Thứ Hai, 25/11/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 11/2/2019 7:24'(GMT+7)

Thay đổi tư duy khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc

Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: TTXVN)

Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: TTXVN)

Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo năm 2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc càng phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Vì vậy doanh nghiệp và nông dân cần phải tuân thủ theo quy định trọng sản xuất và phát triển bền vững, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung Quốc không còn là “khách hàng” dễ tính. Sự chuyển dịch tầng lớp dân cư nước này diễn ra rất mạnh mẽ, khi có tới 60% số người thuộc tầng lớp trung lưu. Do đó, nhu cầu các sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm cũng tăng theo.

Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng từ xưa tới nay, ngành nông nghiệp vẫn quen với việc sản xuất ra rồi mới chào hàng, nói cách khác là "bán những những gì chúng ta có thay vì bán những gì thị trường cần". Điều này đòi hỏi cần có sự thay đổi trong tư duy và thói quen của cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất.

Năm 2018, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các thị trường truyền thống đều tăng trưởng mạnh so với năm 2017, ngoại trừ thị trường Trung Quốc.

Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng đầu ra nông sản của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, trong khi đó thị trường này ngày càng siết chặt quản lý nhập khẩu, thậm chí đóng cửa nhiều tuyến cửa khẩu xuất khẩu tiểu ngạch.

Đối với trái cây, Việt Nam hiện nay có tasm loại trái cây tươi được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm. Các sản phẩm đang đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường theo thứ tự ưu tiên gồm sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, na, roi, măng cụt.

"Phía Trung Quốc nhất trí sẽ xem xét theo thứ tự ưu tiên mà phía Việt Nam đề nghị. Đồng thời, yêu cầu phía Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật để đẩy nhanh tiến trình mở cửa", ông Nguyễn Quốc Toản cho biết.

Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết thêm, quan điểm của Trung Quốc và Việt Nam là nông sản Việt Nam cần hướng tới xuất khẩu chính ngạch. Việc này giúp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp và năng lực thích ứng thị trường của nông dân được nâng cao.

Ngoài ra, thương mại điện tử ở Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh đến từng ngóc ngách các hộ gia đình. Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Toản khuyến nghị doanh nghiệp cần tận dụng các kênh bán hàng này, đồng thời hướng tới làm ăn bài bản tại thị trường Trung Quốc.

Ông Đào Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, cho rằng doanh nghiệp cần đăng ký thương hiệu sản phẩm với cơ quan chức năng của Trung Quốc. Để thuận lợi khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc; đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần xác minh thực lực và uy tín của doanh nghiệp Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần cập nhật các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của các địa phương bên phía Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017. Đặc biệt, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính sang các thị trường truyền thống đều tăng trưởng mạnh so với năm 2017./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất