“Trước đây có cách hiểu không đúng là khi tự chủ sẽ bị cắt toàn bộ kinh
phí đầu tư của Nhà nước. Nhưng tôi khẳng định với tất cả các hiệu
trưởng, tự chủ đại học không có nghĩa Nhà nước không đầu tư, chỉ có điều
thay đổi cách đầu tư.”
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sáng nay, 30/9, tại hội
thảo Tự chủ đại học – cơ hội và thách thức. Hội thảo do Hội đồng quốc
gia giáo dục và phát triển nhân lực và Hiệp hội các trường đại học, cao
đẳng Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
“Giáo dục đại học có vấn đề”
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kiểm lại về giáo dục Việt Nam, có thể nói
quá trình phát triển giáo dục có nhiều kết quả. Dù còn nhiều yếu kém
nhưng giáo dục phổ thông về cơ bản có nhiều điểm đáng mừng hơn là giáo
dục nghề nghiệp, bao gồm cả đại học và sau đại học.
“Có rất nhiều chỉ số để nói giáo dục đại học có vấn đề. Ví dụ, số lượng
cử nhân, thạc sỹ ra trường không có việc làm. Một chỉ số khác rất đáng
buồn là các công bố quốc tế của chúng ta rất thấp so với các nước. Trong
số 10.000 tạp chí ISI (tạp chí khoa học có chất lượng quốc tế), Việt
Nam không có cái nào,” Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, theo mô hình của thế giới thì hệ
thống sáng tạo quốc gia là một tam giác đều. Ba đỉnh của tam giác gồm
đại học, viên nghiên cứu, nhà nước, trung tâm tam giác là doanh nghiệp.
Nhưng mô hình của Việt Nam hiện nay tạm hình dung là tam giác cân, cạnh
đáy nhỏ nên không xoay nhiều chiều được mà buộc phải đứng cố định. Trong
đó, đỉnh cao nhất là nhà nước, hai đỉnh dưới là đại học và doanh
nghiệp, ở trung tâm là viện nghiên cứu. Hầu như trường đại học không
tham gia vào nghiên cứu được nhiều như các trường đại học quốc tế.
Điều đó cho thấy cần phải đổi mới căn bản toàn diện, đặc biệt đại học
phải có sức bật thực sự vì đại học tiếp cận đầu ra của thị trường lao
động.
“Nguyên tắc của đổi mới là phải phù hợp với xu hướng với thế giới. Việt
Nam có đặc thù nhưng không thể lấy đặc thù che đi xu hướng tất yếu của
thời đại. Ở các nước có nền kinh tế tiên tiến và đại học phát triển thì
điều dễ nhận thấy là tự chủ đại học. Theo nhiều nhà phân tích, môi
trường đại học đòi hỏi sự khai phóng, sán tạo, và tự chủ phải gắn với
giải trình xã hội,” Phó Thủ tướng nói.
Tự chủ đại học gồm ba yếu tố cơ bản là tự chủ tài chính, tự chủ học thuật và tự chủ quản lý nhân sự. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ tài chính
Phó Thủ tướng cho rằng, cách hiểu tự chủ đại học hiện nay đang bị lệch
quá nhiều sang tài chính. Nhiều người quan niệm tự chủ đại học gắn liền
với việc nhà nước không cấp tiền đầu tư nữa.
Nhưng tự chủ đại học không đơn thuần chỉ là tài chính mà còn có hai yếu
tố cơ bản khác là tự chủ về chuyên môn, học thuật; tự chủ về bộ máy tổ
chức.
“Tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước sẽ không đầu tư,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Đam cho biết hiện đã có 14 trường thực hiện tự
chủ nhưng Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư. Hiện Học viện Nông nghiệp Việt
Nam đang chuẩn bị được cho vay vốn 50 triệu USD. Đại học Bách khoa Hà
Nội đang trình tự chủ cũng được khoản vốn tương tự. Đại học Kinh tế quốc
dân cũng được tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí.
“Vì thế, các trường hãy bỏ trong đầu nỗi sợ nếu tự chủ sẽ không còn vốn ngân sách nữa,” Phó Thủ tướng nói.
Theo ông Đam, việc tự chủ của các trường hiện nay có ba vấn đề còn vướng.
Thứ nhất là tăng học phí. Khi tự chủ, ngân sách giảm, trường có quyền
quy định học phí cao hơn. Điều này nhiều người lo ngại làm ảnh hưởng đến
cơ hội giáo dục của đối tượng người nghèo, chính sách.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng việc tăng học phí là cần thiết để nâng cao chất
lượng đào tạo. “Trong khi nhiều học sinh trong nước vẫn ra nước ngoài
học với học phí cao gấp cả trăm lần trong nước, hoặc học trường vốn nước
ngoài ngay tại Việt Nam như RMIT, chúng ta không thể giữ học phí thấp
mãi. Điều quan trọng là nâng cao chất lượng giáo dục, thu hút người học.
Từ những người có khả năng đóng góp học phí cao, trường có thêm học
bổng, cộng thêm chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn có thể đảm bảo quyền
lợi học tập của học sinh nghèo. Không chỉ cấp học bổng cho học sinh giỏi
xuất sắc mà cả những sinh viên học khá nhưng nghèo,” Phó Thủ tướng nói.
Về phía nhà nước sẽ xem xét trong khả năng có thể hỗ trợ một phần để
tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư thông qua các chương trình nghiên cứu
khoa học.
“Có thể phần chi thường xuyên giảm dần để tăng tính tự chủ cho các trường nhưng nhà nước không cắt ngay,” ông Đam nói.
Vướng thứ hai là quản lý nhà nước. Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo
sẽ tiếp tục rà soát những quy định nào của Bộ không cần thiết thì sẽ
bỏ.
Vướng thứ ba là là mô hình quản trị đại học. Theo ông Đam, đây là vấn đề
lớn nhất của các trường. “Đã nói nhiều năm nay là các trường đại học
phải có hội đồng trường vì muốn tăng quyền tự chủ của trường đại học, bỏ
sự can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản thì phải chuyển mô hình
quản lý một thủ trưởng sang mô hình một cá nhân liên kết với tập thể.
Nhưng thực thế, trừ trường ngoài công lập, trường công lập vẫn ít có
chuyển biến,” Phó Thủ tướng nói./.
Phạm Mai (Vietnam+)