Thứ Tư, 11/3/2015 20:0'(GMT+7)
Nhật Bản tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa kép
Ngày 11/3 đánh dấu bốn năm sau ngày xảy ra thảm họa kép động đất-sóng thần tại Nhật Bản làm hơn 18.000 người thiệt mạng và mất tích, phá hủy một phần rộng lớn khu vực Đông Bắc nước này và dẫn đến thảm họa hạt nhân được xem là tồi tệ nhất trong lịch sử thời bình của Nhật Bản.
Theo kế hoạch, các hoạt động tưởng niệm sẽ được tổ chức tại các thành phố, thị trấn gần khu vực xảy ra thảm họa và tại thủ đô Tokyo.
Nhật hoàng Akihito và Thủ tướng Shizo Abe cùng đại diện các gia đình mất người thân trong thảm họa sẽ tham dự lễ dâng hoa tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng.
Trận động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra lúc 2 giờ 46 phút (giờ địa phương) ngày 11/3/2011 làm rung chuyển khu vực miền Đông Nhật Bản, cùng với sóng thần tiếp theo đó đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 15.891 người, trong khi 2.584 người hiện vẫn mất tích.
Đến nay, công tác tìm kiếm những người mất tích vẫn tiếp tục được triển khai.
Sau khi được sơ tán khỏi vùng thảm họa, khoảng 228.863 người hiện vẫn phải sống tại các khu nhà tạm nằm rải rác trên cả nước.
Trận thiên tai đã gây ra thảm họa hạt nhân tại tỉnh Fukushima và hiện 47.219 người dân phải sơ tán khỏi vùng nhiễm xạ này vẫn chưa được trở về nhà.
Ngoài ra, tính đến nay có khoảng 3.244 người chết do các nguyên nhân liên quan đến thảm hoạ kép này.
Trong khi đó, công tác tái thiết và xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi thảm họa thiên tai như tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima vẫn gặp nhiều khó khăn.
Chính phủ Nhật Bản vừa qua đã thông qua gói tài chính 26.300 tỷ yen (tương đương 217 tỷ USD) để thực hiện các công tác tái thiết ở các vùng chịu ảnh hưởng của thảm họa kép này.
Bên cạnh những mất mát về người, thảm họa năm 2011 cũng để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế cho đất nước Nhật Bản. Trận động đất cường độ mạnh tới 9 độ Richter đã gây sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Chính phủ Nhật Bản đã cho ngừng hoạt động tổng cộng 48 lò phản ứng hạt nhân trên cả nước nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an toàn điện hạt nhân và ảnh hưởng tới môi trường.
Hiện 90% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu do mất nguồn cung từ điện hạt nhân, do đó thời gian qua chính phủ của Thủ tướng Abe đã nỗ lực tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, trong đó bốn lò phản ứng đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe đã được chính quyền cấp phép hoạt động trở lại./.
TTXVN