biểu của riêng nhân vật chính - nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng là một "tuyên ngôn" nghề viết đáng chú ý. Ông tự nhận những "hạn chế" của mình, nhưng lý giải rằng đó đã là một cách nghĩ, cách viết có phần thấm nhuần từ sâu xa trong cuộc sống, trải nghiệm của bản thân. Ông không chia sẻ được nhiều với lối viết chủ nghĩa hiện đại, hay hậu hiện đại, nhưng quan niệm rõ rằng phải chấp nhận sự khác biệt. Và mọi sáng tạo đều có chỗ đứng dưới ánh mặt trời, miễn là nó hay. Lão nhà văn tuổi 80 cũng cho rằng sự góp ý cho ông hôm nay cũng là góp ý cho các bạn văn của ông tiếp tục con đường này.

Thi Thi -HNM0
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất