Từ các vụ tấn công đẫm máu trên đường phố Paris cho đến các vụ xả súng
tại San Bernardino cho thấy thế giới năm 2015 thực sự mong manh trước
những hành động kinh hoàng của các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà
nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong năm qua, IS đã bén rễ từ Iraq và từ sự hỗn loạn của cuộc nội chiến
ở Syria. Gần đây, tổ chức này đã chuyển trọng tâm từ tranh giành lãnh
thổ sang tấn công “kẻ thù ở xa”.
Tại cuộc họp mới đây của Hội đồng ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) ở
Brussels của Bỉ, các bộ trưởng đã bàn đến vấn đề chống tài trợ cho tổ
chức IS và cuộc xung đột ở Syria và cuộc chiến chống IS.
EU muốn hành động trên ba phương diện: nhân đạo, ngoại giao và an ninh.
Về phương diện an ninh, EU không can dự trực tiếp tới việc ném bom tiêu
diệt IS mà tìm các cách thức để chấm dứt việc tài trợ cho tổ chức này,
đặc biệt là giống như cách mà một số quốc gia EU tham gia vào liên minh
quốc tế chống IS, phá hủy các cơ sở lọc dầu của IS ở Iraq và Syria.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ, Didier Reynders, cần phải ngăn chặn việc
xuất khẩu dầu của tổ chức khủng bố này bằng cách gây sức ép lên các nước
láng giềng.
Nguồn tiền hàng tỷ USD của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đến từ đâu?
Theo chuyên gia nghiên cứu về Hồi giáo Eckart Woertz, số tiền đó trước
hết đến từ dầu mỏ được IS buôn bán với thị trường chợ đen ở các nước
láng giềng của Syria và Iraq. Ước tính IS kiếm được hơn 2 triệu euro mỗi
ngày.
Nguồn thu chủ yếu của IS chính là từ dầu mỏ. IS kiểm soát một số lượng
lớn các giếng dầu ở Syria và một trữ lượng nhỏ hơn ở Iraq. Các kẻ khủng
bố chính là những đối tượng đầu tiên hưởng lợi từ nguồn dầu này.
Dầu sẽ được phân phát cho các nhóm quân của IS và trong các khu vực mà
IS kiểm soát. Ngoài ra, nguyên liệu thô này còn được dùng làm phương
tiện thanh toán, ví dụ để trao đổi vũ khí hoặc thực phẩm.
Tuy nhiên, nguồn tiền từ dầu mỏ này của IS đang giảm dần. Trả lời phỏng
vấn tờ Hình ảnh Đức (Bild), chuyên gia Eckart Woertz, trưởng nhóm nghiên
cứu tại Trung tâm các vấn đề quốc tế Barcelona (CIDOB), cho biết kể từ
sau khi các cuộc không kích của Mỹ tại Syria bắt đầu, năng lực sản xuất
tại các giếng dầu IS kiểm soát đã giảm mạnh, chỉ còn 34.000-40.000
thùng/ngày. Ngoài ra, dầu mỏ của IS cũng có chất lượng thấp và do đó có
giá rẻ.
Mặc dù vậy, theo Woertz, việc buôn bán dầu vẫn là một trong những nguồn
thu chính hiện nay của IS. Những kẻ buôn lậu chuyển dầu của IS sang các
nước láng giềng như Jordan, Iran, các khu vực của người Kurd và Thổ Nhĩ
Kỳ. Từ đây, nguồn dầu này được giao dịch ở chợ đen.
Ước tính mỗi ngày dầu mỏ đem lại cho IS nguồn thu từ 1-2 triệu USD, tức
là một năm IS có được ít nhất là 365 triệu USD riêng từ dầu. Theo đánh
giá của Bộ Tài chính Mỹ, ngân quỹ của IS hàng năm có khoảng 2,2 tỷ USD.
Đối với một tổ chức khủng bố, đây là một nguồn tiền rất lớn.
Cũng theo Woertz, những nguồn thu khác của IS như từ trao đổi con tin
cũng đang giảm và không đáng kể vì các nhà báo và nhân viên cứu trợ nước
ngoài hiện gần như không còn ai ở lại các vùng đất do IS kiểm soát.
Theo ước tính của Liên hiệp quốc, tiền chuộc con tin mà IS thu được năm
2013 là khoảng 35-45 triệu USD và đến năm 2014 chỉ còn 20 triệu USD.
Tiền thu được từ bán đồ vật quý hiếm cho các nhà sưu tầm ở châu Á, theo
ông Woertz, cũng không còn nhiều được như trước đây. Trong khi đó, Cơ
quan Biên phòng châu Âu (Frontex) mới đây cảnh báo tổ chức IS đã lấy
được rất nhiều cuốn hộ chiếu thật ở Syria, Iraq và Libya và với những
cuốn hộ chiếu đó, chúng có thể xâm nhập vào châu Âu dễ dàng.
Phát biểu với báo Thế giới Chủ nhật của ngày 20/12, Giám đốc Frontex,
Fabrice Leggeri, nêu rõ việc các đối tượng khủng bố có được những tấm hộ
chiếu thật có thể gây ra những vấn đề an ninh thực sự, chúng có thể trà
trộn vào dòng người di cư rất lớn và khó có thể kiểm soát hiện nay để
vào châu Âu.
Theo tờ báo Đức, IS đã chiếm nhiều cơ quan công quyền ở các thành phố
của Syria, Iraq và Libya, và chúng đã có được hàng chục nghìn cuốn hộ
chiếu thật cũng như máy móc để in ấn giấy tờ thông hành. Với những tấm
hộ chiếu có được, các đối tượng cực đoan có thể hợp lý hóa giấy tờ thông
hành để trà trộn vào dòng người tị nạn vào châu Âu. Ngoài ra, chúng có
thể mang những cuốn hộ chiếu lấy được bán ở thị trường chợ đen với giá
từ 1.000-1.500 USD/cuốn.
Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức các nước châu
Âu vừa được thông báo một danh sách số serie hộ chiếu bị mất ở Syria và
Iraq. Theo các nhà ngoại giao, danh sách trên gồm khoảng 5.000 cuốn hộ
chiếu thuộc các cá nhân ở tỉnh Rakka và Deir al-Sor của Syria cũng như
khoảng 10.000 cuốn thuộc các cá nhân ở các khu vực Anbar, Ninive và
Tikrit của Iraq.
Hồi tháng 3/2015 cũng đã xuất hiện thông tin, lực lượng IS ở Rakka, miền
Đông Syria đã lấy được 3.800 cuốn hộ chiếu ở nước này. Đặc biệt, một
trong những đối tượng tham gia vụ tấn công khủng bố ở Paris ngày 13/11
vừa qua đã sử dụng một cuốn hộ chiếu đánh cắp được để vào châu Âu.
Không chỉ quan tâm tới những cuốn hộ chiếu của người Arập, IS còn muốn
sử dụng cả những cuốn hộ chiếu châu Âu. Giới chức sân bay Istanbul, Thổ
Nhĩ Kỳ, vừa bắt giữ hai người đàn ông định đưa 148 cuốn hộ chiếu châu Âu
vào Thổ Nhĩ Kỳ. Số hộ chiếu này được giấu trong những chiếc lò nướng
bánh pizza cùng rất nhiều camera và thẻ SIM điện thoại. Đối tượng bị bắt
giữ người Bỉ gốc Thổ Nhĩ Kỳ này bị nghi làm việc cho IS.
Theo cảnh báo của các chuyên gia an ninh, thế giới đã ở thế bị động khi
không sẵn sàng đối phó với những thách thức phi truyền thống đến từ chủ
nghĩa khủng bố và IS hiện đã thay al-Qeada trở thành mối đe dọa lớn nhất
với an ninh và trật tự thế giới.
IS được coi là hiện thân cho tương lai của chủ nghĩa khủng bố với khoảng
30.000 tay súng, có các thánh địa ở Syria và Iraq. IS có năng lực tác
chiến quân sự đáng sợ, kiểm soát được các đường liên lạc, cơ sở hạ tầng
chỉ huy, điều khiển, tự chủ được nguồn tài chính và có thể tiến hành các
chiến dịch quân sự phức tạp.
Trước tình hình đầy thách thức nói trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã
lên tiếng thừa nhận những khó khăn trong cuộc chiến chống khủng bố nói
chung và chống IS nói riêng, song khẳng định rằng Mỹ có thể đánh bại lực
lượng này.
Trong cuộc họp báo cuối cùng của năm 2015, ông Obama cho biết trong năm
2015 liên quân do Mỹ đứng đầu đã đạt được những bước tiến vững chắc
trong cuộc chiến chống IS và bày tỏ tin tưởng lực lượng này sẽ bị xóa
sổ./.
(TTXVN)