Gần 90% công nhân di cư tại các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) đang thuê nhà trọ tạm bợ, khiến người lao động chưa thể an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Việc tìm giải pháp nhà ở cho công nhân lao động tại KCN -KCX đã được công nhân nêu ra tại nhiều diễn đàn đối thoại của người lao động với các cấp chính quyền.
Chật vật thuê trọ
Anh Lương Tiến Dũng, quê Thanh Hoá đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Châu Sơn (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) thuê phòng trọ gần chỗ làm từ 5 năm nay. “Cả hai vợ chồng thu nhập công nhân khoảng 15 triệu đồng. Với khoản tiết kiệm được 3 triệu – 4 triệu đồng mỗi tháng, tôi chỉ mong thuê hoặc mua được căn hộ chung cư cho công nhân để ổn định lâu dài”, anh Lương Tiến Dũng chia sẻ.
Còn chị Hoàng Thị Liên, quê Phú Thọ đang thuê một phòng trong dãy nhà trọ 20m2 tại thôn Thần Nữ, phường Bạch Thượng (Duy Tiên, Hà Nam), gần Khu công nghiệp Đồng Văn. Nhà lợp tôn nên mùa hè rất nóng. “Giá điện lại vừa tăng nên đầu tháng chủ nhà trọ vừa thông báo tăng giá điện khiến chi phí sinh hoạt lại tăng lên. Trước độc thân thì tranh thủ tăng ca nhưng cũng là để tránh nóng do ở công ty có điều hoà. Còn sau khi lập gia đình có con nhỏ nên dùng quạt thường xuyên. Tính ra chi phí tại khu đô thị đắt, tiền tích luỹ chỉ để được 2 triệu đến3 triệu đồng/tháng nên chưa nghĩ đến chuyện mua nhà. Sắp tới, hai vợ chồng đang tính gửi con về nhà ông bà nội ở Nghệ An", chị Hoàng Thị Liên chia sẻ.
Câu chuyện của anh Dũng, chị Liên là tình trạng chung của phần lớn các cặp vợ chồng công nhân lao động (CNLÐ) hiện nay. Họ quyết định ly nông và ly hương để tìm một công việc phù hợp tại khu công nghiệp. Dù họ đã cố gắng chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm hết sức có thể nhưng với khả năng tài chính còn hạn chế, mức phí sinh hoạt đắt đỏ tại các đô thị khiến hầu hết người lao động không đủ khả năng để mua nhà.
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Lam, quê Sơn La đang làm công nhân tại khu công nghiệp Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: "Khi lập gia đình, tôi cũng muốn vào thuê căn hộ trong nhà xã hội nhưng Ban quản lý thông báo không có nên thuê một căn phòng trong khu dân cư. Giá thuê khoảng nhà 2 triệu đồng, điện 4.000 đồng/kwh…. Với mức thu nhập không tăng ca chỉ được khoảng 6 triệu – 7 triệu đồng/tháng nên cuộc sống khó khăn. Chi phí sinh hoạt tăng và chưa ổn định về chỗ ở nên vợ chồng cũng có hướng làm một vài năm nữa rồi về quê".
Nhu cầu lớn
Về nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho rằng: "Mua nhà xã hội là nhu cầu của nhiều người, trong đó có công nhân. Riêng với nhóm lao động công nhân, nhất là với công nhân di cư làm việc tại các khu công nghiệp – khu chế xuất thì nhu cầu này rất lớn, điển hình như Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hà Nam...,. Đây là những nơi tỷ lệ lao động nhập cư lên đến hơn 60%. Trong khi đó, ngay cả công nhân tại địa phương có nhà ở cũng là ở với gia đình, còn từ thu nhập để mua nhà là rất khó.. Viện đã làm khảo sát tại 16 tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp trên cả nước và cho thấy, có tới 41% công nhân trong các doanh nghiệp mong muốn có nhà ở phù hợp, giá rẻ, gần nơi làm việc, đảm bảo sinh sống".
“Với thu nhập của công nhân di cư hiện nay, để mua được nhà ở là rất khó khăn, chỉ có số ít mua được nhà ở xã hội. Theo khảo sát thì có tới khoảng 90% công nhân di cư phải thuê trọ tại khu dân cư với điều kiện chật hẹp, ẩm thấp, không đảm bảo tái tạo sức lao động, sinh hoạt lâu dài”, ông Vũ Minh Tiến chia sẻ.
Còn Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam Lê Văn Nghĩa chia sẻ: “Khi làm đề án, đơn vị có làm khảo sát về điều kiện ăn ở, sinh hoạt của công nhân và cho thấy nhiều công nhân phải ở trọ trong khu dân cư với những căn phòng được xây dựng tạm bợ, diện tích nhỏ chỉ 10 - 20m2, không có công trình phụ khép kín, nơi ngủ nóng bức, ẩm thấp, ảnh hưởng sức khỏe. Do đó, từ năm 2017, Tổng LĐLĐ đã đề xuất Đề án thiết chế công đoàn trong đó có xây dựng các nhà ở xã hội cho công nhân hiện đang vướng về Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Tổng Liên đoàn lao động cũng đã có đề xuất để tháo gỡ khó khăn này, trong đó có việc giao cho Tổng Liên đoàn lao động xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Hiện có 35 tỉnh thành giới thiệu địa điểm rộng từ 3 ha đến 7 ha để xây dựng dựng khu nhà ở cho công nhân”.
“Nếu các vướng mắc về chính sách được tháo gỡ thì việc xây dựng hồ sơ dự án, thủ tục sẽ mất khoảng 2-3 năm và quá trình thi công xây dựng chỉ trong 1 năm là hoàn thành. Hiện nay, mới có Hà Nam xây dựng thí điểm khu nhà ở cho công nhân lao động với 244 căn và Tiền Giang mới xây dựng khu sinh hoạt văn hoá cộng đồng”, ông Lê Văn Nghĩa cho biết.
Ông Lê Văn Nghĩa cho biết thêm, việc xây dựng nhà ở cho công nhân hiện mỗi địa phương thực hiện theo cách khác nhau. Có nơi như Bình Dương giao cho doanh nghiệp thực hiện; Hà Nội giao cho Ban quản lý Khu công nghiệp – Khu chế xuất quản lý dự án, kêu gọi đầu tư, một số tỉnh giao cho công đoàn thực hiện theo đề án thiết chế công đoàn.
Khi tìm hiểu về xây dựng nhà xã hội cho công nhân, ông Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: "Hà Nội có tổng số gần 170.000 công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được khoảng 22.000 chỗ ở cho công nhân (chiếm gần 13%), chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động. Không có điều kiện ở tốt nhất, công nhân lao động phải thuê trọ trong những căn phòng chật chội, ẩm thấp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, khả năng tái tạo sức lao động cũng như sự cống hiến cho công việc".
Hà Nội đang có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN-KCX đã và đang được triển khai xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế khoảng 22.000 chỗ ở; bao gồm: Dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Đông Anh đáp ứng được khoảng 11.520 chỗ ở cho công nhân lao động tại KCN Thăng Long (đến nay, công nhân đã thuê 10.552 chỗ ở chiếm khoảng 92%).
Dự án khu nhà ở công nhân KCN Phú Nghĩa đã hoàn thiện tòa nhà B với tổng diện tích sàn là 4.822m2 tương ứng 106 phòng đáp ứng cho khoảng 800 lao động; Dự án Khu nhà ở công nhân Công ty Meiko đã xây dựng xong 2/3 đơn nguyên, đưa vào sử dụng là 330 căn hộ đáp ứng 2.290 chỗ ở, đạt tỷ lệ lấp đầy 69%; Dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH Young Fast đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng 49 căn hộ phục vụ cho nhu cầu nhà ở của chuyên gia và công nhân của Công ty. “Trong số này, thì dự án của Công ty Meiko và Công ty TNHH Young Fast là do doanh nghiệp xây dựng trong quỹ đất cấp cho doanh nghiệp và tự bỏ nguồn vốn ra đầu tư với mục đích hỗ trợ và giữ chân lao động”, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ
“Tại các cuộc đối thoại giữa công nhân và chính quyền địa phương, công nhân kiến nghị cùng với vấn đề là nhà là các chỗ học cho con người lao động, nơi khám chữa bệnh, nhu cầu giải trí. Nhu cầu lớn về nhà ở gắn với thiết chế công đoàn của công nhân là rất lớn nhưng đáp ứng chưa được là bao”, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Hà Nội phản ánh tại buổi đối thoại giữa công nhân và lãnh đạo Hà Nội mới đây.
Chưa mặn mà đầu tư xây nhà xã hội
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các KCN-KCX Hà Nội, khó khăn với các KCN-KCX trên địa bàn là quỹ đất, vốn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không mặn mà lắm với xây dựng nhà xã hội cho công nhân, nhất là các dự án có thời gian thu hồi vốn kéo dài từ 20 - 30 năm bởi lợi nhuận không cao.
“Gia đình hai vợ chồng công nhân phải nuôi hai đứa con, với mức thu nhập từ 6 – 9 triệu đồng/tháng thì theo tính toán của chúng tôi, ngay cả khi họ tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng cũng phải tích lũy bình quân từ 10 – 20 năm mới có thể mua được nhà, thậm chí có gia đình không bao giờ mua được nhà, bởi làm đến đâu tiêu hết đến đấy với mức thu nhập như hiện nay”, ông Vũ Minh Tiến chia sẻ.
“Nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân là rất lớn, nhưng vấn đề là sở hữu, thuê hay ở ghép, ở chung. Nhà ở gắn với chỗ ở, nơi sinh sống, chứ không phải là câu chuyện trong 10 – 12m2, mà cần gắn với tất cả các thiết chế, môi trường, các mối quan hệ cộng đồng dân cư, để người lao động sống và làm việc. Theo khảo sát của chúng tôi, đến 90% lao động là có nhu cầu thuê nhà cho thấy tư tưởng khi hết giai đoạn làm việc là người lao động có thiên hướng về quê. Đó là những vấn đề mà những nhà hoạch định chính sách nhà ở cho công nhân lao động di cư cần tính toán kỹ. Theo đó, địa điểm xây dựng nhà ở xã hội phải phù hợp với đặc điểm, lối sống của công nhân, và gần KCN-KCX, bởi rất ít công nhân di cư sẽ cư trú ở một địa bàn để đầu tư mua nhà, vì vậy nhu cầu thuê chỗ ở sẽ cao hơn”, ông Tiến chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, vấn đề căn cơ nhất với công nhân khi muốn mua nhà xã hội là vấn đề thu nhập. "Hiện nay thu nhập của người lao động tại các khu vực KCN không đủ sống, khiến người lao động phải tiết kiệm đủ thứ, trong khi chi phí quá lớn. Một tháng lương có 5 - 6 triệu, tăng ca thêm 2 đến 3 tiếng, hai vợ chồng công nhân cũng chỉ thu nhập tầm 13 triệu thì không có ai dám thuê nhà 3 triệu đồng. Do đó, căn cơ là cải thiện đời sống và thu nhập của công nhân song song với việc minh bạch quá trình xây dựng nhà ở cho công nhân từ chính sách quy hoạch, vốn, quá trình đầu tư và chính sách miễn giảm thuế.... đặc biệt là sự tham gia của chính doanh nghiệp sử dụng lao động", ông Tiến cho biết.
Xuân Minh/Báo Tin tức