Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 1/11/2020 11:7'(GMT+7)

Nhận biết các nguy cơ và phát hiện sớm ung thư vú

Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa. Bình thường, các tế bào tuyến vú được sinh ra và mất đi theo một chu trình đã được lập từ trước. Cơ chế này giúp số lượng tế bào tuyến vú được sinh ra với số lượng vừa đủ, cân bằng giữa số lượng tế bào sinh ra và tế bào chết đi.

Khi có các đột biến gen xảy ra, hội tụ đủ các điều kiện đặc biệt để vượt qua được hệ thống kiểm soát miễn dịch của cơ thể, tế bào tuyến vú sẽ được sinh ra liên tục, mất kiểm soát và tạo thành các khối u bao gồm rất nhiều tế bào không bình thường. Đó là các khối u ác tính tại vú, hay còn gọi là ung thư vú. Những tế bào này có khả năng xâm lấn vào mạch máu, mạch bạch huyết xung quanh và di chuyển đến những vùng xa vị trí khối u ban đầu, tạo ra các khối di căn.

Theo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cứ 8 phụ nữ thì có 1 người có khả năng mắc bệnh ung thư vú. Phụ nữ ở tất cả các độ tuổi, sắc tộc đều có thể mắc bệnh này.

8 YẾU TỐ GÂY NGUY CƠ MẮC BỆNH Ở NỮ GIỚI

Đặc biệt, nguy cơ mắc bệnh ở nữ giới có thể tăng cao do 8 yếu tố sau: 

- Tuổi tác: Phụ nữ càng lớn tuổi, nguy cơ bị bệnh càng cao. Phụ nữ ở tất cả các độ tuổi, sắc tộc đều có thể mắc phải ung thư vú. Tuy nhiên, từ giai đoạn bước sang tuổi 30, chị em đối mặt với nguy cơ ung thư vú cao hơn nhiều.

- Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người mẹ bị ung thư vú, thì con gái và cháu gái thường có nguy cơ ung thư vú cao hơn.

- Những người có đột biến gen di truyền BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ mắc ung thư vú. Ước tính có khoảng 5 – 10% ca ung thư vú có liên quan đến đột biến gen và mang tính di truyền.

- Những người bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn.

- Người sinh con lần đầu khi đã lớn tuổi hoặc không sinh con.

- Người dùng các loại hormone kết hợp như estrogen và progestin để điều trị các triệu chứng mãn kinh.

- Người có tiền sử ung thư biểu mô tuyến vú hoặc tiểu thùy tuyến vú.

- Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú như: Béo phì, uống thức uống có cồn như rượu bia, hay từng chụp nhũ ảnh…

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, ung thư vú đang cướp đi mạng sống của nhiều phụ nữ nhưng lại có thể điều trị tốt khi được phát hiện sớm. Vì vậy người dân cần chủ động kiểm tra, phát hiện trước khi quá muộn. Đặc biệt, những người có các yếu tố nguy cơ cần đi khám thường xuyên để sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị.

 TỰ KIỂM TRA VÀ PHÁT HIỆN SỚM UNG THƯ

Chuyên gia khuyến cáo, từ 20 tuổi, phụ nữ nên tự kiểm tra vú định kỳ mỗi tháng/lần, tốt nhất là sau khi hết kinh 5 ngày. Đây là thời điểm vú mềm nhất. Bạn có thể tự kiểm tra vú tại nhà với 3 bước như sau:

Bước 1: Cởi áo phần trên thắt lưng, để hai tay xuôi theo người, đứng trước gương để quan sát: hai bên vú có đối xứng không, da vùng ngực có bị nhăn nheo, sần sùi hay thay đổi màu sắc không, núm vú có bị lõm xuống, tiết dịch bất thường không?

Bước 2: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ vê nhẹ đầu vú. Ấn nhẹ đầu vú xem có phát hiện khối u không. Bóp nhẹ núm vú xem có dịch tiết bất thường chảy ra không.

Bước 3: Dùng 4 ngón tay nhẹ nhàng kiểm tra toàn bộ vùng vú theo hướng xoắn ốc, xoa theo chiều kim đồng hồ, từ núm vú ra bên ngoài hoặc từ khoang vú bên ngoài xoa vào núm vú, xoa cả hai bên sườn gần nách. Dùng phần mềm ở đầu ngón tay để ấn nhẹ, miết trên vùng da vú xem có u, hạch bất thường không.

Tóm lại, khi phát hiện các u cục, sưng đau, biến đổi màu sắc da, chảy dịch... bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được khám và tư vấn cụ thể hơn. Phụ nữ trên 35 tuổi, người có những dấu hiệu bất thường ở tuyến vú, phụ nữ chưa từng sinh con... cần phải đi khám vú và chụp, siêu âm vú định kỳ 6 tháng/lần.

 Lan Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất