Đề cập
hoạt động xuất bản, tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta nêu rõ định hướng:
“Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất
lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình
truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các
sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn
định chính trị-xã hội, thuần phong mỹ tục”.
Thực tế cho thấy,
bên cạnh những thành tựu đã đạt được thời gian qua, ngành xuất bản đồng
thời phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt các đối
tượng chống phá cực đoan, phản động, thiếu thiện chí coi đây là một “mặt
trận chiến lược” trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng để tấn công bằng
nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Như việc núp dưới danh nghĩa “tự do
ngôn luận” một số hội, nhóm tổ chức in ấn, phát hành trái phép những
cuốn sách được rêu rao là “bảo vệ dân chủ, nhân quyền, khai dân trí”
nhưng thực chất là chống phá Đảng, gây bất ổn xã hội hòng lật đổ chế độ.
Tiêu biểu có thể kể đến cái gọi là “nhà xuất bản tự do”.
Tháng
2/2019, dù không được sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền nhưng “nhà
xuất bản tự do” đã ra đời, hoạt động bất chấp các quy định của pháp
luật. Thông báo mới đây trên trang facebook của tổ chức này cho biết
tính đến tháng 8/2022 đã xuất bản 29 đầu sách giấy và e-book với nhiều
thể loại và dòng sách khác nhau.
Tổ chức này cũng không hề che
giấu mục đích hoạt động của mình khi xuất bản phẩm được chia thành các
nhóm chủ đề như: dòng sách đấu tranh, dòng sách chính trị, dòng sách
chính sách, dòng sách tố cáo tội ác của nhà cầm quyền; hồi ký - ký. Nội
dung các cuốn sách được “nhà xuất bản tự do” đứng ra in ấn, phát hành
tiêu biểu như các cuốn “Cách làm Kách Mệnh”, “Phản kháng phi bạo lực”,
“Chính trị bình dân”, “Bầu cử tự do và công bằng”, “Giải trình hiến pháp
Việt Nam dân chủ 2021”, “Nhật ký một thằng hèn”,… đều có nội dung xuyên
tạc, chống đối Đảng và Nhà nước, kích động, lôi kéo người dân tham gia
biểu tình, chống phá chế độ. Sự xuất hiện những cuốn sách này trên thị
trường không chỉ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất bản lành mạnh mà
còn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chính trị, xã hội tại Việt Nam.
Chưa
dừng lại ở đó, các cá nhân tham gia hoạt động bất hợp pháp của “nhà
xuất bản tự do” với tư cách “tác giả”, “đại diện nhà xuất bản” thường
xuyên đăng tải thông tin bôi nhọ Đảng, Nhà nước, vu cáo Việt Nam vi phạm
“dân chủ, nhân quyền”; móc nối, tạo dựng lực lượng chống đối; kêu gọi
Việt Nam phát triển xã hội dân sự theo tiêu chí phương Tây; tìm kiếm sự
hậu thuẫn của chính giới nước ngoài can thiệp vào nội bộ của Việt Nam;…
gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hoạt động bất chấp pháp luật của “nhà xuất bản tự do” cho thấy sự ngông
cuồng của một hội nhóm có tham vọng dựng lên một đơn vị xuất bản ngoài
lề để đối trọng với các nhà xuất bản chính thống, từ đó rắp tâm thực
hiện những âm mưu đen tối.
Hoạt động của cái gọi là “nhà xuất
bản tự do” chỉ là một trong nhiều sự việc tiêu cực nổi cộm gần đây, phần
nào cho thấy những diễn biến phức tạp, khó lường trong lĩnh vực xuất
bản. Đáng lo ngại là một số đối tượng lợi dụng công nghệ in ấn cũng như
ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng hiện đại để tổ chức in ấn và phát
tán các xuất bản phẩm có nội dung chưa được kiểm duyệt tới cộng đồng
qua nhiều kênh khác nhau.
Trong số đó, không ít cuốn sách mang
danh nghĩa hồi ký, tự truyện nhưng được viết từ những ẩn ức, bất mãn,
hận thù cá nhân, để rồi người viết mặc sức đưa ra những nhận định, đánh
giá phiến diện, thù địch, ác ý, xuyên tạc lịch sử, hạ bệ thần tượng, phủ
nhận thành quả cách mạng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam, gây chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Đáng buồn là
tham gia vào dòng sách “bên lề” đó có một số văn nghệ sĩ nổi tiếng,
những người từng có vị trí cao trong cơ quan nhà nước, có tầm ảnh hưởng
trong xã hội. Chính vì vậy, nhiều độc giả nhẹ dạ, thiếu hiểu biết đã vội
vã tìm đọc, vô tình cổ súy những tác phẩm có nội dung độc hại.
Thời
gian gần đây, các đối tượng xấu còn triệt để lợi dụng việc xuất bản ở
nước ngoài để hợp thức hóa những xuất bản phẩm có nội dung phản động rồi
mang trở lại Việt Nam. Cùng với đó, một số đối tượng lợi dụng kẽ hở
trong hoạt động xuất bản, nhất là hình thức sách xã hội hóa, sách liên
kết xuất bản, tuồn những tác phẩm có nội dung xấu độc hòng qua mắt các
biên tập viên, qua mắt cơ quan quản lý nhà nước để được cấp phép và in
ấn theo con đường chính thống, rồi từ đây len lỏi xâm nhập vào hệ thống
phát hành trên cả nước. “Nội công, ngoại kích”, các ấn phẩm ngoài luồng,
độc hại xâm nhập đời sống xã hội đã và đang gây ra những hệ lụy khó
lường.
Ngay sau khi phát hiện những xuất bản phẩm có nội dung
phản cảm, xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, vu cáo chế độ,… các cơ
quan chức năng đã tiến hành thu hồi. Tuy nhiên, nhiều cuốn đã kịp bán
hết trước khi lệnh thu hồi được phát ra, cũng như nhiều người đã kịp tìm
đọc trước khi sách bị ngưng phát hành.
Thực
tế có những cuốn sách chỉ cần đọc qua vài trang đã có thể nhận thấy rõ
nội dung không phù hợp để được cấp phép nhưng rốt cuộc chúng vẫn được in
ấn, xuất bản công khai. Tại sao lại có tình trạng “con voi chui lọt lỗ
kim” trong hoạt động xuất bản như vậy? Dư luận đặt câu hỏi về việc có
hay không sự vô trách nhiệm, chủ quan dẫn đến để trống “trận địa” của
một số nhà xuất bản trong việc thực hiện chức trách “gác cửa”, cấp phép
đầu ra cho các xuất bản phẩm? Vì nếu làm chặt chẽ từ bước tiếp nhận bản
thảo, biên tập, trình duyệt lãnh đạo cho đến bước cấp phép cuối cùng,
những cuốn sách có nội dung sai phạm, độc hại sẽ khó lòng đi qua trót
lọt.
Những diễn biến phức tạp trong lĩnh vực xuất bản thời gian
qua cho thấy đây là một mặt trận rất nóng bỏng, cần được các cấp, ngành
quan tâm, có sự phối kết hợp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian
tới.
Ngành
xuất bản có vai trò hết sức quan trọng trên mặt trận tư tưởng, lý luận
của Đảng và “là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng. Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành xuất bản suốt 70 năm
hình thành và phát triển. Đặc biệt những năm gần đây, để góp phần cung
cấp kịp thời thông tin chính thống đến người dân, góp phần định hướng dư
luận, phản bác những thông tin bịa đặt, sai sự thật, ngành xuất bản đã
chú trọng in và phát hành nhiều văn bản, tài liệu tuyên truyền phổ biến
quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
thành tựu của Việt Nam trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là bảo đảm và thực
thi quyền con người dưới hình thức in truyền thống và ấn bản điện tử.
Dự
báo thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến
phức tạp, khó lường, xu hướng toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
Cũng như nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác, xuất bản sẽ tiếp tục phải đối
mặt với nhiều thách thức, khó khăn, cũng như phải đối mặt với nhiều âm
mưu, thủ đoạn chống phá từ các thế lực thù địch, cực đoan, thiếu thiện
chí, nhất là việc phát tán ấn phẩm, tài liệu phản động với nhiều thủ
đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.
Chính vì vậy, công tác
xuất bản, phát hành ấn phẩm tài liệu tuyên truyền cần nâng cao về số
lượng và chất lượng, cũng như hình thức in ấn cần phù hợp với đối tượng
tiếp nhận để hiệu quả tuyên truyền đạt được kết quả tốt nhất. Các xuất
bản phẩm cần kịp thời đến tay người dân, nhất là người dân ở khu vực
miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, hoạt động của các đơn vị xuất
bản cần được kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên, tăng
cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản để
thích ứng kịp thời xu hướng phát triển của thế giới và khu vực, đáp ứng
nhu cầu ngày càng cao của công chúng.
“Mỗi nhà xuất bản phải là
bộ lọc để chọn được những tác phẩm có giá trị đích thực, dũng cảm từ
chối những bản thảo tầm thường, vô bổ, không phù hợp với truyền thống
văn hóa tốt đẹp của dân tộc” như chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Võ
Văn Thưởng tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản, in và
phát hành sách Việt Nam.
Để phát hiện, xử lý kịp thời các xuất
bản phẩm in trái pháp luật, từ bên ngoài xâm nhập vào trong nước rất cần
có phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng
có liên quan như: Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền
thông), Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Cục Xuất nhập cảnh
(Bộ Công an)…
Cần chủ động dự báo, nắm bắt tình hình, phát
hiện, ngăn chặn kịp thời các hội, nhóm, cá nhân thường có hoạt động xuất
bản, phát tán các ấn phẩm, tài liệu chống phá đất nước; tích cực tuyên
truyền, vận động người dân không tìm đọc hoặc tiếp tay cho những xuất
bản phẩm chưa được cấp phép bởi đơn vị chức năng có thẩm quyền; kịp thời
phản ánh tới cơ quan chức năng về những ấn phẩm, tài liệu có nội dung
vi phạm Điều 10, Luật Xuất bản 2012 về những nội dung và hành vi bị cấm
trong hoạt động xuất bản.
Mỗi độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ,
cần phải tự hình thành “bộ lọc” tốt để lựa chọn cho mình những xuất bản
phẩm có nội dung tích cực, bổ ích, từ chối những sản phẩm có nội dung
độc hại, ngoài luồng. Đó cũng là cách thiết thực để góp phần giúp ngành
xuất bản đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của độc giả, trở thành
một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa, tác động tích cực vào
nhận thức xã hội, góp phần tạo lập sức mạnh quốc gia./.
THÀNH NAM (nhandan.vn)