Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 28/7/2013 18:35'(GMT+7)

Nhân tố Trung Quốc "dìm" thị trường dầu mỏ đi xuống

Ảnh minh họa. (Nguồn: pattersonoil.co.uk)

Ảnh minh họa. (Nguồn: pattersonoil.co.uk)

Giá dầu thế giới biến động trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 22/7 trong bối cảnh thị trường đón nhận những số liệu thất vọng về thị trường nhà đất Mỹ cùng hoạt động bán ra kiếm lời của các nhà giao dịch sau khi giá "vàng đen" đã leo lên các mức cao nhất kể từ ngày 16/8/2010 trong phiên trước đó (19/7).

Thị trường dầu mỏ thế giới đồng loạt đi lên trong phiên giao dịch ngày 23/7, nhờ những đồn đoán về khả năng dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tiếp tục sụt giảm, dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại quốc gia tiều thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới này đang có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực leo thang tại Ai Cập và những phát biểu mới đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường về khả năng chính phủ nước này sẽ đưa ra thêm một số biện pháp mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là yếu tố hỗ trợ cho thị trường năng lượng trong phiên này.

Tuy nhiên, số liệu không mấy khả quan về thị trường nhà đất và doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết đã cản trở đà tăng của giá dầu (trong tháng 6/2013, doanh số bán nhà đang sử dụng tại Mỹ đã giảm 1,2% xuống 5,08 triệu căn, so với mức 5,15 triệu căn trong tháng 5/2013 và thấp hơn dự báo 5,28 triệu căn của các nhà phân tích đưa ra trước đó). Còn sau Coca-Cola, Google và Microsoft, McDonald là các tập đoàn và doanh nghiệp mới nhất không đạt được mục tiêu doanh thu đã đề ra.

Tuy nhiên, đà đi lên đã bị chặn ngay lại trong phiên tiếp theo 24/7 sau khi ngân hàng HSBC công bố báo cáo cho thấy Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc - thước đo đánh giá hoạt động chế tạo của nước này - đã giảm xuống 47,7 điểm trong tháng 7/2013, từ mức tương ứng 48,2 điểm của tháng Sáu, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 11 tháng qua. Số liệu này làm dấy lên lo ngại về triển vọng tiêu thụ năng lượng của quốc gia khát nhiên liệu này.

Giá dầu tiếp tục đi xuống trong phiên 25/7 khi nhà đầu tư ngày một lo ngại về tình trạng sa sút của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc, đồng thời cũng là nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới. Thống kê u ám phát đi từ Trung Quốc thậm chí đã "che mờ" cả số liệu lạc quan về kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), nơi hoạt động kinh tế tư nhân lần đầu tiên trong 18 tháng qua đã tăng trở lại trong tháng 7/2013.

Hiện tượng kho dự trữ dầu của Mỹ sụt giảm cũng không thể hỗ trợ cho giá dầu trong phiên này. Theo thống kê của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tuần trước nữa là tuần thứ tư liên tiếp kho dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm. Cụ thể, trong vòng 4 tuần tính tới ngày 19/7, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm gần 30 triệu thùng, mức giảm mạnh nhất (tính trong 4 tuần) kể từ năm 1982.

Sang đến phiên cuối tuần 26/7, thị trường "vàng đen" thế giới tiếp tục đồng loạt lao dốc trước những lo ngại ngày càng tăng về "gã khổng lồ châu Á" Trung Quốc. Những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại ngày một xuất hiện nhiều hơn đã đè nặng lên thị trường dầu mỏ.

Giá dầu cũng giảm sâu hơn sau khi có tin Chính phủ Trung Quốc yêu cầu khoảng 1.300 doanh nghiệp trong 19 ngành và lĩnh vực công nghiệp, trong đó có sắt thép và xi măng, phải đóng cửa các nhà máy đã quá cũ kỹ lạc hậu vào tháng 9 tới, đồng thời cắt giảm bớt sản lượng từ nay tới cuối năm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại.

Theo các nhà phân tích, động thái này của Chính phủ Trung Quốc phát đi tín hiệu "chẳng lành" cho thị trường dầu mỏ và có thể sẽ giáng thêm một đòn nữa vào hoạt động công nghiệp của nước này - vốn đã tụt xuống mức thấp nhất 11 tháng qua trong tháng Bảy (theo các số liệu của HSBC). Động thái này của Chính phủ Trung Quốc cũng chất thêm những lo ngại dai dẳng về nhu cầu đang yếu đi tại nền kinh tế "ngốn" nhiều nguyên liệu thô hàng đầu thế giới này.

Đóng cửa phiên cuối tuần tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 9/2013 giảm 79 xu xuống 104,70 USD/thùng, thấp hơn so với mức chốt của cuối tuần trước nữa là 108,67 USD/thùng.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 48 xu xuống 107,17 USD/thùng. Mức này cũng thấp hơn mức chốt tuần trước nữa là 108,67 USD/thùng./.

Thùy Chi (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất