Đó là hàng hóa giả về chất lượng và công dụng; giả mạo nhãn hiệu và bao
bì; giả mạo về sở hữu trí tuệ và cuối cùng là sử dụng các loại tem,
nhãn, bao bì giả. Thông thường thì hàng giả có thể mang trong nó một hay
nhiều dấu hiệu như trên và cũng rất đa dạng. Có thể là các loại hàng
giả liên quan đến thuốc chữa bệnh (kể cả bệnh hiểm nghèo như ung
thư...), chăm sóc sức khỏe; các loại thực phẩm chức năng, đồ ăn, thức
uống; hàng mỹ phẩm, làm đẹp... Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dùng
trong nông nghiệp cũng có thể bị làm giả.
Không nói nhiều nhưng ai cũng hiểu được hệ lụy và tác hại không nhỏ của
hàng giả. Trước hết, nó đánh thẳng vào các doanh nghiệp làm ăn chân
chính khi hàng giả mang thương hiệu của họ được bán ra thị trường với
giá cả hết sức linh hoạt. Chất lượng hàng giả kém làm mất lòng tin của
người mua vào các doanh nghiệp thật. Thực trạng "vàng thau lẫn lộn" này
chỉ có lợi cho kẻ làm ăn phi pháp và mặc nhiên các doanh nghiệp đàng
hoàng chịu thiệt đơn thiệt kép. Hàng giả có mặt từ quê đến phố, từ miền
biển lên vùng cao, từ Bắc vào Nam. Ai dám bảo trong gánh hàng rong này
đến sạp quầy kia không có hàng giả, hàng nhái. Đến siêu thị lộng lẫy
sáng choang còn bị nghi ngờ, nói gì đến chợ búa xô bồ hỗn tạp.
Có lẽ chịu thiệt thòi nhất là người tiêu dùng. Xót xa làm sao khi biết
mình bị lừa, bỏ ra nhiều tiền mà mua phải đồ chất lượng kém. Hàng giả
liên quan đến việc chữa bệnh, làm đẹp, ăn uống còn gây hậu quả khôn
lường đối với sức khỏe, nhan sắc con người. Đến thuốc chữa trị ung thư
mà có kẻ còn làm giả, thật vô lương tâm quá chừng. Những kẻ làm và buôn
bán hàng giả không biết rằng họ vừa vi phạm pháp luật, vừa độc ác khi
hãm hại đồng bào mình. Có khác gì sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ
túi. Hàng giả dùng trong nông nghiệp có khi giết chết một vụ mùa, một
cánh đồng. Sau những dãi nắng dầm mưa, người nông dân có thể bị trắng
tay, đau xót nào bằng.
Đã đến lúc cần "tuyên chiến", thậm chí "sống còn" với những kẻ làm,
buôn bán hàng giả. Nhà nước ta cần có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc
những ai sản xuất, buôn bán hàng giả. Với những kẻ làm hàng giả ảnh
hưởng trầm trọng đến sức khỏe con người, nên nâng hình thức xử phạt ở
mức cao nhất. Nên coi sản xuất và buôn bán hàng giả là tội ác chứ không
chỉ liên quan đến phá hoại kinh tế quốc gia và xâm phạm bản quyền sở hữu
trí tuệ. Cần quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về tiêu
chuẩn chất lượng và an toàn sản phẩm theo quy định của Nhà nước. Với các
tổ chức hay cá nhân bao che cho kẻ làm hàng giả cũng cần xử lý thật
nghiêm khắc. Các doanh nghiệp rất cần có những biện pháp chống lại việc
hàng hóa của mình bị làm giả, làm nhái như sử dụng tem chống hàng giả,
tìm đối tác kinh doanh tin cậy, truyền thông thường xuyên về sản phẩm...
Người tiêu dùng nên cẩn trọng trong mua sắm. Chớ vì ham rẻ mà mua phải
đồ rởm. Nên chọn những hàng hóa có thương hiệu rõ ràng và mua ở các cơ
sở kinh doanh tin cậy; hết sức cảnh giác với hàng trôi nổi không rõ xuất
xứ hay được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Người tiêu dùng cũng
nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về một số hàng hóa thiết
yếu để hạn chế việc bị gạt lừa.
Chống làm, buôn bán hàng giả là công việc thường xuyên, lâu dài của Nhà
nước, doanh nghiệp và nhân dân. Nên tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ
giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trong công cuộc chống hàng giả.
Một nền kinh tế khỏe khoắn, lành mạnh, trong sạch đương nhiên phải thanh
toán được nạn làm, buôn bán hàng giả. Hàng giả nhưng nỗi lo là thật. Đã
đến lúc không thể xem nhẹ hàng giả được nữa rồi. Hãy cùng nhau, chung
tay chống hàng giả!./.
Nguyễn Hữu Quý (qdnd.vn)