Chủ Nhật, 6/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 12/5/2015 16:29'(GMT+7)

Nhà nước không thể từ chối giải quyết tranh chấp của dân

Phần thảo luận được thực hiện với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: TTXVN)

Phần thảo luận được thực hiện với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: TTXVN)

Phần thảo luận được thực hiện với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển nội dung thảo luận.

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, đa số ý kiến nhân dân đều đồng tình với dự thảo Bộ luật về trách nhiệm của tòa án nhân dân, cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền dân sự. Các ý kiến này cho rằng, đây là một trong các đột phá thể hiện giá trị nhân văn của việc sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này; góp phần thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ một cách kịp thời, triệt để hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, là một bước đi cụ thể trong việc triển khai thi hành Khoản 3 Điều 102 của Hiến pháp năm 2013, rằng “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; đồng thời góp phần thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không quy định vấn đề này, vì sẽ khó bảo đảm tính khả thi, tạo gánh nặng cho cơ quan xét xử. Cụ thể, theo Khoản 2, Điều 103 Hiến pháp thì “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Vậy, nếu pháp luật chưa có quy định mà vẫn xét xử thì sẽ không bảo đảm nguyên tắc này.

Loại ý kiến khác thì nhất trí về sự cần thiết của việc quy định vấn đề này để tôn trọng, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, nhưng ý kiến này lại cho rằng, quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự liên quan nhiều đến thẩm quyền, thủ tục tố tụng nên cần được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự thay vì quy định trong Bộ luật Dân sự.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay, Chính phủ nhất trí với đa số ý kiến nhân dân về vấn đề này. Chính phủ cho rằng, quyền được được yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình là một trong những nội dung cơ bản của quyền dân sự. Mặt khác, dự thảo Bộ luật lần này không chỉ quy định về trách nhiệm thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự đối với tòa án mà còn đối với cả các cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước như cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, xuất phát từ vị trí, vai trò của Bộ luật Dân sự là luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự thì quy định vấn đề này trong Bộ luật Dân sự là phù hợp.

Cần phân biệt “vụ” với “việc”

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do Chủ nhiệm Phan Trung Lý trình bày, Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định như trong dự thảo. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ việc áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự là thế nào, án lệ là để các tòa án nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xét xử hay có giá trị pháp luật bắt buộc thực hiện, nếu coi án lệ là căn cứ pháp luật để xét xử thì có phù hợp với quy định của Hiến pháp không? Ban Soạn thảo cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn trong Bộ luật Dân sự những điều luật quy định về tập quán, xác định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc tập hợp, hệ thống và phân loại rõ các tập quán để áp dụng. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng chưa quy định rõ việc áp dụng tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử, nếu chỉ quy định chung chung thì sẽ khó bảo đảm khách quan, công bằng cho tất cả các đương sự tham gia vào quá trình tố tụng.

Đa số ý kiến phát biểu của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với dự thảo, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Phát biểu với tư cách khách mời, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào cũng bày tỏ sự đồng tình như vậy. Tuy nhiên, ông cho rằng cần phân biệt những vụ có tranh chấp và những việc không có tranh chấp, tức là cần phân biệt “vụ” với “việc” để tránh sự thiếu khả thi và quá tải cho tòa án các cấp. Với những “việc” dân sự không có tranh chấp thì tòa án cần có quyền từ chối giải quyết nếu chưa có quy định của luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đồng tình với quan điểm về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết các vụ việc dân sự và cho rằng đó là quan điểm rất hay, rất nhân văn và phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai đề nghị cần cân nhắc quy định rõ thế nào là “lẽ công bằng” sẽ được áp dụng để giải quyết các vụ việc dân sự khi chưa có quy định của pháp luật, chưa có trường hợp tương tự pháp luật hay án lệ, tập quán. “Anh Cường (Bộ trưởng Hà Hùng Cường-PV) nói lẽ công bằng là theo trái tim, nhưng trái tim mình có lúc đúng, lúc sai”, cho nên “phải có cơ chế và nguyên tắc để chúng tôi hoàn toàn yên tâm về lẽ công bằng”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nói./.

Theo tổng kết của cơ quan soạn thảo dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), tính đến ngày 28-4-2015, qua 86 báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của các bộ, ngành, địa phương và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác thì đã có khoảng 7,5 triệu lượt người tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Chiến Thắng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất