Là một trong những nghệ sỹ tài hoa xuất chúng, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn đi vào lòng người hâm mộ với những mỹ từ sang trọng nhất như “Ông hoàng nhạc tình,” "nhạc sỹ của mùa Thu Hà Nội."
Là một trong những nghệ sỹ tài hoa xuất chúng, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn đi vào lòng người hâm mộ với những mỹ từ sang trọng nhất như “Ông hoàng nhạc tình,” "nhạc sỹ của mùa Thu Hà Nội."
Chỉ sáng tác khoảng 20 bài, song quá nửa trong số ấy, chỉ cần nhắc đến tên là những người yêu nhạc đã cảm thấy xao xuyến. Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn sinh vào ngày 15/6/1924, cách đây 95 năm.
"DÌU THẾ NHÂN DẦN VÀO CHỐN THIÊN THAI"
Hà Nội những ngày Thu sang, chợt nghe văng vẳng đâu đây những câu hát đẹp đến nao lòng của “ông hoàng nhạc tình” Đoàn Chuẩn, lòng người bỗng thấy nhẹ nhàng, xao xuyến, xốn xang, ngập tràn hoài niệm:
“Anh mong chờ mùa Thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh.
Anh mong chờ mùa Thu
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa Thu quyến rũ anh rồi…”
“Phải lòng” tiếng đàn guitar Hawaii, Đoàn Chuẩn mày mò tự học rồi viết nên những bản nhạc lay động biết bao thế hệ người nghe.
Được biết đến nhiều từ ca khúc "Tình nghệ sỹ" viết năm 1948, sự nghiệp âm nhạc của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn cơ bản dừng lại từ năm 1956, với 14 ca khúc: “Tình nghệ sỹ” (1948), “Lá thư” (1948), “Đường về Việt Bắc” (còn gọi là Tà áo tím) (1949), “Thu quyến rũ” (1950), “Chuyển bến” (1951), “Gửi gió cho mây ngàn bay” (1952), “Cánh hoa duyên kiếp” (1953), “Lá đổ muôn chiều” (1954), “Tà áo xanh hay Dang dở” (cuối 1954 đầu 1955), “Vĩnh biệt” (1955), “Chiếc lá cuối cùng” (1955), “Một gói nho khô, một cánh păng-sê” (1955), “Để có những chiều tắt nắng” (1955), “Gửi người em gái miền Nam” (Xuân 1956).
Sau này, vào thập niên 80, 90 (của thế kỷ XX), ông có sáng tác thêm một đôi bài, nhưng gần như chỉ gọi là "khởi động lại" đôi chút cho đỡ nhớ nghề. Dù sáng tác không nhiều nhưng Đoàn Chuẩn vẫn được mệnh danh là “nhạc sỹ của mùa Thu” trong nền tân nhạc Việt Nam.
Âm nhạc của Đoàn Chuẩn mang đậm nét lãng mạn, được thể hiện qua từng lời ca, ý nhạc, lồng trong những giai điệu mượt mà, đậm nét quý phái. Những giai điệu ấy được người nghệ sỹ tài hoa viết lên từ những rung cảm dạt dào, hồn nhiên và chân thật.
Chỉ cần chút lạnh của mùa Thu Hà Nội trong buổi sớm tinh sương hay một buổi chiều vàng hiu hắt, Đoàn Chuẩn đã đưa người nghe thả hồn chìm đắm: “Chiều nay sao dâng nhanh màu tím Và mây bay theo nhau về bến Thuyền cắm tay sào từ cuối thu Ngoài kia sông nước như đón chờ…”
Đa số những bản nhạc nổi tiếng của Đoàn Chuẩn đều là những tình khúc diễn tả sự nhớ thương, chia ly và cách trở trong tình yêu với bối cảnh mùa Thu miền Bắc. Nỗi buồn trong âm nhạc Đoàn Chuẩn tuy sâu lắng và day dứt nhưng không mang nặng nét bi lụy.
Con người, thiên nhiên với đồi núi bao la hay sông nước hữu tình đều khiến người nghe cảm nhận những rung động mãnh liệt trong tâm hồn người nhạc sỹ tài hoa. Và những nhạc phẩm về mùa Thu Hà Nội của “ông hoàng nhạc tình” Đoàn Chuẩn đã thực sự quyến rũ, khiến những người yêu nhạc của nhiều thế hệ đắm say.
Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn có một tình bạn đặc biệt với nhiếp ảnh gia Tạ Đình Thâu, hay còn gọi là Từ Linh. Vì muốn tôn vinh người bạn rất đỗi tri kỷ của mình, Đoàn Chuẩn đã ghi chung tên Từ Linh vào các ca khúc được công bố của mình.
Sau khi từ Linh mất (năm 1992), Đoàn Chuẩn vẫn tiếp tục ghi tên Từ Linh vào những ca khúc ông mới sáng tác.
Tuy không có một sự nghiệp đồ sộ, nhưng mỗi sáng tác âm nhạc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh đều trở thành những tuyệt phẩm có sức sống bền lâu. Đặc biệt, ca khúc nào của hai người cũng thấm đẫm hồn thu, mênh mang buồn, với những nét nhạc vô cùng quyến rũ, như thể mùa Thu luôn mang lại rung động mãnh liệt cho cặp nghệ sỹ lừng danh này.
Trong nhiều thập kỷ, các tình khúc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh đã lắng lại với bao giọng ca danh giá của âm nhạc Việt Nam, để rung ngân trong trái tim bao người yêu nhạc.
Đó là “Thu quyến rũ” gắn với giọng ca của tài tử Ngọc Bảo, “Tà áo xanh” với Lệ Thanh, “Lá thư” lan tỏa cùng giọng hát nghệ sỹ Nhân dân Lê Dung, “Thu quyến rũ” với Khánh Ly và ca sỹ Ánh Tuyết cũng làm bao người đắm đuối với “Bài ca bị xé”… nhạc sỹ Đoàn Chuẩn trút hơi thở cuối cùng vào ngày 15/11/2001, tại Hà Nội.
Ông ra đi để lại câu nói cuối cùng: "Rồi những người tình sẽ ra đi. Rồi nhạc sỹ sẽ ra đi. Chỉ còn tác phẩm ở lại."
NHỮNG TÌNH KHÚC THẤT LẠC TÌM VỀ
Những "đứa con tinh thần" của Đoàn Chuẩn luôn là một ẩn số cho người yêu nhạc. Người nhạc sỹ tài hoa này có thói quen gửi tặng tác phẩm của mình cho bạn bè, người thân, nên nhiều tình khúc của ông bị lưu lạc.
Tại chương trình giao lưu ca nhạc mang tên “Chiều nhớ,” kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Đoàn Chuẩn, diễn ra tại Hà Nội năm 2014, lần đầu tiên bản nhạc thất lạc “Thuở trâm cài” được gia đình nhạc sỹ công bố với khán giả.
Đây là bản nhạc ký với bút danh Việt Tử, được một người họ hàng của gia đình tìm lại. “Thuở trâm cài” là món quà Đoàn Chuẩn tặng cho cô học trò năm xưa tên là Bạch Liên.
Cô gái rất cảm kích và trân trọng, muốn giữ cho riêng mình nên đã chép ngược từ bản gốc vào sổ nhạc để người khác không đọc được. Và để đọc được, bài hát này phải soi gương. Bản nhạc này là tác phẩm duy nhất được Đoàn Chuẩn viết theo thể điệu Bolero, với nét buồn, day dứt lãng mạn, trên giai điệu của cây đàn ghitar Hawaii, một đặc trưng trong sáng tác của Đoàn Chuẩn.
Theo nhạc sỹ Đoàn Đính, “Thuở trâm cài” được sáng tác vào những năm 60 của thế kỷ trước, như một gạch nối giữa hai giai đoạn 1947-1956 và 1988-1989 trong sự nghiệp sáng tác của Đoàn Chuẩn.
Ca sỹ Quỳnh Hoa, người đầu tiên thể hiện “Thủa trâm cài”, tâm sự: “Nghe những nốt nhạc của ca khúc vang lên, đã thấy như thân quen lắm rồi, như những giai âm đó đã ngấm trong tâm hồn từ rất lâu. Điều này đủ thấy âm nhạc Đoàn Chuẩn kỳ diệu biết nhường nào..."
Mặc dù ở cuốn viết tay, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn chỉ ghi có 18 ca khúc, nhưng sau khi ông mất ít lâu, gia đình lại nhận được bản nhạc “Ánh trăng mùa Thu” do ca sỹ Nguyễn Ngọc Khôi mang tặng.
Bản nhạc được xuất bản ngày 13/3/1953, còn in cả nét chữ của Đoàn Chuẩn: “Viết ở Đống - Năm để kỷ niệm những ngày ở Khuốc, Thu 47.” Đây quả là một món quà vô giá, khi mọi người vẫn đinh ninh rằng “Tình nghệ sỹ” hay “Lá thư” được sáng tác năm 1948 là sáng tác đầu tay của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, nhưng với di cảo này đã chứng tỏ “Ánh trăng mùa Thu” mới chính là “đứa con đầu lòng” của họ.
Như vậy, đến nay, số lượng tác phẩm của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn đã lên con đến số 20 và rất có thể, chưa dừng lại.
Và mặc cho những biến động và xoay vần của thời gian những nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn vẫn còn nồng đượm mãi. Bằng những nốt nhạc phiêu linh, truyền cảm cùng ca từ tràn đầy lãng mạn, các nhạc phẩm của ông nhẹ nhàng bước vào đời sống âm nhạc Việt, đọng lại trong lòng người nghe những thanh âm trong trẻo. Chính những điều giản dị này đã khiến người hâm mộ biết bao thế hệ luôn say đắm./.
Hoàng Yến (TTXVN/Vietnam+)