Quyết định thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hoà bình liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể mà chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe công bố, được cho là bước ngoặt lịch sử của Nhật Bản.
Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản quy định các lực lượng vũ trang của Nhật Bản chỉ được sử dụng duy nhất cho mục đích phòng vệ. Khi đó, quy định này được hiểu là lệnh cấm toàn diện sự tham gia của Nhật Bản vào bất cứ cuộc xung đột quân sự nào bên ngoài lãnh thổ nước này.
Như vậy là sau 60 năm kể từ khi thành lập lực lượng vũ trang thời hậu chiến, Nhật Bản đang hướng tới một vai trò lớn hơn cho Lực lượng phòng vệ (SDF) trong các sứ mệnh quân sự ở nước ngoài.
Theo đó, Nhật Bản sẽ thực hiện quyền phòng vệ tập thể, nếu “sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân.”
Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một quốc gia đồng minh trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Ngoài ra, nó cũng nới lỏng những hạn chế về hoạt động của Lực lượng phòng vệ trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để nói về tác động của thay đổi này nhưng chắc chắn người dân "Xứ sở Mặt Trời mọc" sẽ chưa thể ngay lập tức chấp nhận sự thay dổi đó.
Theo kết quả điều tra do các báo lớn của Nhật Bản tiến hành cho thấy, dư luận Nhật Bản lại đang chia rẽ vì vấn đề này khi có tới hơn một nửa người dân đã nói "không" với việc thay đổi cách hiểu về bản Hiến pháp hòa bình như đề xuất của Thủ tướng Abe./.
Theo VN+