Thứ Năm, 16/10/2014 11:4'(GMT+7)
Nhân Ngày Thế giới chống đói nghèo: Hướng đến sự đột phá trong các chính sách giảm nghèo
Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã thực hiện các chính sách giảm nghèo theo hướng đa chiều, cơ bản bao phủ được mọi mặt đời sống của người nghèo (hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo...) nhưng vẫn áp dụng phương pháp đo lường nghèo một chiều. Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều được xem là một trong các giải pháp nhằm tháo gỡ cho thực trạng nghèo, tái nghèo, tạo đột phá trong các chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam.
Đánh giá toàn diện hơn kết quả giảm nghèo
Ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Xu hướng đo lường nghèo đa chiều đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo các quốc gia nên sử dụng thay vì đo lường nghèo đơn chiều. Các tổ chức này sử dụng khái niệm nghèo đa chiều để giám sát, đo lường sự thay đổi về mức độ tiếp cận nhu cầu cơ bản giữa các quốc gia, thông qua các chỉ số HDI (thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ) hay hiện nay là chỉ số MPI (chỉ số nghèo đa chiều). Chỉ số nghèo đa chiều đánh giá được một loạt yếu tố quyết định hay những thiếu thốn, túng quẫn ở cấp độ gia đình: Từ giáo dục đến những tác động về sức khỏe, tài sản và các dịch vụ. Theo Tổ chức Sáng kiến phát triển con người và chóng nghèo đói Oxford (OPHI) và UNDP, những chỉ số này cung cấp đầy đủ hơn bức tranh về sự nghèo khổ sâu sắc so với các thang đo về thu nhập giản đơn. Thang đo này biểu lộ cả tính tự nhiên và quy mô của sự nghèo khổ ở các cấp độ khác nhau: Từ cấp độ gia đình đến cấp độ khu vực, cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế.
Tại Việt Nam, việc sử dụng chuẩn nghèo dựa vào thu nhập/chi tiêu đã kéo dài trong một thời gian dài (từ năm 1993 đến nay) không còn phù hợp, bộc lộ nhiều hạn chế, như: Bỏ sót đối tượng, thiếu công bằng trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo, chưa đánh giá, đo lường mức độ chuyển biến về tiếp cận các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân... Kết quả phân tích nghèo đa chiều được điều tra ở tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước, dựa trên các tiêu chí như giáo dục, y tế, việc làm, tài sản, điều kiện nhà ở, thu nhập của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy: Nghèo đa chiều trong đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình nông thôn có tỷ lệ cao hơn người Kinh và gia đình khu vực thành thị. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất. Trong đó, nghèo thu nhập chỉ là một trong số nhiều thiếu hụt mà người nghèo phải đối diện.
Vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án tổng thể về phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều nhằm đánh giá một cách toàn diện hơn kết quả giảm nghèo của cả nước cũng như từng địa phương; làm cơ sở để ban hành các chính sách giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm đối tượng, phân bổ ngân sách hợp lý, hiệu quả hơn. Năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều và báo cáo tổng hợp, xác định phân loại đối tượng theo tiêu chí nghèo đa chiều của cả nước và từng địa phương để làm cơ sở cho việc thực hiện vào giai đoạn 2016-2020. Cơ sở để xây dựng đo lường nghèo đa chiều dựa vào các quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Xây dựng tiêu chí, chỉ số đánh giá các chiều nghèo
Hiện Viện Khoa học và Lao động xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang xây dựng tiêu chí và chỉ số cho các chiều nghèo và lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, tổ chức, địa phương và chuyên gia để bảo đảm sự khách quan. Theo kết quả sơ bộ việc xây dựng phương pháp đo lường nghèo đa chiều ở Việt Nam, chuẩn nghèo mới dự kiến sẽ xem xét dựa trên 5 chiều xem xét sự thiếu hụt về y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội. Các hộ sẽ phân loại thành các hộ nghèo nghiêm trọng (thiếu hơn một nửa tổng số nhu cầu cơ bản); nghèo đa chiều (thiếu từ 1/3 đến 1/2 tổng số nhu cầu cơ bản); cận nghèo để có chính sách giảm nghèo phù hợp, thúc đẩy các đối tượng vươn lên, giảm nghèo bền vững.
Nguyên tắc chung để xây dựng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều tại Việt Nam đó là chuẩn nghèo đa chiều phải đảm bảo hai yêu cầu: Mức sống tối thiểu và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, trong quá trình chuyển đổi phương pháp tiếp cận, chuẩn nghèo đa chiều và chuẩn nghèo thu nhập sẽ được sử dụng song song. Cách tiếp cận nghèo đa chiều phân tách rõ ràng 3 công việc: Đo lường; giám sát, xác định hộ nghèo; xác định đối tượng thụ hưởng chính sách.
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Với phương pháp tiếp cận mới, với cách đánh giá và xác định cái nghèo toàn diện hơn, những tác động của chính sách vào đối tượng nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nghèo trong giai đoạn tới sẽ căn cơ, hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm trong chính sách. Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều cần được tính toán, thực hiện theo một lộ trình cụ thể, đồng thời không làm xáo trộn hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành, không làm tăng ngân sách, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong thực hiện tiến trình giảm nghèo thời gian tới./.
TTXVN