Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết ngay từ những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo tiến độ cụm dự án đường dây 500kV mạch 3.
CPMB đã thành lập Ban điều hành công trường đường dây 500kV từ Vũng Áng đến Pleiku 2 để điều hành trực tiếp công trình do Giám đốc làm Trưởng Ban điều hành, các Phó Giám đốc và các Trưởng phòng đều tham gia Ban điều hành.
Ban cũng thành lập 7 Ban chỉ đạo tiền phương ở các tỉnh, thành phố là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai.
Mỗi ban chỉ đạo tiền phương bao gồm Trưởng, Phó phòng, các cán bộ kỹ thuật, đền bù, vật tư, thường trực để phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc tại hiện trường.
Các nhà thầu thi công, Tư vấn giám sát, Tư vấn thiết kế đều đã thành lập Ban chỉ đạo/Tổ công tác song song với Ban chỉ đạo tiền phương của CPMB để điều hành tiến độ tại công trường.
Mới đây, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đến làm việc với 8 tỉnh và 1 thành phố có dự án đi qua để đề nghị các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho Chủ đầu tư trong lập hồ sơ đo đạc giải thửa và bồi thường giải phóng mặt bằng, đáp ứng mục tiêu tiến độ dự án.
Ngay tại buổi lễ khởi công các dự án, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ các đơn vị tham gia ngay từ những ngày đầu triển khai dự án.
Trong từng thời điểm nhất định có vướng mắc kịp thời tháo gỡ để hỗ trợ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), đồng thời có công điện với các địa phương để giải quyết các điểm nóng.
EVN, Ban Chỉ đạo công trình, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra và tháo gỡ các vướng mắc, cùng với EVNNPT và CPMB làm việc cụ thể với các địa phương giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi công.
Đến thời điểm này, CPMB đã trình EVNNPT phê duyệt Tổng tiến độ để tổ chức quản lý điều hành đảm bảo hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ được duyệt. Tập trung nâng cao quản lý chất lượng trong thi công công trình cũng như đối với từng lĩnh vực cụ thể như: chất lượng vật tư, vật liệu và thiết bị của các dự án.
Bên cạnh đó, CPMB tăng cường quản lý hợp đồng với các nhà thầu, kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ của dự án.
Ban cũng yêu cầu các nhà thầu tham gia dự án phải tuân thủ nghiêm công tác quản lý chất lượng, các cam kết trong hợp đồng, các quy định về quản lý chất lượng; tăng cường lực lượng chỉ đạo và giám sát kỹ thuật tại công trường; thực hiện nghiêm việc nghiệm thu nội bộ trước khi tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu.
Lãnh đạo EVNNPT sẽ trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai dự án, trong một số trường hợp cụ thể sẽ trực tiếp tham gia điều hành, từ công tác điều phối cung cấp vật tư thiết bị đến điều hành trên công trường và huy động các lực lượng nội bộ trong Tổng công ty.
Giám đốc CPMB luôn theo dõi sát tiến độ, đi kiểm tra công trường và giải quyết kịp thời các vướng mắc với các đơn vị liên quan; trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường trong giai đoạn nước rút nhằm huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường.
Lãnh đạo CPMB, Ban điều hành và các Ban tiền phương chịu trách nhiệm điều hành chi tiết thi công, thường trực trên công trình để kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công của các nhà thầu; khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương để bàn giao mặt bằng các vị trí móng và hành lang tuyến theo kế hoạch cho các nhà thầu xây lắp.
Riêng về chế độ, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, theo CPMB, cần tính đúng, tính đủ theo đúng các quy định của Chính phủ và địa phương; Thủ tục kê kiểm, áp giá, niêm yết… cần làm đúng trình tự quy định ngay từ đầu. Trong những trường hợp cụ thể cần hỗ trợ lực lượng thi công hoặc cưỡng chế khi đã có đủ hồ sơ, rút ngắn được thời gian.
Đặc biệt, kinh nghiệm trong quá trình thi công các dự án trọng điểm của CPMB là phải bám sát chính quyền địa phương các cấp từ đảng ủy, chính quyền cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng, đề xuất các biện pháp giải quyết, tiếp cận cùng chính quyền từ cấp xã/huyện để tuyên truyền, vận động, giải thích... cho người dân và tổ chức bị ảnh hưởng.
Trên cơ sở khối lượng công việc cần phải thực hiện, CPMB lập kế hoạch và yêu cầu các đơn vị liên quan phát huy nhân lực, vật lực, nêu cao tinh thần tự giác trách nhiệm.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đơn vị trong và ngoài ngành điện chủ động cùng các địa phương kê kiểm, lập, trình và đôn đốc phê duyệt phương án đền bù để trả tiền cho dân, đảm bảo bàn giao mặt bằng các vị trí móng và hành lang tuyến theo kế hoạch cho các nhà thầu thi công với các mốc tiến độ. Cụ thể, đến tháng 6/2019 sẽ bàn giao mặt bằng phần móng; từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 sẽ bàn giao hành lang tuyến.
Riêng các Nhà thầu tư vấn giám sát, CPMB yêu cầu bố trí đủ quân số để giám sát và nghiệm thu chuyển bước thi công, đảm bảo tiến độ thi công của các nhà thầu xây lắp. Đồng thời triển khai nghiệm thu ngay các hạng mục khi đã hoàn thành để rút ngắn tiến độ nghiệm thu hoàn thành bàn giao đóng điện.
Đối với các Nhà thầu xây lắp, Ban cũng yêu cầu bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện máy móc thiết bị thi công trên công trường, tranh thủ thời tiết, chủ động phối hợp cùng CPMB, chính quyền địa phương các cấp trong bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ thi công, kịp thời phản ánh những vướng mắc khó khăn để các bên cùng tham gia tháo gỡ.
Đặc biệt tổ chức thi công theo hình thức cuốn chiếu, với mục tiêu: đến tháng 9 năm nay sẽ hoàn thành hạng mục đào đúc móng; từ tháng 6 năm nay đến tháng 3/2020 sẽ hoàn thành lắp dựng cột; từ tháng 8/2019 đến tháng 5/2020 kéo rải dây xong và nghiệm thu đóng điện trong thời gian từ tháng 5 - 6/2020; phần ngăn xuất tuyến sẽ nghiệm thu đóng điện trong thời gian từ tháng 5 - 6/2020.
CPMB cho biết các dự án Đường dây 500kV: Nhiệt điện Quảng Trạch-Vũng Áng và sân phân phối 500kV Trung tâm điện lực (TTĐL) Quảng Trạch, Quảng Trạch-Dốc Sỏi và Dốc Sỏi-Pleiku 2 (Đường dây 500kV mạch 3) có tổng chiều dài trên 740km, đi qua địa bàn 9 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai.
Khối lượng công việc các đơn vị thi công cần phải tập trung thực hiện rất lớn như: đào đúc móng, dựng cột 1.608 vị trí; kéo rải căng dây 741,74 km mạch kép, xây dựng sân phân phối 500kV TTĐL Quảng Trạch, các ngăn xuất tuyến tại trạm biến áp (TBA) 500kV Vũng Áng, Dốc Sỏi và Pleiku 2.
Theo CPMB, trong quá trình triển khai dự án nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự ủng hộ và giúp đỡ của chính quyền địa phương có đường dây đi qua thuộc các tỉnh, thành: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai đã giúp CPMB giải quyết kịp thời các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành dự án.
Mặc dù vậy, đánh giá của CPMB cũng cho thấy dự án có quy mô lớn, thi công trong điều kiện địa hình khó khăn, phức tạp.
Trong khi đó, vừa phải cắt điện để thi công các đoạn tuyến giao chéo với đường dây 500kV mạch 1, mạch 2, các đường dây 220/110kV, các đường dây trung/hạ thế mà vẫn đảm bảo cung cấp điện.
Một số gói thầu vật tư thiết bị có quy mô lớn nên thời gian đánh giá, xét chọn thầu và thực hiện hợp đồng sẽ phải kéo dài.
Mặt khác, việc bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cũng thường xuyên gặp vướng mắc bên cạnh thời tiết khu vực miền Trung, Tây Nguyên đặc thù là khắc nghiệt./.
Theo VN+