Thứ Ba, 17/9/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 15/4/2024 20:3'(GMT+7)

Nhà báo Thái Duy - Trọn vẹn một đời “sống và viết” vì dân

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Thái Duy và các đại biểu thăm trưng bày chuyên đề "Nhà báo Thái Duy - Sống và Viết". (Ảnh: congluan.vn)

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Thái Duy và các đại biểu thăm trưng bày chuyên đề "Nhà báo Thái Duy - Sống và Viết". (Ảnh: congluan.vn)

1. Tôi thường tìm đến ông như thể “đến hẹn lại lên” vào mỗi dịp kỷ niệm một sự kiện trọng đại nào đó của đất nước trong vai trò là một nhân chứng lịch sử ở nhiều mặt trận.

Với tôi, ông là một nhà báo đặc biệt bởi một cuộc đời cống hiến đặc biệt cho nghề nghiệp đáng trân quý! Ông chưa từng đảm nhận một chức vụ nào nhưng là một tên tuổi được kính trọng trong làng báo. Suốt sự nghiệp báo chí của mình, nhà báo Thái Duy luôn chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam…

Nhà báo Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Ông có một bút danh nổi tiếng nữa là Trần Đình Vân với tác phẩm “Sống như Anh”. Ông còn xuất bản một số cuốn sách khác như: “Người tử tù Khám lớn”, “Hải Phòng anh dũng”, “Đổi mới ở Việt Nam - nhớ lại và suy ngẫm”, “Khoán chui hay là chết”...

Năm 2020, trong số 7 nhà báo lão thành tiêu biểu được tôn vinh tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” vì đã có những cống hiến lớn lao, dành nhiều tâm huyết và tình cảm, có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, ông Thái Duy là người duy nhất chưa từng đảm nhận một chức vụ nào. Suốt đời ông chỉ có một danh xưng duy nhất: Nhà báo Thái Duy.

Trong cảm xúc trào dâng thương nhớ, tôi lại nghĩ về cuộc trò chuyện với ông cách đây 2 năm, nhà báo Thái Duy kể cho chúng tôi nghe những năm tháng đầu tiên khi ông bước chân vào nghề phóng viên, nhắc về người thầy vĩ đại Nam Cao - người đưa ông vào nghề, ông nói rất giản dị: “Tôi nhờ ông Nam Cao nên tôi mới được làm phóng viên, chứ không thì lên tổ trưởng, tổ phó, lại lên chức mất rồi cơ...”. Sự trọng nghề, yêu nghề của một người đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, đã có hàng vạn bài báo trong đời nghề, quả thực khiến người ta cảm động.

Có thể nói, nhà báo Thái Duy có nét độc đáo mà trong làng báo không dễ ai có được. Suốt đời chỉ làm ở một tờ báo, suốt đời chỉ một chức phóng viên nhưng ở thời kỳ nào cũng có những tác phẩm nổi tiếng, tác động đến cả nước và có những vấn đề trở thành quốc sách. Với chỉ một chức danh nhà báo bình thường nhưng ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp, được dự Hội nghị các nhà văn Á Phi tại Bắc Kinh, được Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông chào đón, được Chủ tịch Fidel Castro và đất nước CuBa hoan nghênh, được đồng nghiệp nể phục, nông dân coi như người thân của mình…

Sự đặc biệt của nhà báo Thái Duy không phải ai cũng biết bởi khi tham gia mặt trận tuyên truyền ông luôn tiên phong xung kích nhưng khi kể về mình thì ông luôn lặng lẽ, lùi về phía sau. Có lẽ cũng bởi vì thế nên với nghề báo, lúc nào ông cũng đứng ở đỉnh cao, không phải đỉnh cao ở danh vọng, tiền tài mà đỉnh cao ở các mặt trận “điểm nóng” thông tin, đỉnh cao ở sự trân quý của đồng nghiệp.

Một số bài viết về khoán nông nghiệp của Nhà báo Thái Duy. (Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)

2. Với bút danh Thái Duy khi viết báo, Trần Đình Vân khi viết văn; những tác phẩm của ông không chỉ tạo nên những chuyển biến xã hội tích cực trong nước mà còn có tiếng vang xa trên trường quốc tế. Bởi vậy, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam từng nhận định: “Sống như là viết, viết là sống. Cả cuộc đời làm báo của Thái Duy là cuộc đời của một con người phấn đấu không mệt mỏi, không chùn bước để “Chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tươi tốt” như lời Bác Hồ căn dặn trong Di chúc”.

Nhà báo Thái Duy bước vào làm Báo Cứu Quốc từ năm 1949. Đầu năm 1964, ông cùng lãnh đạo Báo Cứu Quốc vào miền Nam xây dựng Báo Giải Phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam). Trong giai đoạn này, ông hoàn thành một số tác phẩm đỉnh cao “Sống như Anh”, “Người tử tù Khám lớn”, “Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi”…

Trong đó “Sống như Anh” được cho đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu ở Nhà xuất bản Văn học tháng 7/1965 ba trăm linh hai nghìn bản, có lời Bác Hồ đề tựa, sau đó được tái bản liên tục lên tới hàng triệu bản. Cho đến nay, chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam vượt qua kỷ lục đó. “Sống như Anh” đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ trong cả nước dấy lên phong trào noi gương Anh Trỗi thi đua sản xuất và diệt giặc…

Có thể nói trong suốt chặng đường vẻ vang 90 năm của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, nhà báo Thái Duy đã chứng kiến và tham gia vào rất nhiều giai đoạn quan trọng với tư cách là một phóng viên của tờ báo Mặt trận, luôn có mặt và đi đầu trong nhiều sự kiện nóng bỏng nhất. Thời kỳ làm báo Cứu Quốc ở chiến khu Việt Bắc ông tham gia hầu hết các chiến dịch lịch sử, ông có mặt ở ngay trận địa suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này ông còn làm phóng viên ở chiến trường miền Nam và còn có những năm tháng làm phóng viên chiến trường ở Mặt trận Lào…

Sau ngày đất nước thống nhất, nhà báo Thái Duy tiếp tục đi tiên phong với những đề tài gai góc nhất đặt ra trong đời sống xã hội giữa những năm đất nước thực hiện chế độ bao cấp với những dự cảm mới về cuộc sống nhân dân…Thông qua ngòi bút của mình, ông đã tiếp tục mạnh mẽ chiến đấu trong sự nghiệp khoán mới. “Khoán chui hay là chết” cũng được ông viết nên từ thực tiễn sinh động, đã góp phần đổi mới tư duy, khuyến khích cách làm hiệu quả giúp người dân vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên.

Nhà báo Cao Kim (Kim Toàn), nguyên Tổng biên tập báo Hải Phòng nhận định: "Phóng viên giải phóng có mặt ở nhiều địa phương, nhiều vùng miền khác nhau, đến những trận chiến. Họ là phóng viên chiến trường không chỉ tham gia vào chiến tranh như những nhân chứng lịch sử mà họ còn tái hiện lịch sử bằng ngòi bút của riêng mình. Một trong những người đi đầu, nổi bật là nhà báo Thái Duy… cho đến nay chưa nhà báo nào có số lượng tác phẩm báo chí được phát hành nhiều như nhà báo Thái Duy".

Nhà báo Thái Duy với những câu chuyện nghề vui và ý nghĩa.

3. Nhà báo Thái Duy vừa ra đi ở tuổi 99 đầy an nhiên nhưng để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng nghiệp. Rất nhiều đồng nghiệp nhắc đến ông, như thương nhớ vẫn còn đây, như tri ân về một cuộc đời cống hiến, về cả tài năng và đức độ! Bởi nhà báo Thái Duy là tấm gương sáng cho các nhà báo hiện tại, đặc biệt là những nhà báo trẻ. Ông là một con người giản dị, bản lĩnh và hội tụ phẩm chất đạo đức của người làm báo chân chính.

Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt (Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ, Báo Nhân Dân) - một người thân thiết với gia đình nhà báo Thái Duy - có lần hỏi nhà báo Thái Duy rằng tại sao không viết văn, ông thú thật là vì muốn dành hết thời gian và tâm trí để hướng đến nhân dân theo lý tưởng của báo chí. Một nhà báo với tâm sáng đến nhường ấy thì làm sao không trân trọng cho được.

“Cả cuộc đời cầm bút, người mà Thái Duy mong muốn bảo vệ nhất, mong họ có cuộc sống tốt hơn, muốn những người lãnh đạo đất nước lắng nghe họ nhất, đó chính là nhân dân. Lý tưởng làm báo của ông là hướng về nhân dân. Nhà báo Thái Duy từng nói: “Nhân dân là vĩ đại nhất, không có dân là không có gì đâu, không có Đổi mới...”, nhà thơ, nhà báo Hữu Việt bộc bạch.

Nhà báo Trần Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam khi nghe tin ông qua đời đã xúc động bày tỏ: "Vô cùng thương tiếc Ông! Người đã đến với báo chí cách mạng bằng tình yêu và lý tưởng, đã cống hiến trọn đời mình cho tự do và lẽ phải! Những nẻo đường Chiến dịch Điện Biên phủ ngày ấy in dấu chân ông; những nẻo đường Trường Sơn 60 năm trước ghi dấu chân ông! Từ Cứu Quốc đến Giải Phóng, và sau này nhập thành Đại Đoàn Kết, ông luôn là một cây bút xông xáo, một tên tuổi được đồng nghiệp, công chúng tin tưởng và chờ đợi! Đồng xanh Bắc Giang quê hương, rồi những mênh mông bờ thửa bờ vùng Vĩnh Phú, Hải Phòng sẽ nhớ mãi câu chuyện “Khoán chui hay là chết” mà ông nhà báo Thái Duy đã dành một phần đời để chiến đấu vì nó! Thương Ông! Kính trọng Ông! Một tài năng, một nhân cách! Cả đời luôn VIẾT HOA CHỮ DÂN, cả đời chỉ làm phóng viên, từ chối mọi chức vụ và hư danh. Cả đời sống và cầm bút đúng với ý nguyện “Làm báo là phải tôn trọng sự thật, viết đúng sự thật”!”.

Có thể nói, nhà báo Thái Duy là một người làm báo đặc biệt với triết lý sống giản dị, chân thành, luôn quan niệm rằng nhà báo cần viết trung thực và không gì ngoài tôn trọng sự thật. Với lý tưởng làm báo là hướng về nhân dân…những tác phẩm báo chí của nhà báo Thái Duy không chỉ là những dẫn chứng sắc bén từ thực tế, rực lửa chiến đấu, can đảm hy sinh mà còn có tính lý luận, giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau. Ông mãi mãi trở thành tượng đài đẹp đẽ trong lòng đồng nghiệp các thế hệ và công chúng cả nước. Xin thành kính Vĩnh biệt Ông!./.

HÀ VÂN (congluan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất