(TG)-Ngày 05/4/2017 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2017. Tại buổi Họp báo do Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chủ trì, lãnh đạo Bộ KH&CN, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời trực tiếp những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.
Theo ông Bùi Thế Duy - Chánh Văn phòng Bộ KH&CN: Về công tác xây dựng cơ chế chính sách, trong quý I/2017, Bộ KH&CN tập trung xây dựng tiến tới hoàn thiện một số chính sách, bao gồm một số nội dung chính sau: trình Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành KH&CN; trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nhằm cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Chính phủ giao tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, cụ thể: xây dựng tài liệu hướng dẫn nhanh về khái niệm và nguồn thông tin của các chỉ số về đổi mới sáng tạo; phối hợp với các chuyên gia của WIPO tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ về nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Cũng trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã ký ban hành Thông tư 01/TT-BKHCN quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 54/1016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN.
Bộ KH&CN đã hoàn tất và xin ý kiến các Bộ, ngành nội dung sửa đổi quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp bao gồm: Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (hậu kiểm); Kết quả đánh giá chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật (hậu kiểm); Kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện (tiền kiểm, chỉ áp dụng đối với hàng hóa có nguy cơ cực cao hoặc nhạy cảm, hạn chế nhập khẩu).
Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao. Dự thảo Luật với 6 Chương, 59 Điều đã bao quát các vấn đề đặt đối với phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN). Tại Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 16/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Dự thảo Luật CGCN sửa đổi lần này và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý đã tiếp thu rất tốt hầu hết các ý kiến của các Đại biểu Quốc hội. Nhiều cơ chế, chính sách, nhiều quy định mới tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động CGCN. Sau khi Luật này ra đời, hoạt động CGCN sẽ tốt hơn, việc phát triển thị trường công nghệ sẽ đi nhanh hơn.
Bên cạnh công tác xây dựng cơ chế chính sách pháp luật về KH&CN, trong quý I /2017, Bộ KH&CN cũng đã tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo quan trọng. Một trong những sự kiện nổi bật là Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” ngày 4/1/2017 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Hội nghị nhằm đánh giá các kết quả KH&CN trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các ngành/lĩnh vực mũi nhọn, các nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, địa phương; tái cơ cấu ngành KH&CN theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế.
Nhằm ghi nhận và biểu dương những thành tựu to lớn mà đội ngũ cán bộ KH&CN Việt Nam đã đạt được trong những năm vừa qua, ngày 15/1, Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN (đợt 5) cho các tác giả/đồng tác giả của 9 công trình đặc biệt xuất sắc và 7 công trình xuất sắc. Chủ tịch Nước Trần Đại Quang trực tiếp tham dự vào trao giải. Đây là Giải thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội ghi nhận, là nguồn động viên, khích lệ và động lực mạnh mẽ cộng đồng các nhà khoa học cố gắng hơn, quyết tâm hơn và trách nhiệm hơn trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vì một nền KH&CN nước nhà tiên tiến, và vì sự phát triển KT-XH của Việt Nam.
Tháng 3 vừa qua, Bộ KH&CN tổ chức đón tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đến thăm và làm việc tại Việt Nam, phối hợp với các chuyên gia của WIPO tổ chức Hội nghị hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ về nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Bộ KH&CN và WIPO đã kết Biên bản ghi nhớ xây dựng Chiến lược quốc gia về SHTT của Việt Nam. Việc ký kết có ý nghĩa rất quan trọng đối với mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai bên, qua đó thiết lập một cơ chế hợp tác chính thức trong việc triển khai xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia cho Việt Nam, nhằm giải quyết các nhu cầu và ưu tiên cụ thể của đất nước trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, đồng thời thống nhất với chính sách phát triển và mục tiêu kinh tế chung của quốc gia.
Cũng trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Dự án KH&CN cấp quốc gia (2005-2016) với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thông qua các nhiệm vụ thuộc Dự án, các doanh nghiệp đã tạo ra được các sản phẩm mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nền kinh tế; nhiều đơn vị cơ khí đã khẳng định được thương hiệu và vị trí của mình không những ở thị trường trong nước mà cả trên thế giới, lực lượng cán bộ KH&CN của ngành đã từng bước trưởng thành, tiêu biểu như: Dự án KH&CN “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clanhke/ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hóa”. Thông qua Dự án KH&CN này, đối với dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clanhke/ngày, đã tự đảm nhiệm thiết kế công nghệ và xây dựng (trước đó trong nước chỉ đảm nhận được việc lập dự án đầu tư và thiết kế sơ bộ cho các chủ đầu tư, các công việc khác đều do nhà thầu nước ngoài thực hiện). Đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học trong nước đã làm chủ trọn vẹn một gói thầu đến công đoạn đóng bao từ khâu thiết kế công nghệ, chế tạo, mua sắm (chỉ nhập khẩu 2 máy đóng bao), cung cấp, lắp đặt và vận hành chạy thử thiết bị hành công với chất lượng tương đương sản phẩm nhập ngoại; Đối với Dự án KH&CN “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành thiết bị thủy điện cho nhà máy thủy điện Đakrông công suất 20 MW”, Thực hiện một trong các nhiệm vụ của dự án, Công ty Cổ phẩn Thiết bị điện Đông Anh phối hợp với các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã hoàn toàn làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo máy biến áp công suất 250 kVA ở cấp điện áp cao tới 220 kV. Dự án KH&CN “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam”, Thông qua hỗ trợ của dự án KH&CN, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã làm bước đầu làm chủ được tính toán, thiết kế và mô phỏng hoàn chỉnh kết cấu ô tô khách, từ đó rút ngắn khoảng cách trình độ thiết kế và công nghệ chế tạo ô tô của Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN...Bên cạnh các nhiệm vụ đã triển khai có kết quả, hiện nay Bộ KH&CN đang tiếp tục triển khai một số Dự án KH&CN nhằm thúc đẩy sự phát triển của một số ngành, như: Dây chuyền thiết bị sản xuất gạch bê tông khí chưng áp công suất 200.000 m3/năm; Chế tạo và khai thác cảng nổi nước sâu đa năng; Sản xuất sắt xốp và sử dụng sắt xốp để luyện một số thép hợp kim phục vụ kinh tế và quốc phòng; Thiết kế và chế tạo thiết bị phụ cho các nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 600 MW; Thiết kế và chế tạo một số thiết bị chính cho Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2; Sản xuất một số thuốc dùng điều trị ung thư./.
Tuấn Đạt