Chủ Nhật, 22/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 6/10/2013 15:57'(GMT+7)

Nhân rộng mô hình phòng, tránh thiên tai

Nhà cộng đồng phòng, chống thiên tai xã Tân Hiệp, (TP. Hội An, Quảng Nam).

Nhà cộng đồng phòng, chống thiên tai xã Tân Hiệp, (TP. Hội An, Quảng Nam).

Trong cơn bão số 10 vừa qua, có gia đình ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, nhờ chiếc phản nằm chắc chắn, các thành viên trong gia đình kịp núp dưới gầm phản khi “cơn cuồng phong” đến, nên đã bình an khi căn nhà bất ngờ đổ sập. Cách đó không xa, chỉ với một gian nhà mái bằng nhỏ xây thêm nối với căn nhà cấp 4, đã trở thành nơi trú ngụ an toàn cho mấy hộ gia đình gần đó. Khá nhiều trường học, do Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung xây dựng, bàn giao, ngày thường là những dãy phòng học chắc chắn, khi bão lũ đến lại trở thành công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai an toàn của người dân địa phương. Xây dựng nhà tránh lũ, trồng rừng và tuyên truyền các kiến thức cơ bản về tránh lũ cho cán bộ và người dân ở vùng thường xuyên bị ngập lụt trở thành hoạt động hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung trong những năm gần đây.

Sau hơn 4 năm thành lập và đi vào hoạt động, Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã trực tiếp vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm được hơn 154 tỷ đồng, xây dựng gần 70 công trình phòng tránh thiên tai, trồng gần 90ha rừng ngập mặn bảo vệ đê biển và thành lập 60 đội xung kích phòng tránh thiên tai ở 60 xã trọng điểm bão lũ thuộc các tỉnh miền Trung. Các đội được trang bị thuyền, áo phao, phao cứu sinh, loa điện, hằng năm đều được bồi dưỡng, tập huấn rút kinh nghiệm… Hiệu quả đã rõ, nhưng theo các cán bộ Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, đó chủ yếu vẫn là những công trình, mô hình “điểm”. Để nhân rộng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương, các tổ chức đoàn thể và nhân dân.

Nhân rộng những mô hình, kinh nghiệm phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai là việc làm rất cần thiết. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phối hợp tổ chức tọa đàm, hội thảo, tham quan, trao đổi kinh nghiệm, lập trang web…; các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng tránh bão lũ, thiên tai và vận động các doanh nghiệp “vào cuộc”, cùng sự tham gia rộng rãi của người dân, tạo thêm nhiều nguồn lực xây dựng các công trình, mô hình phòng tránh thiên tai hiệu quả, phù hợp từng địa phương, vùng miền.

Mảnh đất miền Trung còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, hằng năm luôn phải “gồng mình” gánh chịu, khắc phục hậu quả thiên tai. Mặc dù chưa hỗ trợ được nhiều, nhưng Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung luôn là “người bạn đồng hành” cùng đồng bào trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Đây là mô hình phòng tránh thiên tai chủ động, hiệu quả, cần được nhân rộng, góp phần nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai của người dân, giảm thấp nhất thiệt hại, đồng thời thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cùng giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn… của dân tộc ta./.

Duy Quân (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất