Thứ Tư, 20/11/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 9/10/2009 11:28'(GMT+7)

Nhật nỗ lực tạo lòng tin với Trung, Hàn

Tân thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama.

Tân thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama.

Nội dung cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo ba quốc gia Đông Bắc Á tại Bắc Kinh thứ bảy này sẽ là thảo luận về tương lai khu vực, sau khi Triều Tiên tỏ các dấu hiệu có thể trở lại bàn đàm phán đa phương về hạt nhân.

Theo nhận định của Reuters, Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama sẽ có những cử chỉ hòa giải với Trung Quốc, bất chấp việc nước này gần đây đang tăng cường xây dựng quân lực. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể xây dựng lòng tin giữa Tokyo và Bắc Kinh, bởi những ký ức cay đắng từ thời Trung Quốc bị Nhật đô hộ vẫn còn rõ nét.

"Với các mối quan hệ về kinh tế đang nở rộ, hiện không cần lo ngại về sự xấu đi nhanh chóng trong mối quan hệ Nhật - Trung ", Hu Wei, giáo sư và là trưởng khoa Quan hệ Quốc tế tại đại học Jiao Tong Thượng Hải , nói với các phóng viên tại Tokyo.

"Tuy nhiên vẫn có một khoảng cách lớn giữa dư luận cũng như cảm nhận của người dân, vì thế, khó mà lạc quan quá được".

Mối quan hệ giữa hai nước ở Đông Bắc Á xấu đi nghiêm trọng trong thời gian thủ tướng Junichiro Koizumi nắm quyền ở Nhật. Ông thường tới thăm một ngôi đền thờ những người chết trong chiến tranh, trong đó có cả những người đã bị kết luận là tội phạm chiến tranh. Điều này khiến Trung Quốc và Hàn Quốc rất tức giận bởi ngôi đền đó chính là biểu tượng của chế độ quân phiệt Nhật từng xâm lược các nước láng giềng.

Tuy nhiên những người kế nhiệm ông Koizumi đều hạn chế đến thăm đền, và đương kim thủ tướng Hatoyama cũng tuyên bố không tới đền Yasukuni.

Hòa giải là nhu cầu của cả Tokyo lẫn Bắc Kinh. Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, và cũng là thị trường hàng hóa xuất khẩu lớn thứ hai của Nhật, sau Mỹ.

"Các nhà lãnh đạo cả đôi bên đều hiểu rõ cãi vã nhau sẽ là không khôn ngoan", giáo sư đại học Tokyo Akio Takahara nhận xét. "Cạnh tranh lành mạnh thì tốt, nhưng họ đều thấu hiểu rằng không nên chơi một trò chơi mà bên này thắng thì bên kia bại".

Hatoyama từng tuyên bố sẽ làm sâu sắc hơn các mối quan hệ ở châu Á và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Vì thế, dù chủ đề chính trong cuộc gặp thượng đỉnh cuối tuần này là thay đổi khí hậu và Triều Tiên, ông sẽ dành thời gian và nỗ lực để xây dựng mối liên hệ cá nhân với các vị đồng nhiệm.

Hatoyama và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak sẽ có cuộc gặp tay đôi tại Tokyo vào ngày mai. Cả hai đều nóng lòng nghe thông báo của Trung Quốc về tình hình Triều Tiên, sau chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến Bình Nhưỡng đầu tuần này.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng muốn củng cố ý tưởng về việc thành lập một Cộng đồng Đông Á, lấy ý tưởng từ Liên minh châu Âu. Ý tưởng này đã xuất hiện từ những năm 1990 và vấp phải sự phản đối của Mỹ. Nhưng hiện nay nó đang là tâm điểm của những cuộc hội nghị khu vực. Nhật Bản thừa nhận rằng phải mất nhiều chục năm thì Đông Á mới có thể tiến tới sự thống nhất về chính trị và có thể tạo ra một đồng tiền chung, trong một khu vực rất đa dạng về chính trị và văn hóa như thế này.

"Đó là một mục tiêu tốt, nhưng để hiện thực hóa nó thì con đường còn rất rất dài", giáo sư Liu Jiangyong của đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, bình luận./.
 
(Theo: Vnexpress)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất