Vụ năm nay, nhãn Hưng Yên được mùa lớn nhưng không bị mất giá. Bà con
trồng nhãn phấn khởi cho biết, từ đầu vụ đến nay, thị trường tiêu thụ
nhãn diễn ra khá sôi động, nên dù còn hơn 2 tuần nữa mới kết thúc vụ thu
hoạch, nhưng các vùng nhãn đã tiêu thụ được hơn 80% sản lượng quả tươi
với giá ổn định.
TRẢI RỘNG THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng, với phương
châm "không để một cân nhãn nào bị ế hoặc bán giá rẻ," ngay từ đầu vụ
tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như Lễ hội nhãn lồng, Phiên chợ nhãn tại
khu đô thị Ecopark, Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội...
Cùng với đó là lồng ghép các hình thức xúc tiến thương mại, kết nối tiêu
thụ, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp,
thương nhân trong và ngoài nước đến ký kết sản xuất, chế biến và hợp
đồng thu mua nhãn và các nông sản của Hưng Yên.
Nhãn Hưng Yên được tiêu thụ qua các kênh truyền thống của thị trường
trong nước, gồm các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị phân
phối như Coopmart, Big C, Fivi mart, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội -
Công ty cổ phần Hapro; Công ty xuất nhập khẩu An Việt, Công ty
Vinenco...
Riêng siêu thị Big C Hà Nội cam kết tiêu thụ lượng nhãn gấp từ 7-10 lần
năm trước bằng cách đưa sản phẩm nhãn vào toàn hệ thống trên phạm vi cả
nước với giá trung bình 32.000 đồng/kg, nhãn lồng Hưng Yên được cam kết
bảo đảm về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo uy tín
với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, các hệ
thống bán lẻ trong hệ thống gồm Co.opmart, Co.op Xtra, Co.op Food thực
hiện bao tiêu 100 tấn nhãn Hưng Yên. Sản phẩm này được đưa vào danh sách
các mặt hàng trong Lễ hội trái cây của chương trình Tự hào hàng Việt,
nhằm quảng bá mạnh mẽ sản vật nổi tiếng của đất Hưng Yên. Năm nay, nhãn
lồng Hưng Yên được phân phối rộng rãi hơn ở phía Nam, do nhiều vùng
trồng nhãn lớn của tỉnh đã ký kết hợp tác với hệ thống phân phối của
Co.opmart.
Tại các vùng trọng điểm nhãn như huyện Khoái Châu, nơi có diện tích nhãn
lớn nhất tỉnh với hơn 1.600ha đang cho thu hoạch. Vụ năm nay Khoái Châu
đạt sản lượng 20.000 tấn. Trên địa bàn đã hình thành nhiều vùng thâm
canh quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xã Hàm Tử, Bình Kiều, Bình
Minh, Đông Kết...
Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
huyện Khoái Châu cho biết, các hợp tác xã trồng nhãn đã ký kết tiêu thụ
hàng nghìn tấn quả tươi với các doanh nghiệp như: Công ty thương mại
xuất nhập khẩu G&F Việt Nam, hệ thống siêu thị Fivi mart, Công ty cổ
phần EcoViệt...
Ngoài ra, sản lượng nhãn của Khoái Châu được tiêu thụ rộng rãi qua các
chợ đầu mối Đông Tảo, Lưu Ly tại trung tâm huyện. Phần lớn nhãn của bà
con được hàng nghìn thương lái trong cả nước về thu mua tại vườn để tiêu
thụ đi khắp các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; một
phần được xuất sang Trung Quốc.
Tại vùng nhãn thành phố Hưng Yên, sản lượng đạt khoảng hơn 15.000 tấn;
trong đó, lượng nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 1.500 tấn đã được
các hợp tác xã, nhà vườn ký hợp đồng tiêu thụ.
Theo ông Đặng Văn Xây, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nhãn lồng Hồng Nam, năm
nay, nhiều nhà vườn đã kết nối tiêu thụ với các thương lái đến từ Bình
Định, Thành phố Hồ Chí Minh, với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, nhãn
Hồng Nam được khách hàng đánh giá chất lượng tốt. Đây sẽ là bước khởi
đầu tạo tiền đề để mở rộng thị trường tiêu thụ phía Nam cho các năm sau.
VƯƠN XA CÙNG THẾ GIỚI
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang chia sẻ,
cùng với thị trường trong nước, sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên đã tiếp cận
được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và
một số nước châu Âu như Pháp, Đức.
Vụ năm nay, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và Trung Quốc đã có cam kết rất
rõ ràng về thu mua, bao tiêu sản phẩm. Mới đây gần 100 doanh nghiệp
Trung Quốc đã cam kết tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên năm nay và các năm
tới.
Diện tích trồng nhãn tại xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên. (Ảnh: TTXVN)
Cũng theo ông Nguyễn Minh Quang, nhiều doanh nghiệp đã ký kết thu mua
nhãn Hưng Yên xuất khẩu với nhiều hình thức đa dạng; trong đó, Công ty
Trách nhiệm hữu hạn Degitech thực hiện mua nhãn để xuất khẩu sang các
thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Á; Hệ thống Saigon
Co.op ngoài việc mở rộng thị trường trong nước, còn xúc tiến đưa nhãn
lồng Hưng Yên xuất khẩu, góp phần làm dày thêm danh mục hàng nông sản
thương hiệu Việt có mặt trên thị trường quốc tế.
Nét mới trong vụ năm nay, nhãn lồng Hưng Yên được Hãng hàng không
Vietnam Airlines đưa vào thực đơn trong các bữa ăn của hành khách trên
khoang thương gia, phục vụ trên hơn 70 đường bay của Vietnam Airlines.
Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, việc phục
vụ nhãn lồng trên chuyến bay là dịp quảng bá nông sản Việt nói chung và
nhãn lồng Hưng Yên nói riêng đến với thế giới, góp phần giải quyết bài
toán đầu ra sản phẩm cho người dân trồng nhãn.
Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Hưng Yên dự kiến mở rộng thêm 2.000ha diện
tích trồng nhãn VietGAP, đồng thời, nhân rộng diện tích trồng nhãn theo
tiêu chuẩn GlobalGAP, với việc lựa chọn và giám sát khắt khe tại các
vùng chuyên canh để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu và các thị
trường khác trên thế giới./.
Mai Ngoan (TTXVN)