Hiểu được những khó khăn, bất cập trong hoạt động của khoa học và công nghệ (KH và CN) nước nhà, nhưng không thụ động theo kiểu "được chăng hay chớ", mà chủ động, sáng tạo trong tìm kiếm đề tài; thương mại hóa các sản phẩm khoa học để tự nuôi mình và nhóm nghiên cứu, với mong muốn được đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước.
Ðó là tâm tư, tình cảm của Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng một chuyên gia về công nghệ thông tin qua tham luận của anh tại Ðại hội thi đua yêu nước năm 2010 của Viện khoa học công nghệ Việt Nam (KH-CNVN). Trường Thắng cho biết: Tôi được đi học đại học ở Ô-xtrây-li-a, về Viện công nghệ thông tin (Viện KH-CNVN) công tác được một thời gian, sau đó được cơ quan cho đi đào tạo cao học và tiến sĩ tại Nhật Bản. Hơn mười năm học tập, công tác ở nước ngoài cũng được một số tập đoàn, công ty mời ở lại làm việc nhưng tôi không muốn 'bội ước' nơi mình đã từng gắn bó. Năm 2007, tôi được giao làm trưởng nhóm nghiên cứu phần mềm và gần hai năm sau được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ và giải pháp phần mềm, Viện Công nghệ thông tin.
Theo phân loại của Viện hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển có sự lạc hậu về KH-CN. Khoảng năm năm trở lại đây lĩnh vực công nghệ thông tin tuy có bước phát triển mới nhưng nhìn nhận một cách nghiêm túc vẫn trong tình trạng manh mún do thiếu các 'công trình sư' và khả năng quản lý còn hạn chế. Nhận thức được điều đó và xác định trong điều kiện nguồn kinh phí của Nhà nước đầu tư cho KH-CN còn eo hẹp thì từng đơn vị và cá nhân cần chủ động tạo ra nguồn vốn để hoạt động. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi, mấy năm qua đã triển khai, thực hiện các dự án hợp tác với nước ngoài, hợp đồng tư vấn công nghệ cho một số doanh nghiệp trong nước.
Công nghệ phần mềm ngày càng giữ vai trò đắc lực trong sự nghiệp CNH, HÐH của mỗi quốc gia. Làm thế nào để các sản phẩm máy móc, thiết bị tránh được những khiếm khuyết, trục trặc khi đưa vào sử dụng, được các tập đoàn, công ty coi trọng hàng đầu. Sự kiện hãng xe hơi TOYOTA năm 2009 phải thông báo thu hồi hàng triệu chiếc xe đã đưa ra thị trường do lỗi phần mềm điều khiển chân phanh. Hay Hãng Microsoft cách đây vài năm treo giải thưởng lớn cho những ai phát hiện ra lỗi phần mềm trong thiết bị do họ sản xuất... đã hướng chúng tôi tập trung nghiên cứu công nghệ kiểm lỗi phần mềm.
Coi đây là chiến lược chủ đạo trong hoạt động của trung tâm, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng tìm các biện pháp không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, tạo dựng bộ công cụ tự động hỗ trợ việc phát hiện ra các lỗi trong quá trình sản xuất, vận hành máy móc, thiết bị. Dĩ nhiên đây cũng là cách bảo đảm tính năng và chất lượng của sản phẩm hàng hóa, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt khi hội nhập kinh tế đang diễn ra sâu rộng.
Khoảng ba năm trở lại đây, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Thắng chủ trì, vừa thực hiện các hợp đồng về phần mềm quản lý tài chính, ngân hàng, giáo dục và đào tạo trong nước; vừa tiến hành các hợp tác quốc tế, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng bước đầu tại các tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật Bản như Sharp, Toshiba... Với Nguyễn Trường Thắng, người làm khoa học ngoài khả năng, trình độ chuyên môn, còn phải có 'kỹ năng mềm' mà theo anh đó là vốn ngoại ngữ, sự hiểu biết văn hóa và tập quán ứng xử với đối tác nước ngoài. Có như vậy mới hy vọng tìm kiếm, mở rộng thêm đề tài, dự án; trên cơ sở đó tự chủ về tài chính (không ngồi trông chờ Nhà nước) trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Chia tay nhà khoa học trẻ, tôi tin với sự năng động và sáng tạo, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng và các cộng sự sẽ vượt qua trở ngại, khó khăn để thời gian tới thực hiện thành công dự án tích hợp phần mềm cho một số hãng công nghiệp lớn vùng Ô-xa-ca (Nhật Bản) như kế hoạch đã định.
(Theo Nguyễn Khôi/Nhân dân)