Theo chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương Đảng và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ Bắc Giang đã thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND tại xã Đa Mai (TP Bắc Giang). Từ mô hình này rút ra nhiều kinh nghiệm để nhân rộng.
Việc lựa chọn Đa Mai để thực hiện thí điểm nhất thể hoá chức danh lãnh đạo được coi là phù hợp bởi nơi đây tình hình chính trị, KT-XH ổn định, dân cư tập trung, đoàn kết thống nhất và có truyền thống lịch sử anh hùng. Qua tiến hành các bước, xã Đa Mai đã lựa chọn được người đứng đầu có năng lực đảm nhiệm hai nhiệm vụ là bí thư kiêm chủ tịch UBND xã.
Sau gần ba năm thí điểm mô hình, vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp uỷ, người đứng đầu được phát huy và thể hiện rõ, khắc phục tình trạng tổ chức Đảng bao biện làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo đối với chính quyền; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu; tiết kiệm thời gian, chi phí hội họp…
Với phương thức lãnh đạo đổi mới, tập trung, xã Đa Mai đã đạt một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế địa phương phát triển ổn định, trong đó năng suất lúa bình quân cả năm đạt 58 tạ/ha, sản lượng cá hàng năm ước đạt 550 tấn. Thương mại dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã có bước phát triển, nhất là về các ngành, nghề truyền thống như sản xuất bún, bánh, chế biến gỗ… Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở được quan tâm và có nhiều chuyển biến, nhiều năm liên tục, Đảng bộ được công nhận trong sạch vững mạnh, xã Đa Mai đạt văn hoá cấp tỉnh...
Bên cạnh ưu điểm, qua thời gian triển khai thực hiện, mô hình nhất thể hoá chức danh lãnh đạo ở Đa Mai còn hạn chế. Ông Phạm Công Hưng, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thành cho rằng: "Thành phố chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn nên quá trình thực hiện khó tránh khỏi lúng túng, chồng chéo về trách nhiệm...
Cùng đó, chế độ phụ cấp của người đứng đầu còn quá thấp, chưa có tính động viên, khuyến khích". Bản thân người được phân công đảm nhiệm hai "vai" là Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Thái chia sẻ: "Do làm thí điểm, không có hướng dẫn của cấp trên nên khi thực hiện gặp nhiều khó khăn, vừa làm vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm, phần nào ảnh hưởng đến sự quyết đoán trong chỉ đạo, điều hành công việc. Bên cạnh đó, sức ép công việc lớn, phải tham gia họp hành nhiều nên khó dành thời gian sâu sát cơ sở, hiệu quả đạt được chưa cao. Thực tế tại xã, đầu việc phải làm quá nhiều trong khi đội ngũ cán bộ xã, thôn nhìn chung còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực, chuyên môn, phương pháp làm việc chưa khoa học, việc điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc để đáp ứng yêu cầu chung chưa kịp thời nên kết quả hoàn thành nhiệm vụ một số lĩnh vực còn hạn chế".
Mô hình bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã nhằm mục đích đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng bộ, thống nhất và kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu quả quản lý của Nhà nước, nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Thành uỷ Bắc Giang vừa đánh giá ưu, khuyết điểm, rút kinh nghiệm khi thực hiện mô hình để tiến tới nhân rộng. Nhiều ý kiến đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện đồng bộ chủ trương này; có chế độ phụ cấp đặc thù, tương xứng với công việc, nhiệm vụ cán bộ đảm nhận, đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các địa phương thí điểm để ngăn ngừa, khắc phục những hạn chế, tiêu cực có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, để mô hình phát huy hiệu quả, cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người đứng đầu cũng như đội ngũ cán bộ giúp việc. Sự thành công của mô hình phụ thuộc vào trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của người đứng đầu nên việc lựa chọn cán bộ có đủ tầm và có tâm để đảm nhiệm là yêu cầu quan trọng nhất. Để tránh tình trạng lạm quyền, vượt quyền khi thực hiện nhất thể hóa, đòi hỏi các địa phương cần xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của bí thư kiêm chủ tịch; đồng thời cũng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát.
Đồng chí Thân Văn Phú, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: Để nâng cao hiệu quả mô hình, thời gian tới, Thành uỷ sẽ quan tâm có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ công chức xã, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tại cơ sở.
Nguồn: báo Bắc Giang