Thông tin từ Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt-First News cho hay, trong
lần tái bản này, cuốn sách sẽ được làm mới từ hình thức tới nội dung
chứ không đơn thuần là in lại bản trước.
Tập hồi ký sẽ có thêm những điều mà nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký muốn gửi gắm: “Với sự hâm mộ của bạn đọc gần xa dành cho quyển sách ‘Tôi đi học,’ sau
45 năm nhìn lại, tôi thấy niềm vui thật lớn, nhưng băn khoăn cũng không
phải nhỏ… Tôi quyết định dành thời gian chỉnh sửa lại một số chi tiết
chưa thật hợp lý và bổ sung, viết thêm một số câu chuyện mà tôi thấy cần
thiết.”
“Tôi đi học” là câu chuyện về một cậu bé bảy tuổi đã miệt mài tập
viết bằng chân, không chịu khuất phục trước những bài tập khó của môn
thủ công và có thể bơi được khi không có một đôi tay lành lặn… Bởi lẽ
ấy, “Tôi đi học” đã chạm đến trái tim bạn đọc ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Tự truyện “Tôi đi học” được tác giả Nguyễn Ngọc Ký viết khi bắt
đầu quãng đời sinh viên (9/1966) tại khoa Ngữ Văn-Đại học Tổng hợp Hà
Nội (ở khu sơ tán vùng núi Đại Từ-Thái Nguyên).
Năm 1970, ngày sinh viên Nguyễn Ngọc Ký bảo vệ thành công luận văn tốt
nghiệp cũng là ngày cuốn sách được ra mắt bạn đọc cả nước với tựa đề “Những năm tháng không quên."
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ: “Đây là lần thứ 11 cuốn sách được tái
bản chính thức. Có nhiều cuốn sách cùng thời chỉ ra mắt một lần rồi sau
đó không tái bản nữa. Bởi vậy, mỗi một lần đơn vị nào đó cho tái bản ‘Tôi đi học,’
nghĩa là nhu cầu của bạn đọc vẫn còn. Điều này khiến tôi thực sự hạnh
phúc vì cuốn sách đã tồn tại trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ.”
Tự truyện “Tôi đi học” (tái bản lần thứ 11) do Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt-First News và Nhà xuất bản Trẻ phát hành./.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947 tại Hải Thanh (Hải Hậu, Nam
Định). Ông bị liệt đôi tay từ năm bốn tuổi. Từ năm bảy tuổi đi học, ông
dùng chân để viết.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký từng hai lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi.
Năm 1970, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn-Đại học Tông hợp Hà Nội. Năm 1992, ông được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
An Ngọc (Vietnam+)