Thứ Bảy, 30/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 27/9/2016 21:20'(GMT+7)

GS. Đào Trọng Thi: Không nên lùi thời gian thi trắc nghiệm

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đây là quan điểm của GS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong buổi chia sẻ với báo chí về những vấn đề còn gây tranh cãi xung quanh Dự thảo phương án thi THPT Quốc gia 2017.

Thi trắc nghiệm dành cho số đông

Mới đây, Hội Toán học đã chính thức đề nghị Bộ GD&ĐT hoãn thi trắc nghiệm môn Toán năm 2017 với một số lý do như tính phân hóa không cao, ngân hàng đề chưa đảm bảo chất lượng, chưa được thử nghiệm trên số mẫu đủ lớn, trong một thời gian đủ dài, nhằm hình thành một hệ thống câu hỏi tốt, có khả năng phân loại thí sinh.

Về chia sẻ quan điểm về ý kiến của Hội Toán học, GS. Đào Trọng Thi cho rằng rất có thể Hội Toán học nhầm lẫn với cuộc thi chọn những em học Toán, giỏi Toán và chuyên về Toán.

“Thực tế thì lĩnh vực nào, ngành nghề nào cũng sẽ có ưu tiên đặc thù. Tôi cho rằng họ đã đi quá sâu vào chuyên môn nên đôi khi quên mất là chúng ta đang nói về kỳ thi tốt nghiệp THPT, kể cả là tuyển sinh ĐH, CĐ, về cơ bản vẫn là đề thi kiểm tra năng lực cơ bản mang tính chất toàn diện của học sinh. Đó chưa phải là các năng lực vượt trội, năng lực chuyên biệt của những người lấy Toán học làm mục tiêu theo đuổi nghề nghiệp của mình”, GS. Thi phân tích.

Về những ý kiến cho rằng thi trắc nghiệm môn Toán có tính phân loại không cao, theo GS. Thi, bên cạnh các câu hỏi trắc nghiệm môn Toán đơn giản có thể nhẩm tính và trả lời nhanh, chúng ta vẫn có thể thiết kế những câu hỏi trắc nghiệm dưới dạng bài Toán nhỏ với độ phức tạp và độ khó cao hơn, đòi hỏi phải giải trước trên giấy nháp rồi mới xác định được đáp án.

“Kinh nghiệm thế giới cho thấy hình thức thi trắc nghiệm môn Toán thường được sử dụng để thi tốt nghiệp THPT cũng như phần lớn các kỳ thi tuyển chọn số đông như tuyển sinh ĐH nhưng chưa hiệu quả khi cần đánh giá năng lực vượt trội, đỉnh cao như thi học sinh giỏi. Trong trường hợp này, bài thi trắc nghiệm chỉ để sàng lọc sơ bộ, sau đó vẫn cần một bài thi theo hình thức tự luận hoặc vấn đáp để xác định người thắng cuộc”, GS. Đào Trọng Thi gợi ý.

Cân nhắc độ khó của đề thi phù hợp với năng lực học sinh

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD&ĐT dự kiến sử dụng ngân hàng đề thi chuẩn hóa do ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng. Để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực, ĐH quốc gia Hà Nội đã có công tác chuẩn bị kỹ càng, bài bản một thời gian dài như cử cán bộ sang một số quốc gia học tập việc làm đề trắc nghiệm, thành lập Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trung tâm Khảo thí… Do đó, GS. Đào Trọng Thi cho rằng đây cũng là một cơ sở quan trọng, đáng tin cậy trong việc xây dựng ra ngân hàng đề thi sử dụng cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Về những băn khoăn cho rằng thi trắc nghiệm ở Việt Nam chưa được thử nghiệm trên số mẫu đủ lớn khi ĐH quốc gia Hà Nội mới áp dụng cho 500.000 thí sinh. Trong khi đó mỗi kỳ thi THPT có hơn 1,2 triệu thí sinh trên toàn quốc, ở nhiều vùng miền.

GS. Thi bày tỏ: “Theo tôi nghĩ, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH quốc gia Hà Nội 2 năm vừa qua là quá trình thí điểm đủ lớn. Trong số đó có nhiều em không xác định vào học tại ĐH quốc gia Hà Nội nhưng vẫn đi thi để tập dượt vì vậy, tôi cho rằng việc thi thử trắc nghiệm cũng đã được thử nghiệm trên một mẫu số đủ lớn.

“Với tinh thần đó, tôi cho rằng việc đưa hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn có thể làm được và không nhất thiết phải lùi thời gian thực hiện lại. Chúng ta đang làm theo lộ trình đổi mới, mỗi năm điều chỉnh một chút để tránh “sốc” cho dư luận. Nếu năm nay không làm thì công việc sẽ dồn lại cho những năm tiếp theo và ảnh hướng đến cả lộ trình đổi mới”, GS. Thi nhận định.

Tuy nhiên, GS. Thi cũng lưu ý, kỳ thi 2017, Bộ GD&ĐT dự kiến sử dụng ngân hàng đề thi chuẩn hóa do ĐH quốc gia Hà Nội xây dựng, đây là các câu hỏi được thiết kế để phục vụ kỳ thi đánh giá năng lực, trong đó có nhiều câu hỏi có tính chất tích hợp. Bởi vậy, khi sử dụng, Bộ cần cân nhắc xác định độ khó phù hợp với năng lực thực tế của đông đảo học sinh vẫn còn đang học theo chương trình, sách giáo khoa hiện hành theo lối truyền thụ kiến thức của từng môn học riêng biệt.

Nguyệt Hà - Chinhphu.vn (thực hiện)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất