Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 17/6/2011 21:25'(GMT+7)

Phát triển KT biển nhìn từ cảng biển

Việt Nam muốn phát triển mạnh kinh tế biển, cần phải có quy hoạch và sử dụng tốt các cảng biển. Ảnh: Hoàng Long.

Việt Nam muốn phát triển mạnh kinh tế biển, cần phải có quy hoạch và sử dụng tốt các cảng biển. Ảnh: Hoàng Long.

 
Quy hoạch đi sau thực tế

Trong mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, Nhà nước dự kiến xây dựng 160 bến cảng, 305 cầu cảng đảm bảo hàng hóa thông qua 500 đến 600 triệu tấn trong giai đoạn 2015; từ 800 đến 1100 triệu tấn giai đoạn 2020. Đặc biệt, cảng nước sâu và cảng container phải trở thành trọng tâm phát triển, động lực thúc đẩy kinh tế biển. Tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hoá qua cảng hàng năm đạt bình quân 20%.

Nếu so sánh với thực tế thì mục tiêu quy hoạch đang đi sau nhu cầu phát triển. Một dẫn chứng cụ thể là sản lượng hàng hoá hằng năm thống kê tại cảng Hải Phòng có biên độ tăng trưởng lớn, khoảng hơn 30%. Con số này gấp rưỡi so với mục tiêu quy hoạch. Dự báo về năng lực hoạt động của hệ thống cảng biển ở Hải Phòng thiếu chính xác làm cho kết cấu hạ tầng của cảng ngày càng tỏ ra lạc hậu, không đáp ứng kịp yêu cầu. Điều đó cũng phổ biến tại các cảng lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng và một số cảng biển khác.

Nguyên nhân chính khiến cho các cảng biển không phát huy được hết năng lực do khả năng tài chính đầu tư vào cảng biển thấp nên hệ thống cầu cảng đã mọc lên manh mún, chắp vá, thiếu đồng bộ. Thậm chí, để chạy với yêu cầu, nhiều cảng cá trước đây nay cũng trở thành bến cảng xếp dỡ hàng hoá. Nhiều bãi chứa container đua nhau "mọc” lên. Hệ thống thiết bị xếp dỡ hàng được đánh giá "mạnh ai nấy làm” đã khiến cho hàng hóa tại cầu tàu, bến bãi luôn trong tình trạng "nghẹt thở”.

Sự phát triển cảng biển đã được lựa chọn là điểm mấu chốt để phát triển kinh tế biển, song thực tế, công tác quản lý bến cảng vẫn thiếu tập trung. Việc đầu tư, khai thác, kinh doanh kém hiệu quả. Ngoài một số cảng hoạt động khá, phần lớn còn lại các cảng yếu về năng lực và tài chính, bộ máy quản lý nặng nề, kém hiệu quả.

Theo các chuyên gia đánh giá, hệ thống cảng biển Việt Nam chủ yếu là cảng tổng hợp và cảng chuyên dùng, bến container chiếm rất ít, trong khi đó xu thế vận chuyển hàng hóa bằng container ngày một tăng cao. Việt nam phải khắc phục điểm này thì mới đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, phải hình thành những cảng trung tâm quy mô mang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận tải biển xa của Việt Nam, thu hút nguồn hàng trung chuyển quốc gia và quốc tế.

Phát triển cảng biển đã được lựa chọn là điểm mấu chốt
để phát triển kinh tế biển
                                                      Ảnh:
HOÀNG LONG
 
Nâng cao vị thế của cảng biển Việt Nam đối với quốc tế

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã từng khẳng định, tiến ra biển là xu thế tất yếu của Việt Nam để tìm kiếm và bảo đảm các nhu cầu về tăng trưởng và phát triển trong tương lai.

Hiện nay, Việt Nam đang tìm mọi cách để phát huy lợi thế, khai thác tối đa tiềm năng vùng biển, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển. Tạo cơ chế thuận lợi trong khai thác cảng để phát huy hiệu quả đầu tư.

Nếu muốn đạt được mục tiêu đó, các cảng biển của Việt Nam trong thời gian tới cần nâng cao chất lượng và phát triển rộng các loại dịch vụ, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao sức cạnh tranh; duy trì, phát triển các mối quan hệ đối ngoại, tham gia tích cực vào các hoạt động của Hiệp hội Cảng biển ASEAN, Hiệp hội Cảng biển quốc tế; tăng cường tiếp thị, tìm kiếm, xúc tiến thông tin thị trường cho khối cảng...

Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng hàng đầu về hàng hải với vị trí địa lý thuận lợi nên nếu hệ thống cảng biển phát triển nhanh, đồng bộ và hội tụ đủ điều kiện, tiêu chuẩn quốc tế sẽ làm thay đổi đáng kể tình hình vận tải biển trong khu vực trong thập niên tới.

Một một giám đốc công ty đầu tư và tư vấn cảng biển cho rằng, quy hoạch cảng biển phải nhanh nhạy, phải gắn được với những chuỗi dịch vụ liên hoàn (bốc hàng, lưu kho, bảo quản) đáp ứng yêu cầu các đối tác nước ngoài thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khối lượng luân chuyển hàng hóa thông qua cảng biển sẽ tăng theo khối hoạt động xuất nhập khẩu, do vậy, sự gắn kết giữa cảng với cải cách hành chính, thủ tục hải quan phải cần được thay đổi.

Nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, ông Đăng Lâm cho rằng, quan trọng nhất hiện nay tận tận dụng tối đa vị trí, địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển toàn diện hệ thống cảng biển, đột phá đi thẳng vào hiện đại. Từ đó nhanh chóng hòa nhập với các nước tiên tiến trong khu vực về lĩnh vực cảng biển, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, từng bước đưa hàng hải trở thành kinh tế mũi nhọn.

Thúy Hằng/Đaiđoankêt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất