Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 18/6/2011 13:27'(GMT+7)

Nhiều biện pháp thiết thực triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ

Quảng Ninh kiềm chế lạm phát song hành với đảm bảo an sinh xã hội

Giãn tiến độ thực hiện dự án để tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng; ngừng đầu tư mua sắm xe ô tô công; hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh việc thực hiện hỗ trợ lao động nông thôn... là những biện pháp cụ thể của Quảng Ninh để thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tỉnh đã quyết định t ạm thời giãn tiến độ 26 công trình đã khởi công trong năm 2010 với số vốn là 387 tỷ đồng và ngừng triển khai 04 dự án lớn dự kiến sẽ khởi công mới trong năm 2011 với tổng mức đầu tư 1.134 tỷ đồng. Việc giãn và ngừng thi công mới các dự án trên để điều chuyển vốn cho 19 công trình, dự án có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm 2011 với số vốn trên 23.000 tỷ đồng, chủ yếu là các công trình đang thi công, các công trình cần tập trung vốn để giải phóng mặt bằng, các công trình đã có quyết toán.

Quảng Ninh đã chọn 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm để đưa vào bình ổn thị trường trong 6 tháng cuối năm 2011 và Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Tổng số vốn thực hiện chương trình bình ổn giá tại Quảng Ninh vào khoảng hơn 70 tỷ đồng và dự kiến sẽ được triển khai từ đầu tháng 7/2011 đến hết tháng 3/2012. Các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia sẽ được hưởng ưu đãi vay vốn không tính lãi. Tuy nhiên, các đơn vị này cũng phải cam kết giá bán hàng hóa bình ổn này phải thấp hơn so với giá thị trường ít nhất là 10%.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện m ột loạt các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tăng cường đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tháo gỡ kịp thời và có hiệu quả các vướng mắc của doanh nghiệp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, vốn, thuế... Chung vai với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó với tình hình kinh tế khó khăn của lạm phát, của việc tăng giá nguyên liệu. Đó là việc thực hiện tiết kiệm toàn diện chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm ở mức thấp nhất; giảm chi tiêu, giảm các khoản đầu tư chưa cần thiết, sắp xếp lại nhân lực lao động...

Cùng với kiềm chế lạm phát, công tác đảm bảo an sinh xã hội được tỉnh coi là nhiệm vụ quan trọng. Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc triển khai “đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với phương châm gắn đào tạo với giải quyết việc làm, trọng tâm là các mô hình thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn tại các huyện. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 1.163 lao động nông thôn học nghề, đào tạo bồi dưỡng 243 cán bộ, công chức xã, hỗ trợ 34,5 tỷ đồng cho việc trang bị cơ sở vật chất, thiết bị cho 12 cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn. Mới đây, tỉnh đã phê duyệt 10 tỷ đồng dành cho đề án dạy nghề cho lao động nông thôn trong năm 2011; đầu tư 2 trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên có năng lực dạy nghề cho lao động nông thôn tại Đầm Hà và Yên Hưng, với tổng kinh phí 15 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ người lao động thuộc các xã nghèo học nghề để tham gia xuất khẩu lao động, mức 1.500.000đ/người/khóa đối với đào tạo nghề đến 3 tháng dành cho lao động hộ nghèo, người dân tộc thiểu số và 3.000.000 đ/người/khóa đối với nghề đào tạo trên 3 tháng. Nhờ có những giải pháp tích cực trên, 5 tháng đầu năm tình hình kinh tế của tỉnh đạt được kết quả tích cực với giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 12.000 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch và tăng 8,8% cùng kỳ năm 2010, đời sống kinh tế xã hội và của người dân được ổn định.

Vĩnh Long thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế lạm phát

Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long, nhờ thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, nên từ tháng 5/2011 giá cả tiêu dùng đã hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 chỉ tăng 1,27% so với tháng trước.

Tốc độ tăng chậm của các nhóm mặt hàng đã giúp cho thị trường Vĩnh Long khôi phục sức mua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn Vĩnh Long trong 6 tháng đầu năm 2011 đạt 10.406,5 tỷ đồng, tăng 22,38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 3 ngành chủ lực là thương nghiệp bán lẻ, khách sạn nhà hàng và dịch vụ đều có mức tăng trên 22%, nhóm du lịch lữ hành tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng sức mua khu vực nông thôn tăng mạnh so với đầu năm nhờ nhiều loại nông sản, thủy sản trúng mùa được giá, góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sức mua của thị trường toàn tỉnh.

So với tháng 12 năm 2010, giá tiêu dùng trên địa bàn Vĩnh Long đã tăng 10,91%, trong đó giá tăng cao ở nhóm hàng: giao thông tăng 20,61%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 18,89%, thực phẩm tăng 17,3%, dịch vụ ăn uống tăng 9,66%, lương thực tăng 8,6%, may mặc, giày dép, mũ nón tăng 7,78%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 6,46%.

Dự báo trong những tháng cuối năm, giá cả tiêu dùng sẽ tăng chậm lại do hiệu quả của giải pháp kiềm chế lạm phát kết hợp các ngành tăng cường các biện pháp kiểm tra thị trường chặc chẽ, xử lý các hiện tượng “găm hàng”, đầu cơ, tăng giá…đối với các nhóm hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kết hợp với các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, quản lý giá các nhóm hàng có hướng tăng cao trong những tháng đầu năm như giáo dục, lương thực – thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng…, chú trọng kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp lợi dụng việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu để tăng chi phí đầu vào không hợp lý ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm; kiểm tra chặt chẽ việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết tại các chợ đầu mối thành phố, thị trấn, góp phần bình ổn giá cả, kích cầu sức mua của thị trường.

Thái Nguyên tăng thu ngân sách, cắt giảm chi tiêu công

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện triệt để các giải pháp tăng thu ngân sách, cắt giảm chi tiêu công. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tiến hành rà soát, điều chỉnh giảm 10% kế hoạch chi thường xuyên trong dự toán ngân sách năm 2011.

Qua thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, tổng kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn đạt hơn 55 tỷ đồng, trong đó số kinh phí thực hiện tiết kiệm theo chủ trương trên là 30 tỷ đồng, số kinh phí tạm dừng mua tài sản có giá trị lớn, thiết bị văn phòng, giảm quy mô hội nghị, lễ hội… vào khoảng 25 tỷ đồng. Đặc biệt, trong chi phí đầu tư phát triển, Thái Nguyên đã tiến hành đưa vào cắt giảm 7 công trình khởi công mới với tổng vốn cắt giảm trên 20 tỷ đồng; đồng thời UBND tỉnh cũng chỉ đạo chính quyền các huyện, thành, thị trong tỉnh và các chủ đầu tư thực hiện việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn tiến độ các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo phân cấp. Đến nay, tại huyện Định Hóa và thành phố Thái Nguyên đã thực hiện đình hoãn, giãn tiến độ 4 dự án với tổng số vốn là 3,7 tỷ đồng; số kinh phí này được điều chuyển sang thực hiện các dự án cấp bách phục vụ Festival Trà quốc tế năm 2011...

Cùng với việc cắt giảm chi tiêu, ngành thuế tỉnh triển khai các biện pháp tăng thu 7% so với dự toán đầu năm; đồng thời tập trung hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, sớm đưa các dự án công nghiệp trọng điểm đi vào hoạt động. Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết 11/NQ- CP của Chính phủ, tình hình kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội ở Thái Nguyên đã đạt được một số kết quả khả quan, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã có sự giảm tốc rõ rệt, trong khi đó sản xuất công nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, nhất là các sản phẩm công nghiệp, xuất khẩu chủ lực như: xi măng, chè, nông sản, sản phẩm may mặc, dụng cụ, thiết bị cơ khí cầm tay.../.

PV tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất