Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 6/10/2012 22:1'(GMT+7)

“Mẹ Âu Cơ dẫn chú Tễu đi ăn phở”

Một buổi hòa nhạc giao lưu giữa các nghệ sĩ và kiều bào tại TP Hồ Chí Minh.

Một buổi hòa nhạc giao lưu giữa các nghệ sĩ và kiều bào tại TP Hồ Chí Minh.

Lựa chọn tiêu chí bảo tồn văn hóa 

Làm thế nào để hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc? Làm thế nào để bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc thực sự là động lực để đoàn kết, gắn bó cộng đồng với đất nước? Làm thế nào để thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài tiếp nối, duy trì văn hóa, truyền thống, hướng về cội nguồn? Về chính sách, nên bổ sung và hoàn thiện những vấn đề gì? Về các hoạt động thực tế, nên tổ chức, thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả thiết thực? 

Đó là những vấn đề cốt lõi được đặt ra tại hội nghị về người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2, chuyên đề: “Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc - Động lực đoàn kết cộng đồng, gắn bó với đất nước”, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức, vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, văn nghệ sĩ nổi tiếng của người Việt khắp nơi trên thế giới.

Từ thực tiễn nhiều năm nghiên cứu, bảo tồn văn hóa Việt, Giáo sư Vũ Đức Vượng nêu ba hình ảnh: Mẹ Âu Cơ, múa rối nước và phở, đại diện tiêu biểu cho ý thức cội nguồn, nghệ thuật dân gian và văn hóa ẩm thực. Ông cho rằng, hiếm có một quốc gia nào trên thế giới lại có truyền thuyết về nòi giống độc đáo và giàu ý nghĩa như Việt Nam. Câu chuyện về cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ không chỉ có ý nghĩa lớn lao về giáo dục ý thức nguồn cội, tình nghĩa đồng bào, truyền thống dân tộc, mà đó còn là chuyện tình yêu rất nhân bản. Giáo sư Vũ Đức Vượng nói: “Tôi chưa thấy quốc gia nào thể hiện sự bình đẳng nam nữ sớm như Việt Nam. Chính vì thế, chúng tôi chọn hình ảnh mẹ Âu Cơ để xây dựng nội dung, phương pháp giáo dục ý thức nguồn cội, truyền thống dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài”.

Trong vốn nghệ thuật dân gian phong phú và đồ sộ của dân tộc ta, rối nước là một loại hình tiêu biểu, tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước của người Việt. Một số học giả, chuyên gia văn hóa Việt kiều cũng cho rằng, các loại hình nghệ thuật dân gian khác có thể chịu sự ảnh hưởng, tiếp biến khi phổ biến ở nước ngoài, nhưng rối nước thì “rặt” chất Việt. Sống xa Tổ quốc, rối nước được nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lựa chọn là điểm nhấn trong bảo tồn, phát triển vốn văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc.

Và thành tố cuối cùng đó là phở. Theo lựa chọn của Giáo sư Vũ Đức Vượng và một số học giả khác, phở là yếu tố cốt lõi trong văn hóa ẩm thực Việt. Theo khảo sát của các nhà khoa học, hiện phở Việt đã theo bước chân của hơn 4,5 triệu người Việt có mặt ở 101 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Phở Việt nổi tiếng đến mức nhiều nước đã đưa phở trở thành một danh từ trong ngôn ngữ bản địa. Trong chiến lược bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, phở là một “sứ giả” đóng góp vai trò tích cực, hiệu quả trong quảng bá văn hóa Việt ra thế giới và được thế giới tiếp nhận rộng rãi.

Đó là những thành tố đặc trưng, góp câu trả lời cho một câu hỏi lớn: Bảo tồn văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài là bảo tồn những cái gì? Bởi lẽ, không phải “trong nhà” mình có cái gì thì trưng ra cho thế giới cái đó. Phải lựa chọn những yếu tố đặc trưng, phù hợp với văn hóa bản địa, được văn hóa bản địa chấp nhận thì công tác bảo tồn của chúng ta mới thực sự ổn định, bền vững.

Giáo sư, viện sĩ Trần Ngọc Thêm (TP Hồ Chí Minh) kể rằng, ông rất cảm động khi bắt gặp những hình ảnh, vật dụng rất đỗi thân quen của làng quê Việt Nam tại nhiều gia đình người Việt ở nước ngoài. Sinh sống lâu năm ở những đất nước phát triển, văn minh, hiện đại, nhưng rất nhiều gia đình người Việt vẫn tạo những không gian riêng mang tâm hồn, cốt cách từ quê hương, đất nước mình. Đó là bàn thờ Gia tiên, bàn thờ Thần tài, ông Địa; là những hũ tương, cà, mắm, muối, là chiếc nón lá giản dị... Càng sinh sống ở những quốc gia xa Tổ quốc, kiều bào ta càng chú trọng đến chất Việt trong không gian sống của mình.

Từ thực tiễn ấy, Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng, con người Việt Nam dù ở đâu, làm gì thì nhu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa cũng hình thành như một lẽ tự nhiên. Càng ở xa quê hương, người ta càng đau đáu nhớ về quê hương. Và vì thế, ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống càng lớn.

Tuy nhiên các hình thức bảo tồn ấy phần lớn mang tính thụ động. Điều chúng ta cần làm là điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, giải pháp ở tầm vĩ mô và đổi mới, phong phú cách làm để khuyến khích, hỗ trợ, đảm bảo cho ý thức bảo tồn ấy trở thành chủ động, không bị phai nhạt qua các thế hệ.

Điều chỉnh, bổ sung chính sách và thiết chế văn hóa

Theo PGS, TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), một trong những vấn đề cốt lõi cần làm hiện nay là duy trì sức sống của tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa. Không bảo tồn được ngôn ngữ thì rất khó nói đến bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Thực tế hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã phát triển đến thế hệ thứ 3, thứ 4, thậm chí là thứ 5, thứ 6. Càng về sau, thế hệ cháu, chắt của chúng ta càng xa rời ngôn ngữ mẹ đẻ. Đó là một thách thức lớn cần phải có lộ trình giải quyết ổn định, bền vững. Cần triển khai đồng bộ chương trình dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Muốn vậy, phải có một chính sách nhất quán, tổng thể từ trong nước, từ việc hỗ trợ sách giáo khoa đến tạo nguồn giáo viên dạy tiếng Việt, đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp... Cần có các hình thức dạy-học tiếng Việt sinh động, phong phú như: Dạy từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin và mạng điện tử internet trong dạy-học... nhằm khuyến khích và đảm bảo cho mọi người đều có điều kiện tiếp cận.

Các nhà khoa học đề xuất, cần khẩn trương xúc tiến việc xây dựng, thành lập các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa Việt Nam ở các nước và vùng lãnh thổ. Đây là thiết chế căn bản để bảo tồn văn hóa và truyền thống dân tộc. Cần tăng cường các hoạt động giao lưu, thông tin, quảng bá văn hóa thường xuyên hơn là cứ đi theo vụ việc, cho dù đó là vụ việc thường niên. Cần phải có sự vào cuộc tích cực, thường xuyên và có bài bản của mạng lưới truyền thông, kết nối chặt chẽ giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước thành một khối đoàn kết, ổn định, phát triển./.

(Phan Tùng Sơn/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất