Thứ Ba, 17/12/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 12/12/2013 11:0'(GMT+7)

Nhân lực cho hành lang kinh tế Đông - Tây

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Đã 15 năm trôi qua kể từ khi Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) được khai mở, đi qua 19 tỉnh, thành phố thuộc 4 nước Mi-an-ma, Thái Lan, Lào và Việt Nam, tổng chiều dài 1.450km. Những mục tiêu như tăng cường hợp tác kinh tế và xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển giữa 4 quốc gia; hình thành các khu vực kinh tế xuyên quốc gia; tạo điều kiện cho hàng hóa của các nước Tiểu vùng sông Mê Kông thâm nhập các thị trường tiềm năng thuộc khu vực Nam Á và Tây Á v.v.. vẫn đang ở những bước đi đầu tiên.

Tỉnh Quảng Trị là “đầu cầu” của Việt Nam, với “điểm sáng” là Khu kinh tế-thương mại đặc biệt Lao Bảo. Khu kinh tế này đã thu hút 400 doanh nghiệp, 57 dự án trong và ngoài nước với tổng mức đầu tư hơn 3.670 tỷ đồng, có 362 phương án kinh doanh thương mại dịch vụ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 1000 tỷ đồng. Đã có gần 2.600 hộ kinh doanh đang tham gia hoạt động tại khu vực. Các dự án đầu tư tại khu vực đã giải quyết việc làm cho gần 3.500 lao động địa phương. Từ năm 2011 đến nay, kim ngạch xuất-nhập khẩu và số thuế thu qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tăng xấp xỉ 30%/năm.

Thành quả đạt được ở “đầu cầu” Việt Nam rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, theo các nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế, vấn đề đặt ra hiện nay là kết cấu hạ tầng dọc theo tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của toàn tuyến. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chưa đủ mạnh để khai thác tốt các nguồn lực và tiềm năng. Các dịch vụ hỗ trợ còn thiếu. Việc gắn kết và khai thác các lợi thế về du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch biển - đảo hiệu quả chưa cao. Đặc biệt là nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế vừa thiếu, vừa yếu...

Diễn đàn hợp tác Hành lang kinh tế Đông - Tây lần đầu tiên tổ chức tại Quảng Trị (năm 2010) đã xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong năm vùng chiến lược hợp tác. Vì vậy, cần phải đề ra tiêu chuẩn và quy định về nguồn nhân lực ở mỗi quốc gia. Những năm qua, các tỉnh, thành phố như: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng  đã chú trọng vấn đề này, song còn nhiều trở ngại. Ở tỉnh Quảng Trị đã thực hiện mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút vào các khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái v.v.. Tuy nhiên hiện nay, nguồn nhân lực tại các tỉnh miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng còn rất thiếu, đặc biệt là người lao động đã qua đào tạo nghề. Hiện nay, lao động qua đào tạo ở Quảng Trị mới chỉ đạt 36,4%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 27,3%; chất lượng lao động thấp, phần lớn là lao động phổ thông. Thực tế này đặt ra cho tỉnh Quảng Trị, cũng như các tỉnh, thành phố khác trên hành lang kinh tế cần phải khẩn trương thực hiện chiến lược xây dựng nguồn nhân lực của địa phương mình vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế địa phương, vừa hiện thực hóa các cơ hội, lợi thế. Bên cạnh đó cần phải có giải pháp căn cơ để ngăn chặn hiện tượng “chảy máu chất xám” về các thành phố lớn. Vì vậy cấp ủy, chính quyền các địa phương cần phải tạo ra môi trường đầu tư, các doanh nghiệp phải tạo điều kiện để thu hút người giỏi vào làm việc… Ai cũng hiểu rằng, khi cơ hội đã mở ra mà không có nhân lực để thực hiện nó thì cơ hội cũng sẽ trôi đi mất./.


Trần Hoài (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất