- Xin giáo sư cho biết tổng quan về ngành thiết kế và chế tạo vi mạch trên thế giới?
- Ngày nay, nền công nghiệp vi mạch có tầm quan trọng hàng đầu, cả về quy mô lẫn sự kết hợp về tri thức khoa học. Ở châu Á, Nhật Bản là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này. Vào năm 1975-1976, Nhật Bản đã đưa ra kế hoạch quốc gia nhằm xác lập công nghệ chế tạo đại trà những con chip có quy mô trên 1 triệu transistor. Kế hoạch này đã thành công và đưa Nhật Bản lên vị trí hàng đầu về chế tạo vi mạch. Ở Nhật Bản, nền công nghiệp vi mạch ngày nay có quy mô ngang ngửa với nền công nghiệp chế tạo ô tô, nghĩa là một trong những công nghiệp chủ chốt. Sau thành công kể trên, nhiều nước đã theo khuôn mẫu của Nhật Bản, đưa ra những kế hoạch tương tự. Hàn Quốc đã thành công vào cuối thập kỷ 1990 và giờ đây đã trở thành một trong ba nước mạnh nhất trong ngành công nghiệp vi mạch.
Bảy nhân tố giúp cho Hàn Quốc thành công trong sự nghiệp xây dựng nền công nghiệp bán dẫn vi mạch là: Nguồn nhân lực trình độ cao nhân công thấp, thị trường quốc nội có sẵn, có những nhà đầu tư lớn trong nước biết dấn thân, biết tự lường sức trong lựa chọn quy mô kinh doanh hợp với khả năng, dám đầu tư ồ ạt đúng lúc đúng chỗ, biết hợp tác nghiên cứu với nhau giữa các doanh nghiệp, nhà nước tích cực hỗ trợ bằng tiền và cơ chế.
Nhiều nhân tố trên đây giống Việt Nam ta lúc này, nhưng cũng có những điểm khác. Chúng ta không thể áp dụng hoàn toàn được, vì họ có những điều kiện mà mình không có, hoặc chúng ta cũng có những điều kiện mà họ không có. Nhưng khi tôi phân tích những nhân tố này, hàm ý là tôi muốn nói Việt Nam nên cố gắng làm như thế, thì chúng ta sẽ thành công như vậy. Các nước thành công đều có những điều kiện, nếu chúng ta hội đủ những điều kiện đó, lẽ nào lại không bằng họ?
- Vậy theo ông, ngành thiết kế chế tạo vi mạch của Việt Nam hiện đang đứng ở đâu?
- Về thiết kế, chúng ta đã có Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch TP Hồ Chí Minh do thạc sĩ Ngô Đức Hoàng làm giám đốc. Hiện nay, Trung tâm này đang được giao thực hiện một dự án của Bộ Khoa học – Công nghệ trị giá 145 tỷ đồng để thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc. Với dự án này, trong ba đến bốn năm tới, chúng ta sẽ thiết kế được những con chip bé hơn. Còn bây giờ, chúng ta đã có sản phẩn bán ra được nước ngoài.
Nhưng chúng ta chưa chế tạo được chip, mà mới chỉ dừng lại ở việc thiết kế rồi đưa ra nước ngoài chế tạo. Cho đến giờ phút này, chúng ta thiết kế chip chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước vì trong rất nhiều lĩnh vực chúng ta cần đến chip, thí dụ như máy giặt, điện thoại di động, an toàn hàng hải đều có gắn chip bên trong. Con chip quan trọng với các công nghệ này giống như động cơ với các loại xe gắn máy. Có động cơ thì mới lắp ráp được thành xe máy, ô tô, hoặc thậm chí cả máy bay. Nói chung, tôi gọi chip là cái động cơ, rất cần thiết, nhưng gắn nó vào đâu thì tính sau.
Hiện giờ, nếu ví ngành thiết kế, chế tạo vi mạch như một chiếc xe đạp thì có thể nói chúng ta mới chỉ có một bánh xe. Hy vọng ba bốn năm nữa, khi chúng ta có nhà máy, nghĩa là có đủ hai bánh xe thì mới chạy được. Xe đạp một bánh thì cũng có đấy, nhưng đi không an toàn. Mà khi thiết kế rồi đưa ra nước ngoài chế tạo thì phải theo đúng công nghệ của người ta. Mình phải chọn nhà máy và theo quy trình sản xuất của họ, không đưa sang nhà máy khác được, điều đó có nghĩa là chúng ta bị lệ thuộc.
- Bao giờ Việt Nam có thể vừa thiết kế vừa sản xuất được chip, thưa giáo sư?
- Sản xuất chip tốn tiền lắm, mình phải đầu tư, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm đầu tư một nhà máy sản xuất chip khoảng hơn 200 triệu USD. Khoản đầu tư này chỉ khiêm tốn, không phải nhà máy hiện đại bậc nhất, nếu nhà máy hiện đại bậc nhất thì cần hàng tỷ USD. Nhưng nhà máy này mới đang dừng ở dự án tiền khả thi. Dự kiến, ba năm nữa, sau khi Thủ tướng phê duyệt mới bắt đầu xây dựng .
- Vậy theo ông, có phải ngành chế tạo vi mạch của Việt Nam chỉ thiếu một yếu tố là vốn?
- Thiết kế thì chúng ta đã chứng minh được rõ ràng bằng những con chip đã chào hàng và mọi người đã nhìn nhận. Còn chế tạo thì chúng ta mới sắp sửa có nhà máy, còn nhà máy có chế tạo được hay không thì không phải là điều đơn giản.
- Những nước đã thành công trong công nghiệp vi mạch đều do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Có phải vì Việt Nam Nhà nước lại đứng ra đầu tư nên không thành công được?
- Không hẳn như thế. Công nghiệp vi mạch là một ngành công nghiệp nhiều rủi ro. Trong hội nghị đầu tiên về vi mạch được tổ chức ở Việt Nam cách đây hai năm, Hàn Quốc đã thừa nhận rằng khi họ đầu tư vào công nghiệp vi mạch thì không ai tin họ sẽ thành công. Điều đó chứng tỏ họ mạo hiểm, điều đó cũng chứng tỏ có vai trò của Nhà nước, vì Nhà nước mới gánh chịu được những rủi ro đó. Hồi đó, tôi đang làm việc ở Nhật Bản, và nhận được nhiều cuộc điện thoại từ Hàn Quốc mời sang làm việc và trả lương gấp đôi, được ở khách sạn năm sao, xe Mercedes đưa đón…, nhưng tôi từ chối. Nhưng điều đó chứng tỏ Nhà nước Hàn Quốc đã bỏ ra rất nhiều tiền để thành công.
- Giờ đây, đã có rất nhiều nước thành công trong công nghiệp vi mạch, phải chăng Việt Nam đã “lỡ chuyến tàu” để thành công trong ngành này?
- Chúng ta chưa hề bỏ lỡ. Mười năm trước, tôi mua một chiếc điện thoại với giá ba cây vàng nhưng rất to. Giờ điện thoại chỉ có vài trăm nghìn mà chất lượng tốt hơn cả cái đã dùng ngày xưa. Đó là nhờ có ngành công nghiệp vi mạch. Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 200 triệu điện thoại di động, trung bình mỗi người dùng gần 2,5 cái. Nhu cầu dùng điện thoại di động vẫn rất lớn, nên chúng ta không lo rằng việc đầu tư vào công nghiệp vi mạch là đã lỗi thời. Chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội thành công.
- Ông ở Nhật Bản hơn 40 năm, theo ông, nền khoa học của Việt Nam khác gì so với Nhật Bản?
- Khó lòng mà đánh giá được. Về giáo dục đại học, Nhật Bản hoàn chỉnh hơn Việt Nam, có khuôn mẫu rõ ràng hơn. Về khoa học thì mênh mông quá. Nhật Bản có nền kinh tế thứ nhì thế giới, hai ba năm nay Trung Quốc vượt lên nhưng Nhật Bản vẫn giữ vị trí thứ ba. Nhật Bản tương tự Việt Nam về diện tích. Dân số Nhật Bản 120 triệu người, còn Việt Nam 90 triệu, chỉ hơn chúng ta một ít. Nhưng Nhật Bản lại có nền kinh tế lớn như vậy, không lẽ họ đào được vàng? Nhưng Nhật Bản không có tài nguyên dầu mỏ cũng như sắt thép, tất cả là do đầu óc con người, nên không chừng về khoa học công nghệ họ tiến bộ hơn mình.
- Ông có còn định trở lại Nhật Bản nữa không?
- Tôi trở về Việt Nam 10 năm nay và ở đây để sống nốt phần đời còn lại của mình.
- Lý do gì ông quyết định về Việt Nam?
- Vì tôi là người Việt Nam.
- Nhưng lúc trở về ông có cảm thấy bỡ ngỡ vì điều kiện ở Việt Nam không bằng Nhật Bản?
- Nhưng tôi trở về là vì muốn Việt Nam cũng phải đuổi kịp các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản.
- Nhưng sau khi về Việt Nam 10 năm, ông có nghĩ là Việt Nam sẽ đuổi kịp các nước đó?
- Khả năng lúc nào cũng có, vấn đề là có quyết tâm không, quyết tâm đó thì không thể chỉ một cá nhân mà làm được, mà phải là cấp Nhà nước, mà có thể là cấp của cả một thế hệ. Thế hệ của những nhà khoa học như tôi đã qua rồi, thế hệ của những nhà cách mạng cũng đã qua. Bây giờ phải là quyết tâm của thế hệ trẻ.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch TP Hồ Chí Minh:
Việt Nam đủ khả năng tranh phần “miếng bánh” vi mạch
Miếng bánh thị phần ngành công nghiệp vi mạch hiện nay trên thế giới phân bố không đều. Ba “đại gia” thiết kế chip là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chế tạo chip thì có Đài Loan. Điều đáng ngạc nhiên là các nước lớn như Pháp, Đức, Hà Lan… không mặn mà với công nhiệp vi mạch. Trung Quốc cũng có tham gia nhưng tập trung nhiều ở những công đoạn thấp. Tính ra, miếng bánh này hoàn toàn có thể được chia cho Việt Nam. Vấn đề là chúng ta lấy một số lượng như thế nào trong miếng bánh đó cho một đất nước của 90 triệu dân? Chúng ta không đòi chia sòng phẳng, nhưng nghèo nên chia ít cũng đủ no. Chúng ta hoàn toàn có khả năng, vấn đề là có quyết tâm giành miếng bánh đó không.
Phân tích kỹ hơn, trọng lượng chip sản xuất trong công nghệ càng cao thì càng nhỏ. Chip nhỏ để dùng trong những ứng dụng nagỳ càng tinh vi như đưa vào cơ thể con người, điện thoại di động. Nhưng chip trọng lượng to hơn cũng vẫn rất cần trong những ngành khác như sản xuất máy giặt. Chúng ta không chạy đua với những nước sản xuất chip nhỏ từ 45-90 nano, nhưng có thể sản xuất chip 130 nano. Nếu đầu tư nhà máy sản xuất chip nhỏ cần đến 3 tỷ USD. Còn với nhà máy 200 triệu USD, chúng ta vẫn có thể sản xuất được những con chip đáng ứng nhu cầu trong nước. Bởi mỗi năm, chúng ta vẫn phải bỏ ra khoảng 3 tỷ USD để nhập khẩu linh kiện vi mạch. Vấn đề là chúng ta phải đầu tư mua nhà máy sản xuất chip nào có thể “update” được trong tương lai”.
GS,TS Đặng Lương Mô sinh năm 1936 tại Kiến An, Hải Phòng trong một gia đình trung lưu. Năm 1957, ở tuổi 21, ông được tuyển chọn và nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản sang học ngành điện tử. Tốt nghiệp Đại học Tokyo vào năm 1962, hai năm sau, ông lấy bằng thạc sĩ và năm 1968 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học tại đây. Từ năm 1983 đến năm 2002, ông được mời làm giảng viên với cương vị Giáo sư tại trường Đại học Hosei, Tokyo, Nhật Bản. Tính đến nay, ông đã có gần 300 công trình nghiên cứu và 13 bằng sáng chế được Mỹ, Nhật Bản, châu Âu công nhận
Năm 2002, ông trở về Việt Nam định cư. Ngay sau khi về nước, ông đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn sau đại học tại Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ông đã đặt nền móng cho sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Phòng Nghiên cứu thiết kế và mô phỏng vi mạch và Chương trình đào tạo sau đại học hướng vi điện tử trực thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.