Thứ Sáu, 18/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 18/6/2018 9:33'(GMT+7)

Tăng giám sát để chống gian lận

Gian lận ngày càng tinh vi

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay diễn ra  trong 3 ngày 25 - 27.6. Theo Chánh thanh tra Bộ GD - ĐT Nguyễn Huy Bằng, gian lận thi cử năm nào cũng xảy ra. Đây là tình trạng chung tại nhiều nước, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Vi phạm thường diễn ra dưới những hình thức như trực tiếp giải bài hoặc hướng dẫn làm bài, lấy bài thí sinh này đưa cho thí sinh khác, trao đổi bài, chép bài của thí sinh khác, mang vật dụng vào phòng thi, đưa đề ra ngoài, thi hộ thi kèm, chấm thi không đúng…

Nhiều năm nay, thanh tra Bộ GD - ĐT phát hiện thí sinh mang các thiết bị công nghệ cao vào phòng thi bằng nhiều cách ngụy trang. Có thí sinh chuẩn bị máy tính cầm tay có gắn thiết bị camera và có thể phát truyền thông tin. “Năm ngoái ở Quảng Nam, thanh tra Bộ GD - ĐT đã phát hiện ra thiết bị như vậy. Có trường hợp dùng tai nghe không dây như hạt đậu, phải dùng nam châm mới hút ra được”, ông Bằng cho biết.
 

 

Năm 2018, cả nước có 925.792 thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia, tăng gần 60.000 so với năm trước. Trong đó, 642.379 thí sinh đăng ký để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các đại học, cao đẳng. Do đó, mỗi giám thị tham gia kỳ thi THPT Quốc gia không chỉ làm tốt công tác coi thi, mà còn cần có nghiệp vụ, kỹ năng để phát hiện việc thí sinh sử dụng các hình thức gian lận thi cử, đặc biệt các thiết bị gian lận công nghệ cao.

Giám sát cả… giám thị

Tại buổi trao đổi thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2018 ngày 16.6, Chánh thanh tra Bộ GD - ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, hơn 4.000 cán bộ giám thị sẽ cắm chốt ở tất cả 2.144 điểm thi trên cả nước. Để kỳ thi nghiêm túc thì phải nghiêm túc từ trong phòng thi ra đến ngoài cổng trường và vai trò của giám thị vô cùng quan trọng. Cụ thể, giám thị có trách nhiệm quán triệt, giám sát thí sinh khi vào phòng, không để các em mang thiết bị không được phép vào phòng thi (dù cố tình hoặc vô ý). Bên cạnh đó, lực lượng giám sát cũng được điều động phục vụ kỳ thi. Quy chế quy định 7 phòng thi thì có tối thiểu một giám sát. Nếu phòng thi cách xa nhau, số phòng thi do một giám sát phụ trách có thể giảm. Những người này không coi thi mà giám sát… giám thị, khi phát hiện hành vi lệch lạc sẽ nhắc nhở ngay, trường hợp cần thiết có thể kiến nghị đổi giám thị.

Bên cạnh thanh tra cắm chốt, Sở GD - ĐT thành lập các đoàn thanh tra lưu động. Ở các khu vực khó khăn hoặc nơi nào phát sinh vấn đề, thanh tra lưu động sẵn sàng đến hỗ trợ thanh tra cắm chốt. Đồng thời Bộ GD - ĐT quy định mỗi Sở GD - ĐT phải thành lập các đường dây nóng, tiếp nhận thông tin phản ánh về kỳ thi để kịp thời xử lý. Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết thêm, xác định thanh tra là hoạt động quan trọng, Bộ GD - ĐT đã  tổ chức tập huấn cho 63 Sở GD - ĐT, thành lập các đoàn thanh tra cả 3 khâu: Chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi. Về chấm thi, Bộ GD - ĐT cũng cử về mỗi hội đồng chấm thi 2 cán bộ thanh tra để giám sát liên tục từ khi làm phách đến khi chấm thi. 2 cán bộ thanh tra này được trưng tập từ các trường đại học. Như vậy việc “cài số” công tác thanh tra, kiểm tra đã được triển khai đồng bộ.

Theo quy định mỗi phòng thi có 24 thí sinh, hai giám thị. Chánh thanh tra Bộ GD - ĐT cho rằng, nếu tập trung, giám thị sẽ phát hiện ngay những hành vi bất thường của thí sinh. “Người sử dụng thiết bị gian lận sẽ có dấu hiệu bất thường như đưa máy tính lên cao hơn bình thường, truyền đề qua tai nghe, micro nhỏ. Do đó, giám thị quan sát kỹ sẽ phát hiện ra ngay”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Bằng lưu ý giám thị làm việc tập trung, nghiêm túc nhưng phải nhẹ nhàng, thoải mái với thí sinh, tránh tạo áp lực. Khi có trường hợp gian lận xảy ra, cán bộ coi thi không làm ồn ào, gây ảnh hưởng thí sinh khác. /.

Theo daibieunhandan.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất