Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 26/6/2018 15:20'(GMT+7)

Nhân lên truyền thống hiếu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Ảnh minh họa: TTXVN)


Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với sự phát triển của hệ thống giáo dục phổ thông, đến nay đã có 4 trung tâm đại học khu vực: Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; hệ thống trường đào tạo nghề, trường cao đẳng được củng cố, phát triển ở cả 4 khu vực. Cả nước có hơn 13.000 người DTTS có trình độ từ cao đẳng trở lên; hơn 78.000 người có trình độ trung học chuyên nghiệp... Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước, khoảng cách chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc vùng đồng bào DTTS còn khá cao, do vậy, công tác phát triển giáo dục còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ trong đồng bào DTTS còn khá cao.

Để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục ở vùng DTTS hiện nay, các cấp, các ngành, các địa phương cần triển khai đồng bộ giữa chính sách của Đảng và Nhà nước với hoạt động của ngành giáo dục và sự đóng góp của toàn xã hội cho sự nghiệp giáo dục ở vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, phải tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên là người DTTS có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Bên cạnh việc coi trọng công tác đào tạo, cần có chính sách đãi ngộ, sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục một cách hợp lý để họ yên tâm với nghề, gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Mặt khác, cũng cần phải có chính sách đặc thù ưu tiên con em đồng bào DTTS vào các trường cao đẳng, đại học để tạo nguồn nhân lực kế cận, lâu dài. Đối với những trường hợp sau khi tốt nghiệp THPT, nếu không thi được vào các trường cao đẳng, đại học thì bố trí đào tạo nghề và giải quyết việc làm ổn định để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Trong những năm qua, trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm thành lập nhiều mô hình trường học dành cho con em đồng bào DTTS, như: Trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú... Hệ thống giáo dục từ mầm non đến THPT được củng cố và phát triển, đáp ứng bước đầu nhu cầu học tập của con em đồng bào các DTTS. Và những người trực tiếp đi “truyền lửa”, nhân lên truyền thống hiếu học ở vùng đồng bào DTTS chính là những thầy giáo, cô giáo sẵn sàng chấp nhận khó khăn, biết vượt lên chính mình. Tại Lễ kỷ niệm 10 năm phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) tổ chức, khán giả cả nước đã rất xúc động bởi câu chuyện về 3 cô giáo Nông Thị Dương, Lý Thị Kiều, Nguyễn Thị Nhung vượt qua những hoàn cảnh, khó khăn riêng, với tình yêu nghề, yêu trẻ, các cô đã nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gieo những mầm xanh hy vọng, niềm tin tương lai trên đỉnh núi Lùng Cúng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) ở độ cao gần 3.000m. Cả 3 cô giáo đều có những khó khăn riêng, trong đó, cô Nguyễn Thị Nhung, kinh tế gia đình còn hạn chế, trường học cách xa nhà, con lại bị bệnh tim bẩm sinh… Mặc dù vậy, 3 cô vẫn vượt qua tất cả để yêu trường, yêu lớp, yêu học sinh, lo tròn nhiệm vụ của người giáo viên.

Tại huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam), có những cô giáo chấp nhận khó khăn, thiếu thốn và thậm chí hy sinh cả tuổi thanh xuân để mang cái chữ đến cho con em đồng bào dân tộc Cơ Tu. Với tấm lòng nhân ái, các thầy giáo, cô giáo tự nguyện trích những đồng lương ít ỏi của mình mua quà tặng học sinh nghèo… Những món quà ý nghĩa ấy góp phần thắp sáng tình thầy trò trên vùng quê căn cứ cách mạng... Có thể nói, chính những thầy giáo, cô giáo ngày đêm vượt khó, miệt mài “cắm bản” đã góp phần nhân lên truyền thống hiếu học ở vùng đồng bào DTTS. /.

Phan Tiến Dũng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất