Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tách thành 2 luật để điều chỉnh phương thức vận tải đường bộ có thực sự cần thiết và hợp lý hay không?
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông hiện có rất nhiều luồng ý kiến còn băn khoăn, trái chiều, khác nhau… cần phải được đưa ra thảo luận để thống nhất, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông.
Liệu có phá vỡ sự đồng bộ về hệ thống pháp luật giao thông?
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được sửa đổi theo hướng tách làm 2 luật mới: Luật Đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Theo ông Thanh, để thực hiện một quy định về giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ phải thao khảo 2 luật, từ đó phát sinh nhiều bất cập và có khả năng tranh chấp trách nhiệm và quyền hạn giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an trong quản lý giao thông đường bộ.
Đơn cử, về hệ thống báo hiệu đường bộ và công tác quản lý, đào tạo cấp giấy phép lái xe, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tới nay đều quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, quản lý nhưng tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông lại do Bộ Công an quản lý.
“Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) lần này tách thành 2 luật để điều chỉnh phương thức vận tải đường bộ có cần thiết và hợp lý hay không? Liêu có phá vỡ sự đồng bộ về hệ thống pháp luật giao thông vận tải của nước ta hay không? Có phù hợp với thông lệ quốc tế hay không?” ông Thanh đặt ra câu hỏi.
Mặt khác, theo vị nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, không vì thay đổi một số nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ, ngành trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hoặc lý do nào khác mà xây dựng 2 luật, gây phức tạp và tốn kém.
Tiến sỹ Dương Tất Sinh, Học viện Kỹ thuật Quân sự-Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết Luật Giao thông đường bộ 2008 là tập hợp tổng thể các chế tài có liên quan đến giao thông đường bộ, quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ, điều khoản thi hành.
Ông Sinh cũng cho hay qua thời gian phát triển kinh tế-xã hội và để theo kịp sự tiến bộ của khoa học-công nghệ, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần bổ sung và hoàn thiện các nội dung chi tiết còn bất cập của Luật Giao thông đường bộ 2008 là cần thiết nhưng việc tách thành 2 luật riêng là không phù hợp, bởi nó sẽ làm mất tính logic, quan hệ tương hỗ và mất tính thống nhất giữa các nội dung cấu thành lĩnh vực giao thông đường bộ.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết việc sửa đổi, bổ sung luật lần này cần có định hướng rõ nét về phát triển và quản lý hoạt động giao thông vận tải đô thị; luật cần chế định những nội dung cụ thể, phân công chức năng chủ trì, phối hợp giữa các ngành, lộ trình thực hiện chương trình chuyển đổi số trong giao thông đồng thời đề nghị nghiên cứu sửa đổi luật theo hướng thúc đẩy sử dụng công nghệ để ghi nhận bằng chứng vi phạm và áp dụng hình thức xử phạt nguội là chính.
Nhìn nhận yêu cầu quản lý về trật tự an toàn giao thông không chỉ được quy định trong Luật Trật tự an toàn giao thông mà còn cần được quy định trong xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, theo ông Quyền, nếu tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật thì đề nghị cần có rà soát kỹ dự thảo của cả 2 luật để có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong luật và không phát sinh chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình triển khai thực hiện.
Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nên làm như nào?
Liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, ông Quyền cũng kiến nghị tiếp tục giao ngành giao thông quản lý.
Ông Thanh cho rằng, trong 27 năm qua, Bộ Giao thông Vận tải quản lý tốt, đã đầu tư và ổn định công tác này, nếu thay đổi sẽ gây xáo trộn xã hội rất lớn.
“Sẽ có hàng ngàn cán bộ nhân viên thuộc Bộ Giao thông Vận tải mất việc hoặc phải chuyển đổi ngành nghề khác. Trong khi đó, Bộ Công an phải tuyển dụng và đào tạo lại đội ngũ cán bộ chiến sĩ mới làm nhiệm vụ này cùng việc phải đầu tư trang thiết bị mới. Từ đó dẫn tới tốn kém ngân sách rất lớn,” ông Thanh cảnh báo.
Ông Thanh cũng bày tỏ quan điểm, nếu Bộ Công an đảm nhận công tác này sẽ khép kín từ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đến xử lý vi phạm có thể thuận lợi cho ngành công an nhưng liệu có đảm bảo tính độc lập cũng như cơ chế giám sát quyền lực hay không?
“Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thuộc lĩnh vực dân sự, nên để cơ quan dân sự đảm nhận, không nên giao cho lực lượng vũ trang thực hiện. Quan điểm của chúng tôi là không tán thành chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải về cho Bộ Công an quản lý,” ông Thanh nói.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sỹ Đào Huy Hoàng, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng chưa thể khẳng định chuyển sang Bộ Công an thì công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe sẽ tốt hơn Bộ giao thông Vận tải hiện nay đang thực hiện.
“Việc chuyển đào tạo sát hạch lái xe sang cho Bộ Công an cần tiếp tục nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học vững chắc, xem xét, lấy ý kiến rộng rãi. Nếu còn nhiều ý kiến nên chăng cho phép việc đào tạo và sát hạch lái xe ở cả 2 bộ, tăng cường xã hội hóa và kiểm tra giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng lái xe cơ giới đường bộ,” ông Hoàng cho hay.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của tình hình tai nạn giao thông và mất trật tự khi tham gia giao thông có thể coi là quốc nạn thì giải pháp xây dựng Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông là cần thiết, tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng cũng cần xem xét lại nội dung của luật đảm bảo phù hợp thực tiễn hơn, không thuần túy là tách cơ học từ Luật Giao thông đường bộ./.
Theo VN+