Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi
thường Nhà nước sửa đổi lần này có nhiều điểm mới so với luật hiện hành
cũng như của các nước.
Thay mặt cơ quan soạn thảo dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà
nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc xây dựng dự án
Luật này trên nguyên tắc bảo đảm tính khả thi, bảo đảm tốt hơn quyền con
người, quyền công dân theo Hiến pháp.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, các điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi lần này là: Phạm vi và trách nhiệm bồi thường
của Nhà nước rộng hơn (luật hiện hành quy định 29 trường hợp được bồi
thường, dự thảo luật lần này là 35 trường hợp); thủ tục giải quyết nhanh
hơn, số ngày rút ngắn hơn; công thức tính bồi thường rõ hơn và cụ thể
hơn; mức hoàn trả cao hơn (có trường hợp được hoàn trả 100%); người bị
thiệt hại được tạm ứng một khoản tiền trước; làm rõ trách nhiệm của cơ
quan Nhà nước, bảo đảm tốt hơn quyền của công dân, đồng thời bảo đảm sự
vận hành bình thường và không làm “chùn tay” cơ quan tố tụng.
Đề cập đến quá trình thương lượng, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng
đây là nguyên tắc theo Bộ luật Dân sự. Đây cũng là cách thức tiếp cận
chung của các nước và của luật hiện hành. Mặc dù một bên là cơ quan nhà
nước, một bên là người dân. Trên tinh thần đó, dự thảo đã cân nhắc kỹ về
thương lượng bồi thường oan sai (từ thành phần, địa điểm, nội dung, quy
trình), thiệt hại cụ thể được quy định rõ trong các điều khoản.
“Điều này tạo sự thống nhất, thoả thuận của các bên trước khi quyết
định việc bồi thường chứ không hẳn là “cò kè” thêm bớt với công dân”, Bộ
trưởng Lê Thành Long nói.
Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường theo nguyên tắc là cơ quan
gây oan sai sau cùng. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của
đại biểu về nội dung này trên nguyên tắc của Bộ luật Dân sự.
Về phục hồi danh sự, cũng theo nguyên tắc của Bộ luật Dân sự cần sự
chủ động của nguyên đơn. Đối với trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm bồi
thường oan sai do công chức gây ra thuộc về Nhà nước. Người thi hành
công vụ làm sai thì Nhà nước thực hiện trách nhiệm này. Cùng với đó là
xác định trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước đối với công chức gây ra theo
trách nhiệm và lỗi của người thi hành công vụ gây ra oan sai./.
Theo chinhphu.vn