Ngay khi bước vào năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã sớm công bố phương án thi THPT quốc gia năm 2017. Kỳ thi nhằm lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) tuyển sinh.
Về cách thức tổ chức thi năm 2017, tổ chức ở tất cả tỉnh, thành phố, do sở GD và ÐT chủ trì, các trường ÐH, CÐ phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi với tỷ lệ 50% số cán bộ coi thi của địa phương, 50% đến từ các trường ÐH, CÐ. Các điểm thi được đặt tại các trường hoặc liên trường THPT ở các quận, huyện. Ðặc biệt, kỳ thi có năm bài thi, gồm ba bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; hai bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Ðịa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Ðịa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên). Theo phương thức tổ chức thi mới, thí sinh có thể thi nhiều môn hơn, nhưng thời gian rút ngắn hơn trước. Trước đây, kỳ thi được tổ chức trong bốn ngày, nay rút xuống còn hai ngày rưỡi.
Ðối với đề thi, được xây dựng phù hợp hình thức thi theo bài đã công bố, theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; bảo đảm phân hóa kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ÐH, CÐ. Hội đồng ra đề kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được thành lập, triển khai hoạt động sớm và bàn giao đề thi gốc đến các hội đồng thi sớm hơn các năm trước. Theo PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ÐT), phương thức thi năm nay nhằm mục đích bảo đảm kết quả kỳ thi tin cậy hơn, hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi. Tổ chức thi theo phương thức này sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, vừa đáp ứng mục tiêu đánh giá toàn diện kết quả học tập của học sinh, khắc phục dần tình trạng học lệch; góp phần làm cho thi, kiểm tra, đánh giá thật sự là động lực, tác động trở lại và thúc đẩy quá trình dạy học trong trường phổ thông. Kết quả thi chính xác, khách quan, có độ phân hóa sẽ giúp các trường ÐH, CÐ thuận lợi hơn trong tuyển sinh.
Phù hợp chủ trương đổi mới giáo dục
Mặc dù, phương án và cách thức triển khai thi mới nhằm tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, hiệu quả, tăng quyền lợi cho thí sinh, nhưng khi bước vào kỳ thi, vẫn có nhiều ý kiến lo lắng bởi nếu chỉ một sơ suất nhỏ có thể tác động đến toàn hệ thống. Tuy nhiên, kỳ thi kết thúc, phần lớn ý kiến của các trường đại học, các địa phương cũng như phụ huynh, thí sinh đều đánh giá quá trình tổ chức kỳ thi năm nay tạo nhiều thuận lợi.
Thí sinh Hoàng Văn Bình, dự thi tại điểm thi Trường THPT Lạng Giang 1 (tỉnh Bắc Giang) cho biết, em dự thi để lấy kết quả đăng ký xét tuyển sinh. Vì vậy, em chỉ thi Ngữ văn, Toán và môn Lịch sử (trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội). Trong đó, hai môn Toán và Lịch sử đều thi trắc nghiệm lần đầu nhưng đề khá hay, thí sinh không mất công trình bày dài dòng trong bài thi như trước. Các kiến thức trong bài thi đòi hỏi thí sinh phải hiểu và suy luận thì mới làm được. Trong khi đó, thí sinh Ðồng Văn Long, hội đồng thi Trường THPT Lạng Giang 1 chia sẻ, việc được dự thi ở điểm thi gần nhà là một thuận lợi, bớt vất vả, căng thẳng, lo lắng.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hạnh, trưởng điểm thi Trường THPT Lạng Giang 1 cho rằng, so với những năm trước đây, việc thí sinh thi ngay tại địa phương là rất thuận lợi cho các em, vì đã quen trường, lớp; gia đình các em không phải chuẩn bị gì nhiều. Vì vậy, ở điểm thi Trường THPT Lạng Giang 1, phần lớn thí sinh tự đi thi, gia đình không vất vả đưa đón. Các quy trình làm công tác coi thi, nhất là với các bài thi tổ hợp cũng gây lo lắng cho giám thị, nhưng thực tế khi triển khai, do được tập huấn kỹ, cho nên không xảy ra sự cố gì. Ðáng chú ý, việc thí sinh thi trắc nghiệm với mỗi em một mã đề, giúp tăng tính nghiêm túc của kỳ thi.
Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm đánh giá, với những điểm mới, kỳ thi năm 2017 vừa bảo đảm nhẹ nhàng, nghiêm túc, vừa đánh giá chính xác được trình độ, năng lực thí sinh. Tuy nhiên, Bộ GD và ÐT cần thay đổi cách sắp xếp thí sinh theo các môn thi đăng ký cùng nhau, dù là thí sinh giáo dục thường xuyên hay thí sinh tự do, nhằm tránh tình trạng có môn thi, một phòng chỉ một, hai thí sinh, sẽ lãng phí. TS Trương Tiến Tùng, Giám đốc Viện ÐH Mở Hà Nội (đơn vị phối hợp trong tổ chức thi tại tỉnh Hà Giang) cho rằng, quá trình phối hợp cho thấy địa phương chuẩn bị khá kỹ lưỡng, việc thi trắc nghiệm chắc chắn làm giảm tiêu cực…
Theo Thứ trưởng GD và ÐT Bùi Văn Ga, việc tổ chức một loại cụm thi ở mỗi tỉnh, thành phố do sở GD và ÐT chủ trì, các trường ÐH, CÐ phối hợp là một đổi mới căn bản về cách thức tổ chức thi và tuyển sinh theo hướng tích cực, trong bối cảnh xã hội chưa thật sự tin tưởng sự khách quan, công bằng của các kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tại địa phương trước đây. Kỳ thi hầu như không gây áp lực về cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại ở các thành phố lớn. Việc đổi mới phương thức thi và nội dung câu hỏi thi phù hợp chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 khẳng định đổi mới thi, tuyển sinh đã đi đúng hướng. Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định về cơ bản cho những năm sắp tới.
GS, TSKH Bùi Văn Ga
Thứ trưởng GD và ÐT
|
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có sự phối hợp hiệu quả giữa các sở GD và ÐT cùng các trường ÐH, CÐ. Kết quả kỳ thi đủ tin cậy để các trường ÐH, CÐ thực hiện công tác xét tuyển.
PGS, TS Hoàng Minh Sơn
Hiệu trưởng Trường ÐH Bách khoa Hà Nội
|