Ngày 29/2, tại thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ hợp tác và hỗ trợ
cải cách công vụ, công chức giữa Bộ Nội vụ và Cơ quan hợp tác Quốc tế
Nhật Bản (JICA), Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo toàn quốc với chủ đề
“Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thi tuyển tập trung”.
Nội dung Hội thảo tập trung làm rõ thực tế thi tuyển tại Việt Nam; cách
thức xây dựng đề thi viết và phỏng vấn; kỹ thuật xây dựng bài thi viết
và kỹ thuật phỏng vấn; những kinh nghiệm chia sẻ từ phía Nhật Bản; tọa
đàm trao đổi ý kiến giữa các bên tham gia.
Về công chức Nhật Bản và thi tuyển công chức, bà Kikuchi Atsuko chia sẻ
công chức là nghề được yêu thích tại Nhật Bản. Kỳ thi tuyển dụng công
chức có “nguyên tắc đối xử bình đẳng” và “nguyên tắc chủ nghĩa kết quả.”
Ai cũng có cơ hội (người có đủ tư cách dự thi) tham gia dự thi ở bất kỳ
nơi nào trên toàn quốc. Nếu thí sinh trúng tuyển tại kỳ thi này và được
tuyển dụng, sẽ có cơ hội thăng tiến công bằng.
Độ tin cậy với kỳ thi tuyển dụng được đặt lên hàng đầu, Viện Nhân sự là
cơ quan chuyên môn độc lập đứng ra lập kế hoạch và tổ chức thi. Kỳ thi
tuyển dụng của các Bộ, ban, ngành thuộc Chính phủ và chính quyền địa
phương được thực hiện công bằng, thống nhất trên toàn quốc; phòng ngừa
sai trái, thiên vị đối với các tỉnh; đồng thời, loại và phân loại kỳ thi
tuyển dụng như thi tuyển vị trí tổng hợp, thi tuyển vị trí phổ thông,
thi tuyển vị trí chuyên môn…
Là người từng tham gia lớp học tại Nhật Bản, bà Trần Thị Thu Hà, Phó
Trưởng phòng Đào tạo, Bồi dưỡng, Tuyển dụng - Sở Nội vụ thành phố Hà
Nội, cho rằng thi tuyển công chức tập trung của Nhật Bản và Việt Nam có
những điểm tương đồng, đó là có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy
định về công chức và về tổ chức tuyển dụng công chức; thực hiện phân cấp
tuyển dụng công chức địa phương; sử dụng hình thức thi như viết, trắc
nghiệm khách quan, phỏng vấn (ở Việt Nam, thực hiện trong kiểm tra, sát
hạch tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển); các bước cơ bản về
tổ chức thi, kỹ thuật thi.
Còn điểm khác nhau cơ bản, ở Nhật Bản đối tượng dự thi dành cho nhiều
đối tượng khác nhau (kể cả tốt nghiệp trung học phổ thông, Đại học, Cao
học); ở Việt Nam cơ bản dành cho người tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng (ở
Hà Nội chỉ tuyển người tốt nghiệp Đại học)...
Bà Trần Thị Thu Hà chia sẻ thêm về việc tổ chức học tập kinh nghiệm thi
tuyển của Nhật Bản tại Hà Nội: năm 2015, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà
Nội đã ban hành quyết định, giao Sở Nội vụ thành phố tổ chức hai lớp bồi
dưỡng ngắn hạn tại Việt Nam, mời chuyên gia Nhật Bản thuộc Viện Nhân sự
Quốc gia Nhật Bản và Hiệp hội phát triển nguồn nhân lực khu vực công
Nhật Bản bồi dưỡng cho 120 học viên (là công chức thuộc các đơn vị được
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ thực hiện công tác tuyển
dụng công chức hoặc soạn thảo ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan)
về kỹ năng soạn thảo câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong tuyển dụng
công chức và kỹ năng phỏng vấn trong tuyển dụng công chức không qua thi
tuyển...
Lớp bồi dưỡng này đã được lãnh đạo các cơ quan đơn vị đánh giá cao, kiến
thức tiếp thu được có khả năng áp dụng được trong tuyển dụng ở Hà Nội.
Từ thực tiễn, bà Trần Thị Thu Hà đề xuất với Bộ Nội vụ về cải cách thi
tuyển công chức ở Việt Nam, trong đó cần cụ thể hóa văn bản luật thành
một bộ văn bản hướng dẫn quy trình tổ chức thi tuyển chung trong toàn
quốc để thống nhất thực hiện; thay đổi hình thức thi đảm bảo công khai,
minh bạch, hiệu quả; hạn chế tối đa sự can thiệp của con người trong coi
thi, chấm thi...
Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ ghi nhận, đánh giá cao các
nội dung và ý kiến đóng góp tại Hội thảo đã gợi mở nhiều ý tưởng, cách
làm hay trong việc tuyển dụng công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được
giao trong thời kỳ đổi mới và hội nhập của đất nước. Đây sẽ là một trong
những nội dung quan trọng góp phần vào đề xuất của Bộ Nội vụ với các cơ
quan cấp trên trong việc đổi mới phương pháp tuyển dụng công chức để
tránh và hạn chế các tiêu cực./.
(TTXVN)