Thứ Ba, 1/10/2024
Xã hội
Thứ Hai, 8/12/2014 21:4'(GMT+7)

Nhiếp ảnh – 40 năm xây dựng và khẳng định

Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cắm cờ trên nóc hầm chỉ huy của Tướng Pháp De Castrie (Ảnh tư liệu)

Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cắm cờ trên nóc hầm chỉ huy của Tướng Pháp De Castrie (Ảnh tư liệu)

Những người quan tâm tới nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam hôm nay khi xem những bức ảnh của các tác giả người nước ngoài chụp lại đất nước và con người Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, những bức ảnh về Sài Gòn, về Hà Nội qua các bộ sách ảnh “Xứ Bắc Kỳ cổ xưa”, “bộ sưu tập ảnh về Sài Gòn, Hà Nội” của các nhiếp ảnh gia người Pháp, chúng ta phải cảm ơn họ, để các thế hệ người Việt Nam hôm nay có một cái nhìn chân xác, khách quan về xã hội Việt Nam thời thuộc Pháp.

Điều dễ nhận thấy là, người nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam luôn tiếp cận nhanh với cái mới, nhất là trong sáng tạo nghệ thuật, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nước ngoài để tạo ra cho mình những giá trị nghệ thuật ảnh mang phong cách văn hoá của người Việt Nam. Khi nghệ thuật Nhiếp ảnh đến với người Việt Nam chúng ta đã sớm có những tác giả ảnh như Đặng Huy Trứ, một đại quan triều Nguyễn. Về sau này có thể kể tên một số các nhiếp ảnh gia như Nguyễn Bá Khoản, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Hồng Nghi, Võ Lăng An, Lê Văn Thi, Trần Đăng Ân…Họ vừa tham gia các phong trào cách mạng nhưng đồng thời cũng là những người nghệ sỹ nhiếp ảnh sớm có tác phẩm. Họ vừa là chứng nhân của lịch sử cho những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, ngày Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945. Thông qua các tác phẩm ảnh nghệ thuật lịch sử của mình nhiều tác giả đã để lại những tác phẩm của mình. Tác giả Nguyễn Bá Khoản với bức ảnh
Đoàn Chủ tịch trong buổi lễ tuyên ngôn độc lập, với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đọc Bản Tuyên ngôn trước hàng vạn người dân Thủ đô. Tác giả Võ An Ninh có nhiều bức ảnh về Bác Hồ trong những năm ở Việt Bắc.

Nhưng chúng ta cũng biết, Chủ tịch Hồ Chí Mình, Lãnh tụ cách mạng Việt Nam nhưng người cũng là một nghệ sỹ nhiếp ảnh lớn. Ngay từ những năm 1920, Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, trong những ngày ở Pháp, Người đã từng làm chủ bút tờ Người cùng khổ, đã có lúc Người gắn bó với nghề ảnh.

Đất nước ta trải qua hai cuộc chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, các tác giả ảnh đã đóng góp cho nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam hàng ngàn các tác phẩm ảnh có giá trị cả về mặt lịch sử và nghệ thuật. Bức ảnh “Ngọn cờ đỏ sao vàng quyết chiến, quyết thắng” cắm trên đỉnh Đờ Cát ở Điện Biên Phủ…Những tác phẩm ảnh về hình ảnh quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, những bức ảnh về anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, Nụ cười Võ Thị Thắng, bức ảnh O du kích nhỏ, bức ảnh mẹ và con, rồi ngọn cờ chiến thắng cắm trên Dinh Độc Lập ngày 30/4. Dù những bức ảnh ấy là của tác giả Việt Nam hay là người nước ngoài nhưng nó phản ánh sâu sắc hiện thực của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, khẳng định chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhìn lại một chặng đường xây dựng và phát triển của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam gần 40 năm qua với nền tảng hạt nhân ban đầu là đội ngũ nghệ sỹ nhiếp ảnh đã được rèn luyện, trưởng thành từ Cách mạng Tháng 8/1945 đến nay, có thể khẳng định đội ngũ những nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam ngày nay phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay cả nước có hơn 1000 hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam. Trong số những hội viên ấy nhiều người thuộc đẳng cấp nhiếp ảnh thế giới, châu Á và khu vực. Điều đó được thể hiện qua các cuộc thi ảnh quốc tế. Hầu như cuộc thi ảnh nghệ thuật nào do Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh quốc tế tổ chức, các tác giả Việt đều có tác phẩm tham gia, nhiều người đạt giải cao. Chúng ta có được những thành công đó là nhờ ở trong nước, với sự phát triển của Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh hàng năm tổ chức được nhiều cuộc triển lãm tập thể và cá nhân, các triển lãm khu vực tạo nên một sân chơi nghệ thuật vừa mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, vừa phục vụ công chúng những người yêu nghệ thuật ảnh…Nhưng cũng từ môi trường này đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhiều tài năng sáng tạo cho người nghệ sỹ nhiếp ảnh.

Một trong những đặc trưng quan trọng của nghệ thuật nhiếp ảnh là tính xác thực của đời sống xã hội, cùng với nó còn nhiều yếu tố khác như không gian, thời gian, sự nhạy cảm về tâm hồn của người nghệ sỹ. Có lẽ vì thế các nghệ sỹ nhiếp ảnh là một trong số những tác giả đi nhiều, làm việc không ngơi nghỉ. Tôi có gặp và quen biết nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh, có thể nói bước chân của họ đã có mặt ở hầu hết mọi vùng miền của Tổ quốc, nhất là những nơi có sự kiện lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của đất nước. Do đó nghệ thuật nhiếp ảnh mang tính thời sự đồng thời cũng mang tính nghệ thuật. Trong điều kiện ngày nay đất nước đang thực hiện công cuộc đổi mới, nhiều công trình kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển cũng là cơ sở tạo điều kiện cho người nghệ sỹ nhiếp ảnh được làm việc. Có thể nói hiện thực của đất nước hôm nay với sự đa dạng, phong phú dường như được mở toang dưới con mắt, ống kính của người nghệ sỹ nhiếp ảnh.

Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam trong nhiệm kỳ đại hội 7 2014-2019 đang bước vào giai đoạn mới với những hy vọng, thách thức mới. Một trong những thách thức lớn nhất đòi hỏi ở người nghệ sỹ nhiếp ảnh là làm sao có được nhiều tác phẩm ảnh có giá trị về mặt nội dụng và nghệ thuật cao phản ánh sâu sắc hiện thực và đất nước, con người Việt Nam thời kỳ hội nhập và phát triển. Hi vọng rằng những năm tới nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam có những thành công mới./.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp VHNT Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất