Lãnh đạo bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên là một trong những
phương thức lãnh đạo rất hiệu quả của Đảng ta. Đặc biệt, trên lĩnh vực
tư tưởng, đạo đức thì sức mạnh nêu gương của người đứng đầu sẽ lan tỏa
nhanh chóng, sâu rộng; có sức thuyết phục, cảm hóa sâu sắc đối với cấp
dưới và quần chúng.
Ngày 15/8, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị sơ kết và tôn vinh điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong số hơn 200 tập thể, cá nhân được tuyên dương dịp này, điều đáng mừng là có nhiều cán bộ chủ trì, chủ chốt các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Đây là sự ghi nhận, đánh giá và lựa chọn đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong thực hiện CVĐ theo phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực noi theo”.
Lãnh đạo bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên là một trong những phương thức lãnh đạo rất hiệu quả của Đảng ta. Đặc biệt, trên lĩnh vực tư tưởng, đạo đức thì sức mạnh nêu gương của người đứng đầu sẽ lan tỏa nhanh chóng, sâu rộng; có sức thuyết phục, cảm hóa sâu sắc đối với cấp dưới và quần chúng. Nói cách khác, chính sự nêu gương của cán bộ chủ trì là nhân tố nhân lên nhiều việc làm hay, con người tốt trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Thực tiễn minh chứng, thông qua CVĐ, nhờ phát huy tốt vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp đã tạo động lực cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, gian khổ, tự giác, sáng tạo, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tinh thần đoàn kết, gắn bó, thương yêu đồng chí, đồng đội thêm keo sơn; chất lượng hoàn thành nhiệm vụ được nâng cao; xứng đáng là đội quân chiến đấu, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thực hiện CVĐ là rèn luyện đạo đức cách mạng rất khác so với các phong
trào thi đua nói chung, thi đua quyết thắng nói riêng. Theo đó, trong
rèn luyện đạo đức thì việc nêu gương là giải pháp hàng đầu; đồng thời,
muốn nêu gương đạo đức hiệu quả, tạo sức lan tỏa thì bắt buộc phải vận
hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Do đó, ghi nhận, tôn vinh
những tấm gương điển hình là cán bộ chủ trì, chủ chốt có ý nghĩa rất
lớn, được ví như thắp lên những ngọn đèn pha dẫn đường, soi rọi cho cao
trào hành động của quần chúng trong thực hành gìn giữ, phát huy phẩm
chất Bộ đội Cụ Hồ, học tập và làm theo gương Bác.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống còn
có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “Quần chúng chỉ quý
mến những người có tư cách, đạo đức”... Do vậy, để CVĐ tiếp tục lan tỏa
sâu rộng, trước hết, cấp ủy đảng các cấp phải làm tốt công tác tuyên
truyền về các điển hình là cán bộ chủ trì, chủ chốt để qua đó, từng
người học tập, noi theo.
Mỗi cấp ủy, đơn vị phải có kế hoạch xây dựng
điển hình CVĐ, đánh giá, lựa chọn đúng cán bộ để mỗi người không chỉ đáp
ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ, mà còn thể hiện tốt vai trò nêu gương,
lấy đó làm tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cán bộ.
Bên cạnh
đó, mỗi cơ quan, đơn vị cần tạo môi trường khuyến khích, động viên cán
bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp phấn đấu trở thành những ngọn đuốc
dẫn đường, tiêu biểu về đạo đức, lối sống, tinh thần, trách nhiệm trong
thực hiện nhiệm vụ để cấp dưới và quần chúng học tập, noi theo.
Trong bình bầu, lựa chọn điển hình, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc
tập trung dân chủ, lựa chọn những đồng chí cán bộ chủ trì, chủ chốt thực
sự xứng đáng. Mặt khác, mỗi tổ chức đảng phải có trách nhiệm thường
xuyên bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho cán bộ chủ trì.
Trên tinh thần
đó, từng cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì phải xác định cho mình động cơ
đúng đắn, cụ thể hóa các nội dung thực hiện CVĐ theo chức trách, nhiệm
vụ; không ngừng tu dưỡng, học tập, gương mẫu trong công tác, sinh hoạt
hằng ngày, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; trở thành tấm
gương tiêu biểu, có sức thuyết phục, lan tỏa thực sự trong cuộc sống và
công tác./.
Lê Duy Thành (qdnd.vn)