Nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, thiếu căn cứ khoa học, vừa
cản trở môi trường kinh doanh, vừa không bảo đảm hiệu lực quản lý nhà
nước.
Gần 106 nghìn
doanh nghiệp được thành lập mới và khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh
không còn hiệu lực là những kết quả đáng ghi nhận sau 1 năm triển khai
Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư sửa đổi. Tuy nhiên, vẫn còn không ít
vướng mắc khi triển khai 2 Luật này, đòi hỏi Chính phủ cùng các Bộ, ban,
ngành cần tiếp tục rà soát, sửa đổi để Luật thực sự đi vào cuộc sống.
|
Luật Đầu tư sửa đổi tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển (Ảnh minh họa: baoninhbinh.org.vn) |
Theo thống kê
của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày
01/07/2015, đã có gần 106 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với
số vốn đăng ký đạt gần 768 nghìn tỷ đồng, tăng cả về số doanh nghiệp và
số vốn so với cùng kỳ năm trước. Thời gian cấp đăng ký thành lập mới
doanh nghiệp và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đều giảm
đáng kể so với thời điểm trước khi có Luật Doanh nghiệp 2014.
Trong khi đó,
việc không phải ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh và bãi bỏ qui định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho
nhà đầu tư trong nước cũng giúp giảm chi phí thực hiện thủ tục hành
chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp; đồng thời,
tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào
Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất
Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho
rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và tất cả các bộ, ngành địa
phương đã rất tích cực và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở
2 khâu là hoàn thiện luật pháp, chính sách ngày càng thông thoáng,
thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Đồng thời, quyết liệt
triển khai khâu thực thi ngày càng thuận lợi, thân thiện hơn cho các nhà
đầu tư.
Nhờ những cải
cách mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng như những
thay đổi mà Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi mang lại, Việt Nam
được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng “Môi
trường kinh doanh toàn cầu”.
Cùng với đó,
trong “Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 của Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng ghi nhận đăng kí thành lập doanh
nghiệp có bước tiến lớn nhất và có số điểm cao nhất trong vòng 11 năm
điều tra PCI.
Bên cạnh những
kết quả tích cực đã đạt được thì đến nay việc thực thi Luật Doanh
nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại như: mặc dù
bỏ quy định phải ghi điều kiện kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng kí
kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn phải tự khai ngành nghề đăng kí kinh
doanh khi đăng ký và khi sửa đổi đăng ký kinh doanh; quy định về quản lý
và sử dụng con dấu doanh nghiệp vẫn còn nhiều điểm chưa rõ, dễ gây rủi
ro trong quá trình giao dịch; vẫn còn một số quy định thiếu đồng bộ giữa
Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi với các luật chuyên ngành…
Ông Vũ Tiến Lộc,
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Luật Doanh
nghiệp và Luật Đầu tư qua quá trình rà soát, lấy ý kiến doanh nghiệp,
chúng tôi cũng thấy có một số điểm chưa thực sự hợp lý, đặc biệt là danh
mục 267 ngành, nghề có điều kiện kinh doanh thì trên thực tế một số
ngành, nghề không nhất thiết phải có điều kiện kinh doanh theo đúng yêu
cầu của Hiến pháp và pháp luật. Chính vì vậy, chúng tôi đang rà soát để
có thể kiến nghị với Chính phủ, với Quốc hội ban hành một luật sửa đổi
nhiều luật liên quan đến kinh doanh, trong đó bao gồm cả Luật Đầu tư và
Luật Doanh nghiệp để đảm bảo tính nhất quán của hệ thống pháp luật và
đảm bảo một môi trường kinh doanh tốt nhất, đảm bảo quyền tự do kinh
doanh của người dân và doanh nghiệp".
Mặc dù Tổ công
tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã cùng Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp rà soát, bãi bỏ hàng nghìn điều
kiện kinh doanh bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời,
tích cực hướng dẫn các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, soạn
thảo các Nghị định về điều kiện kinh doanh, nhưng, sau thời điểm
1/7/2016, vẫn còn không ít điều kiện kinh doanh không cần thiết, thiếu
căn cứ khoa học, vừa cản trở môi trường kinh doanh, vừa không bảo đảm
hiệu lực quản lý nhà nước.
Các chuyên gia
kinh tế cho rằng, cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh là việc
rất khó khăn, phức tạp, chính vì vậy, công việc này không thể dừng lại
tại thời điểm 1/7, mà cần được rà soát thường xuyên để đảm bảo tính minh
bạch cũng như hiệu quả thi hành trong thực tiễn.
Ông Phan Đức Hiếu
– Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói: "Đợt
rà soát vừa rồi, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây
dựng 1 luật với mục tiêu là sửa các luật có liên quan để đảm bảo những
tinh thần và nội dung của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được thực
hiện một cách triệt để trên thực tế và không bị hạn chế bởi các quy định
khác. Thứ 2, xóa bỏ những cái không tương thích hoặc mâu thuẫn giữa
Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật có liên quan. Thứ 3, trong kỳ
này, Quốc hội cũng giao nhiệm vụ rà soát ngay cả danh mục 267 ngành
nghề kinh doanh có điều kiện để bãi bỏ những ngành nghề kinh doanh có
điều kiện không còn cần thiết".
Để nâng cao hiệu
quả thực tiễn của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trong thời gian tới, Bộ
trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục
tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu
tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35 của
Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp 2016 - 2020./.
Theo VOVnews