Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 11/2/2016 15:46'(GMT+7)

Nhiều đổi mới về ban hành văn bản quy phạm pháp luật


Nhằm tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, bảo đảm phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013, trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là Luật năm 2015) gồm 17 chương, 173 điều. Luật có nhiều quy định mới mang tính đột phá trong quy trình xây dựng pháp luật. Việc ban hành Luật góp phần tạo khuôn khổ pháp lý với nhiều đổi mới về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả. 

* Quy định cụ thể và chặt chẽ hơn 

Để khắc phục hạn chế trong việc phân biệt khái niệm văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính thông thường và những văn bản khác của cơ quan nhà nước được ban hành trong thời gian qua, Luật đã quy định cụ thể về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, theo hướng ngắn gọn, súc tích hơn so với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Trong đó, ngoài việc giữ lại tiêu chí “được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục”, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã bổ sung tiêu chí “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật...”, qua đó xác định cụ thể những vấn đề gì cần ban hành bằng văn bản quy phạm pháp luật và thuộc thẩm quyền của cơ quan, người có thẩm quyền nào. 

Với chủ trương tiếp tục tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định cụ thể về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, tiếp tục giảm được 05 loại văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội (trừ nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Bám sát các quy định của Hiến pháp về nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Luật mới đã quy định cụ thể và chặt chẽ hơn nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, các cấp chính quyền địa phương, phù hợp với tính chất, mức độ, phạm vi thẩm quyền của từng chủ thể; cụ thể hóa nguyên tắc ủy quyền lập pháp và ủy quyền ban hành văn bản quy định chi tiết. 

* Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch 

Các quy định của Luật đã tăng cường bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm trước nhân dân trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Luật mới bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Đồng thời, việc lấy ý kiến nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản được tiến hành từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (giai đoạn lập chính sách) đến giai đoạn soạn thảo văn bản. 

Luật đã đổi mới cơ bản chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo hướng chỉ quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm nhằm bảo đảm tính chủ động và linh hoạt hơn trong công tác lập pháp. Đặc biệt, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc bổ sung quy trình phân tích chính sách ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội đã được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã bổ sung cơ chế giúp đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến lập pháp. Theo đó, đại biểu có quyền đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp hỗ trợ trong việc lập văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh, hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện cần thiết để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (Điều 33). 

Luật mới bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là việc cấm quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trừ trường hợp được giao trong luật. 

Luật đã quy định cụ thể, hợp lý hơn các trường hợp, các loại văn bản và trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. So với Luật năm 2008, Luật năm 2015 bổ sung 03 trường hợp gồm: (1) Trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; (2) Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội; (3) Trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định. 

* Xác định trách nhiệm rõ ràng 

Luật đã quy định về trách nhiệm pháp lý của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, những trường hợp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 7). 

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 bổ sung quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, công chức tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hiện đại hóa phương tiện, hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm kinh phí từ giai đoạn xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý đến hoàn thiện, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá, với những nội dung đổi mới quan trọng trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định trong Luật năm 2015, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nếu được thi hành tốt ở các cấp, các ngành, các địa phương, sẽ là công cụ mạnh mẽ, đáng tin cậy giúp Nhà nước ta có một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, dễ tiếp cận, trong quá trình chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, thực chất và tăng cường hội nhập quốc tế toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu./. 


Quỳnh Hoa/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất