Lúc sinh thời, trả lời những câu hỏi về những thành tựu của mình,
người biên kịch già Hoàng Tích Chỉ (1932-2022) luôn khiêm nhường coi
đó là "cơ duyên", hay theo cách gọi của ông là “ăn may” nhưng thực tế,
cho đến nay ông là cây viết kịch bản điện ảnh đầu tiên và duy nhất nhận
giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2012). Những tặng thưởng
đó chính là sự ghi nhận xứng đáng dành cho người nghệ sỹ đã dành cả cuộc
đời cống hiến và dấn thân trong sự nghiệp làm phim với những đóng góp
to lớn trong sự nghiệp điện ảnh nước nhà.
Còn trong lòng khán giả, những tác phẩm điện ảnh "Em bé Hà Nội," "Vỹ tuyến 17 ngày và đêm" do ông chắp bút viết kịch bản mãi nằm trong danh sách tác phẩm điện ảnh bất hủ của Việt Nam.
LUÔN KHIÊM TỐN, DẤN THÂN KHÔNG MỆT MỎI
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ từng coi việc có nhiều năm hợp tác với đạo diễn Hải Ninh - tạo nên cặp bài trùng của giới điện ảnh, qua những tác phẩm “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm", “Em bé Hà Nội” hay “Mối tình đầu”
là một cơ duyên; thậm chí cả việc bước chân vào nghề đúng thời gian đất
nước đang ngập trong bom đạn chiến tranh cũng là một điều may mắn.
Rồi những chuyến đi thực tế của ông với đạo diễn Hải Ninh lúc sinh
thời đến chiến trường Vĩnh Linh đúng vào thời điểm Mỹ bắn phá ác liệt;
hay việc ông nán lại Hà Nội khi Mỹ rải bom B52 năm 1972, mãi về sau mới
“bị” yêu cầu đi sơ tán cũng trở thành cơ duyên...
Bởi nhờ thế, "chảo lửa" Vĩnh Linh đã cho ông những tư liệu chân thực nhất để viết kịch bản “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm", hay
tại nơi sơ tán năm xưa ông mới được biết chuyện cô con gái nhỏ tuổi của
nghệ sỹ Tuệ Minh - cô bé đã đi bộ mười mấy cây số từ Yên Viên về nội
thành tìm mẹ - câu chuyện cũng được ông đưa vào “Em bé Hà Nội”.
Nhà
biên kịch Hoàng Tích Chỉ được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Cánh
diều năm 2015 của Hội Điện ảnh, bên phải là Nghệ sỹ nhân dân Trà Giang.
(Ảnh: TTXVN)
Cùng trong nghề biên kịch, bà Trịnh Thanh Nhã hiểu viết kịch bản là
một công việc "trầy vi tróc vẩy" với những chuyến đi thực tế xa xôi, nhiều
đêm thức trắng...
“Nghề viết không có chuyện ăn may. Công sức của ông Hoàng Tích Chỉ
cho ngành điện ảnh lớn lắm. Ông chịu khó tìm tòi và dám thử nghiệm, dám
vượt ra khỏi vùng an toàn của mình, luôn dấn thân nhưng vẫn luôn khiêm
tốn như vậy”, bà Trịnh Thanh Nhã nhận xét.
Tại Hãng phim truyện Việt Nam khi xưa có lưu truyền câu chuyện cặp
đôi biên kịch - đạo diễn Hoàng Tích Chỉ - Hải Ninh đã đạp xe cả trăm cây số
ra vào chiến trường Vĩnh Linh năm xưa là một minh chứng sống động của sự
dấn thân với nghề.
Vào cuối những năm 1980 khi đất nước bước ra khỏi cơ chế bao cấp, các
hãng phim tư nhân dần hình thành, Hãng phim truyện Việt Nam cũng tách
thành các xưởng nhỏ. Ông Hoàng Tích Chỉ khi ấy đảm nhiệm vị trí giám đốc
Hãng phim truyện I, không những thử thách bản thân ở vị trí đạo diễn,
thử nghiệm thêm thể loại tài liệu, mà ông còn luôn chủ động để dẫn dắt
hãng phim.
Đồng nghiệp của ông nhớ lại, trong khi nhiều cá nhân làm nhà nước dần
tham gia các dự án phim tư nhân, chỉ có nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ
lấy tư cách của hãng phim để đổi mới, bước vào thị trường (phim “Người đàn bà bị săn đuổi”).
Theo biên kịch Trịnh Thanh Nhã, điều đó thể hiện luôn giữ tinh thần
“xung kích”, thái độ không màng đến thành-bại của một nhà biên kịch vốn
đã rất có tiếng trong ngành.
Được biết, Hãng phim truyện I của ông phụ trách cũng chính là nơi đón đầu cho “Lưới trời”
(2003, đạo diễn Phi Thế Sơn) - tác phẩm dành Cánh diều vàng gây tiếng
vang một thời và được biết đến là phim đầu tiên về đề tài chống tham
nhũng.
Đại diện Hội Điện ảnh, Phó chủ tịch thường trực Hội, ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ niềm thương tiếc với một người tài. “Bên cạnh giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý và những giải thưởng quốc tế, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cũng
đã được Hội Điện ảnh tôn vinh trọn đời nhờ những cống hiến đặc biệt
xuất sắc không chỉ cho điện ảnh cách mạng, điện ảnh dân tộc mà còn cả ở
lĩnh vực văn học”, ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ.
ĐAU ĐÁU VỚI THẾ SỰ ĐẾN CUỐI ĐỜI
Sau khi về hưu, nhà biên kịch vẫn cầm bút sáng tác. Gia đình vẫn nhớ
mãi về một người chồng, người cha luôn âm thầm làm việc, chưa bao giờ
ngừng tận tâm với nghề, ít nói nhưng luôn quan sát, không bỏ lỡ một tin
tức thế sự nào.
Cô Hoàng Thị Hoa, con gái thứ hai của nhà biên kịch cho biết mỗi ngày
khi thắp hương cho ông vẫn dâng kèm tờ báo giấy - vật dụng gắn liền với
ông hàng ngày.
“Khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ trên không - 12 ngày đêm huyền
thoại năm xưa, bố tôi theo dõi sát, không bỏ một sự việc nào để viết
kịch bản cho "Em bé Hà Nội". Về sau vẫn vậy, ông chưa bao giờ ngừng trăn trở với mọi biến động của đất nước”, cô Hoàng Thị Hoa chia sẻ.
Chân dung nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ do Nghệ sỹ nhân dân Hà Bắc vẽ tặng.
Chỉ trừ ba năm cuối đời trở bệnh ốm nặng, trước đó, nhà biên kịch
Hoàng Tích Chỉ trong những tháng ngày còn có thể ngồi bên bàn làm việc
vẫn luôn cặm cụi viết. Ông ra đi, trên bàn ngổn ngang nhiều tài liệu,
giấy nháp, những giấy báo hàng ngày.
Nghệ sỹ nhân dân, đạo diễn phim hoạt hình Nguyễn Hà Bắc gửi gắm ba
phẩm chất để nhận xét về nhà biên kịch: Luôn khiêm nhường, có thái độ
làm việc nghiêm túc, nhờ thế mà đã góp phần mang đến cho hậu thế những
tác phẩm để đời.
Dù vẫn còn đó những tác phẩm dang dở mà nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ
chưa kịp nhào nặn thành hình, nhưng với những gì ông đã mang đến cho
điện ảnh Việt Nam, ông sẽ luôn được tôn vinh, kính trọng và nhớ đến./.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cùng đạo diễn Hải Ninh và ê-kíp làm phim được công nhận qua loạt giải thưởng trong và ngoài nước, với các tác phẩm như "Em bé Hà Nội" nhận Bông sen vàng của Liên hoan phim Việt Nam, Giải đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Moskva cùng năm 1975; giải Bông sen bạc các năm 1970, 1973 cho "Biển gọi", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm."
"Mối tình đầu" do ông viết kịch bản cũng nhận cú đúp Bông sen bạc năm 1980, giải Chiếc thuyền bạc Liên hoan phim Hiện thực mới tại Italy năm 1981; phim tài liệu "Thành phố lúc rạng đông" đoạt giải Bồ câu vàng đặc biệt tại Liên hoan phim Leipzig, Đức cùng nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh đáng nhớ khác.../.
|
Minh Anh (Vietnam+)